221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1202204
Bất lực để "cò" xấc xược nạt dân, đe bác sĩ
1
Article
null
Bài 3:
Bất lực để 'cò' xấc xược nạt dân, đe bác sĩ
,

- Cơ quan chức năng khẳng định không thể xử lý dứt điểm nạn “cò” bệnh viện vì luật chưa quy định tội danh của hành vi này? Trong khi đó, hàng ngàn bệnh nhân phải chịu cảnh vật vờ chờ khám nếu không muốn bị “rỉa” đôi lần.

Khái niệm “cò” đã có từ khá lâu nói về những hoạt động môi giới không phép, không có sự quản lý của cơ quan chức năng. Cho đến thời điểm hiện tại, khi nạn “cò” bệnh viện đang hoành hành rầm rộ, các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể đưa ra những giải pháp chống “cò” không triệt để.

“Cò” né công an, “cò” “đe” bác sĩ

Bệnh viện Da liễu nằm trên địa bàn phường 6, quận 3 là nơi “cò đậu" ngang nhiên nhất từ mười năm nay. Ông Võ Văn Hiển, Phó công an phường 6, quận 3 cho biết: “Cò” trước khu vực BV Da liễu thường xuyên gây phiền hà cho người dân đến khám bệnh. Công an phường đã lập danh sách theo dõi những đối tượng gây mất trật tự công cộng, tràn xuống lòng đường bắt khách đến phòng khám tư.

Nhưng số “cò” này lại tạm trú tại phường 4 và phường 12, quận 3 nên Công an phường 6 không thể quản lý chặt chẽ mà chỉ có thể xử phạt về hành vi dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, hoặc “gây mất trật tự nơi công cộng” nếu có xảy ra đánh nhau, tranh giành khách”.

"Cò" vào cả bệnh viện làm giá với bệnh nhân.

Có đối tượng từng đi cai nghiện ma túy về, thường xuyên lừa bệnh nhân đến phòng khám tư. Khi công an phường nhắc nhở, đối tượng này không đậu xe ngoài đường nữa mà gửi ở cuối hẻm thuộc địa bàn phường khác, lúc bắt được khách rồi mới lấy xe ra.

Theo ông Hiển, “cò” móc ngoặc với những phòng khám tư thì Sở Y tế cần có biện pháp xử phạt mạnh những phòng khám đó, nếu vi phạm nhiều lần phải rút giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ có thể xử phạt phòng khám tư do chính mình cấp phép về hành vi bán thuốc cao hơn giá quy định, đó chưa phải cái gốc của vấn đề nếu muốn giải quyết triệt để nạn “cò” bệnh viện.

Cùng bức xúc với nạn “cò” bệnh viện, BS Nguyễn Hoàng Bắc - Phó Giám đốc BV Đại học Y dược (BV ĐHYD), phường 12, quận 5, cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị công an phối hợp kiểm tra nhưng không thể giải quyết được vì khó có bằng chứng cụ thể và chúng hoạt động ngày càng tinh vi. Thậm chí thách thức cơ quan chức năng, hăm dọa bác sĩ, sẵn sàng gây rối…”.

Nhân viên BV Đại học Y dược bị "cò" nhắn tin đe dọa.

Có lần, theo dõi qua camera, anh T.V.H nhân viên Bệnh viện ĐHYD phát hiện “cò” đang “lòe” bệnh nhân liền đến nhắc nhở. Mười phút sau, anh H. nhận được tin nhắn sặc mùi dao búa: “Thứ 2 tao cho đệ tao đến gặp mày nha. Ranh con!”.  

Theo đó, BV Đại học Y dược phải tự lên phương án như: gắn camera ở khu vực phát số thứ tự khám bệnh, thuê 36 bảo vệ chuyên nghiệp phân chia ở từng vị trí, thay đổi cách phát số thứ tự bằng máy tự động… nhằm sàng lọc, phát hiện đối tượng "cò" để xử lý nhưng đều bị chúng vô hiệu hóa.

Bác sĩ Bắc cho biết, đối tượng “cò chỉ huy” thường thuê những người bán báo, vé số… vào để lấy số theo tên mà khách hàng đã đặt trước hoặc tự khai khống. “Cò chỉ huy” chính là đội ngũ TNXP chạy xe ôm trước cổng bệnh viện do phường tổ chức.

Cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh

Trao đổi với PV VietNamNet, hầu hết lãnh đạo các BV tại TP.HCM đều than phiền rằng chưa thể xử lý được vấn nạn “cò” dứt điểm vì cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh mặc dù biết “cò” thường xuyên lộng hành trước cổng và trong BV từ nhiều năm nay.

Khi phát hiện cò lôi kéo hay lấy số bán cho bệnh nhân ngành y tế không có chức năng giải quyết mà phải đề nghị công an phối hợp. Tuy nhiên, lực lượng công an trên địa bàn cũng không đủ dàn trải nên khi ngừng truy quét, “cò” trở lại hành nghề bình thường.

Theo dõi "cò" qua camera để kịp thời cảnh báo người dân.

BS Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM tỏ vẻ rất mệt mỏi với tình trạng “cò” quấy rối, lôi kéo bệnh nhân để trục lợi nhưng không có biện pháp gì để chặn đứng tình trạng này.

“Cò tập trung lôi kéo bệnh nhân trước cổng bệnh viện nên chúng tôi không có quyền can thiệp mà phải nhờ công an quận phối hợp. Tuy nhiên, sau mỗi đợt truy quét “cò” hoạt động còn tinh vi hơn nhiều. Vì vậy, cần phải có cơ sở pháp lý mạnh hơn nữa” - BS Minh nói.

Khi đặt vấn đề tình trạng móc ngoặc giữa “cò” và một số y bác sĩ trong bệnh viện, BS Minh khẳng định: Nếu phát hiện bác sĩ, y tá nào tiếp tay hay móc ngoặc với “cò” để lôi kéo bệnh nhân, BV sẽ kiểm điểm hoặc đuổi việc ngay.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, cho biết sẵn sàng thành lập ban kiểm tra liên ngành để thanh tra các cơ sở, BV có tham gia vào hoạt động “cò” ngay khi nhận được tin báo.

Tình trạng quá tải đang "hà hơi" cho nạn "cò" lộng hành tại nhiều bệnh viện.

Các BV, phòng khám tư có giấy phép hoạt động mà móc ngoặc với “cò”, bị phát hiện sẽ áp dụng hình thức phạt tiền hết khung, đồng thời rút giấy phép buộc ngưng hoạt động. Nếu là cơ sở không có giấy phép sẽ cương quyết đóng cửa, chuyển hồ sơ sang công an điều tra, xử lý.

Theo BS Nghiệm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cò” lộng hành ở bệnh viện là do tình trạng quá tải kéo dài, nhu cầu về thông tin của người dân chưa được đáp ứng đầy đủ.

Những kiến nghị giải pháp, chế tài đề cập ở trên thực sự khả thi hay không có lẽ còn phải trông chờ vào sự ra tay và hợp lực giải quyết của các cấp quản  lý chính quyền địa phương cũng như ở các bệnh viện sở tại, mới mong có cơ hội dẹp nạn "cò", làm khổ người dân đến bệnh viện...

  • Quốc Quang - Thu Hòa

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,