- Bà T.T.N.L, một Việt kiều Mỹ, khi được người của Sở Y tế TP.HCM đề nghị cách ly, đã lẻn ra xe hơi cùng cô con gái và chạy trốn về Đà Nẵng. Đích thân ông Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM đã phải gọi điện thoại cầm tay cho con gái bà, hướng dẫn ngồi yên trong xe hơi, khi tới Đà Nẵng phải vào ngay Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để được giám sát.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM kể: “Những trường hợp bị nghi mắc cúm A(H1N1) vì có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm phần lớn là người nước ngoài và Việt kiều. Nhiều người trong số họ tỏ ra không hợp tác khi được yêu cầu cách ly khiến công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn”.
Bs Nghiệm đang tư vấn người dân qua ĐT. Ảnh: Thanh Huyền
Cụ thể như trường hợp anh K.B.C., Việt kiều Mỹ, người bay cùng bệnh nhân B. mắc cúm A(H1N1) được điều trị tại Hàn Quốc. Anh C. về Việt Nam do có tang gia. Lẽ ra vào lúc 22h, anh phải ra sân bay để đáp chuyến bay về Mỹ, nhưng anh nhận được yêu cầu phải hủy chuyến bay và theo nhân viên y tế về bệnh viện để được cách ly thêm 3 ngày.
Anh C. đã rất bức xúc, không chịu hợp tác và lấy lý do nếu trở về Mỹ trễ anh sẽ bị mất việc. Ngay trong đêm hôm đó, bác sĩ Nghiệm đã phải xin ý kiến cấp trên, làm gấp một biên bản xác nhận xin chịu hoàn toàn trách nhiệm để giữ anh C ở lại. Khi anh C. có kết quả âm tính với PCR, chính bác sĩ Nghiệm đã đặt vé máy bay để việc trở về của người Việt kiều này không bị chậm trễ.
Ngoài trường hợp của bà T.T.N.L kể trên, có 2 mẹ con người Hàn Quốc khi được đề nghị làm xét nghiệm PCR cũng rủ nhau bỏ trốn. Sau khi bà mẹ dẫn cậu con trai trốn về quận 7 (TP.HCM), thấy chỗ “ẩn nấp” bị động lại di chuyển sang quận 2.
Tại đây, bà mẹ đã dùng điện thoại bàn gọi cho Sở Y tế TP.HCM để xin tư vấn. Sở Y tế đã căn cứ theo số điện thoại, truy ra địa chỉ và tìm đến, đưa 2 mẹ con nhập viện. Dẫn được 2 mẹ con tới nơi thì ngôn ngữ bất đồng do người mẹ không biết cả tiếng Anh và tiếng Việt, các bác sĩ lại phải cất công tìm người phiên dịch qua điện thoại.
Mỗi ngày, cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phải tiếp nhận hơn 10.000 khách nước ngoài, trong đó 5.000 đến 6.000 người đến từ các quốc gia có dịch. Mỗi chuyến bay hạ cánh lại có khoảng 500 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng hầu hết không biết mình đang được giám sát qua máy đo thân nhiệt.
Ông Nghiệm cho biết, người nghi mắc cúm A/H1N1 sẽ được phát hiện thông qua 2 khâu giám sát.
Lãnh đạo ngành y tế đang khẩn trương phòng, chống dịch. Ảnh: Thanh Huyền
Khâu thứ nhất là các máy đo thân nhiệt, đội kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã cắt cử 40 nhân viên y tế, 6 bác sĩ có nhiệm vụ thay phiên nhau túc trực mỗi khi có chuyến bay từ nước ngoài đáp xuống.
Chỉ trong vòng 5 đến 10 phút, các nhân viên y tế phải nhận diện tình trạng thân nhiệt của từng hành khách, tế nhị mời riêng trường hợp có triệu chứng đặc biệt ra tư vấn và cách ly ngay tại sân bay.
Khâu thứ 2 là qua các Trung tâm Y tế dự phòng của từng quận, huyện. Các đơn vị này có trách nhiệm tiếp nhận những phản ánh của người dân trên địa bàn mình quản lý, phát hiện ra những hành khách có triệu chứng cảm cúm mà máy đo thân nhiệt tại sân bay đã để “lọt lưới”.
Cả 3 ca mắc cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam cũng được phát hiện và đưa đi cách ly điều trị kịp thời nhờ vào khâu thứ 2 này.
Khi một trường hợp được xác định dương tính với cúm A/H1N1 tại một quốc gia khác, ngay lập tức bộ phận kiểm soát dịch bệnh nước sở tại sẽ thông báo cho các nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có người từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Sau đó, Cục Y tế dự phòng và Môi trường Việt Nam sẽ có trách nhiệm tìm danh sách những người nhập cảnh đã tiếp xúc bệnh nhân mắc cúm A/H1N1, thông báo cho Sở Y tế TP.HCM và Hà Nội.
Tiếp đến, Sở Y tế sẽ phối hợp với các hãng hàng không, rà soát từng chuyến bay tại thời điểm mà các trường hợp trên nhập cảnh, sàng lọc những thông tin về địa chỉ, số điện thoại mà hành khách đã đăng kí. Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện sẽ tìm đến nơi cư trú của các hành khách này, tư vấn, đưa họ đến bệnh viện bằng xe chuyên dụng để cách ly, giám sát.
"Bắt" được người nghi nhiễm cúm A(H1N1) đến xét nghiệm và cách ly, giám sát, các bác sĩ còn phải lo lắng cả đến bữa ăn, nhu cầu thông tin, giải trí của người bệnh. Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới lắp đặt hệ thống internet không dây để những bệnh nhân đang được cách ly tiện lợi trong việc trao đổi thông tin liên lạc. Nhiều bác sĩ đã phải ăn ngủ luôn trong viện 24/24 để sẵn sàng xử lý sự cố hoặc trả lời điện thoại xin tư vấn cho người dân.
-
Thanh Huyền