221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1210474
Tài xế taxi sân bay lo sốt vó vì cúm A(H1N1)
1
Article
null
Tài xế taxi sân bay lo sốt vó vì cúm A(H1N1)
,

 - Đoàn khách nước ngoài bước ra từ sân bay, vẫy taxi đang chờ trước cổng ga quốc tế. Anh tài xế liền chạy lại đón khách nhưng phấp phỏng nỗi lo lắng khi thấy có vị khách mệt mỏi, thỉnh thoảng lại húng hắng ho, hắt xì hơi…  

Các tài xế taxi đón khách, đặc biệt khách nước ngoài tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM đang lo sốt vó vì có thể bị lây bệnh khi dịch cúm A(H1N1) bùng phát mạnh. Tuy nhiên, ngay cả biện pháp đơn giản nhất để bảo vệ mình là đeo khẩu trang, các bác tài cũng nói khó thực hiện!   

Đeo khẩu trang bảo vệ: phản cảm và mất lịch sự?  

Chiều 9/6, khu vực ga hàng không quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất nhộn nhịp khách ra vào. Trước cổng ga quốc tế, 1 dãy taxi của nhiều hãng đang chờ đón khách bước ra từ cửa sân bay. 

Câu chuyện mà các tài xế taxi bàn tán xôn xao những ngày này luôn xoay quanh việc làm sao “né” cúm A(H1N1). Hầu hết các taxi cho biết rất sợ lây cúm nhưng lại không thể tự bảo vệ mình. Cách phòng tránh đơn giản và hiệu quả nhất là đeo khẩu trang được các tài xế cho là không khả thi! 

“Hành khách, nhất là người khó tính sẽ nghĩ mình coi thường họ, nghĩ họ bị dịch cúm nên tài xế mới phải đeo khẩu trang để… né! Với lại mời khách, đón khách rồi hướng dẫn khách mà đeo khẩu trang thì phản cảm, mất lịch sự lắm” - anh Phạm Ngọc Cường, tài xế hãng taxi Saigon Air nói. 

Mỗi ngày tài xế taxi tiếp xúc với rất nhiều hành khách quốc tế. 
Ảnh: Thái Phương

Không chỉ anh Cường, nhiều tài xế cho rằng lái xe taxi là công việc đặc thù, nhất là ở những chỗ như sân bay. Hằng ngày, tiếp xúc với cả trăm hành khách đến từ nhiều nước trên thế giới, các bác tài ý thức rất rõ nguy cơ lây nhiễm dịch cúm nhưng lại đang loay hoay tìm biện pháp. 

Anh Vương Hoàng Huy, tài xế của Mai Linh tại sân bay cho biết, mấy ngày qua nghe thông tin người nhiễm cúm A(H1N1) tăng lên từng ngày khiến anh lo lắng. Tuy nhiên, anh cũng chưa tìm ra cách gì để bảo vệ bản thân khỏi dịch, “chẳng lẽ xin chuyển khu vực làm việc hay xin nghỉ phép chờ hết dịch…”.

Theo quan sát của PV VietNamNet, không 1 tài xế taxi nào được trang bị khẩu trang y tế. Ngay cả hành khách và người thân ngồi ở ga quốc tế tại sân bay cũng không ai mang khẩu trang. Nhiều vị khách vừa bước ra khỏi cửa sân bay liền tháo khẩu trang và bỏ ngay vào giỏ sách. Thậm chí, 1 số người chủ quan vì máy đo thân nhiệt tại sân bay đã phát hiện ra người bị bệnh, có thân nhiệt cao rồi, đeo khẩu trang làm gì nữa (!). 

Thiếu thông tin phòng tránh dịch 

Nhiều tài xế cho biết đợt xảy ra dịch SARS, họ được trang bị kiến thức phòng tránh khẩn cấp, được phát khẩu trang y tế… nhưng lần này chưa thấy ai hướng dẫn, chỉ đạo mà chủ yếu tự bảo vệ là chính. 

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho biết ngày 5 và 6/6, công ty đã tự tổ chức chương trình phòng chống dịch cúm, cung cấp kiến thức về cúm A(H1N1) cho lái xe taxi của hãng tại TP.HCM. Ngoài ra, tất cả các phương tiện vận tải của công ty cũng được dùng thuốc khử trùng theo tiêu chuẩn y tế và có các tờ rơi thông tin cúm A(H1N1) để trên xe.  

Hầu hết hành khách và người thân tại sân bay đều không mang khẩu trang. "Dường như dịch cúm đang ở đâu xa lắm chứ không phải tại TP.HCM nên mọi người mới chủ quan vậy" - một tài xế taxi nói. Ảnh: Thái Phương

Tuy nhiên, ông Võ Ba, Giám đốc Future Taxi e ngại việc đeo khẩu trang với tài xế đã khó, phun thuốc khử trùng trên xe còn khó hơn. “Hành khách chỉ cần ngửi mùi khó chịu trên xe là sẽ không đi nữa, phun thuốc khử trùng xong mà khách bỏ sang xe khách cũng không được”. Đồng thời, ông Ba nhận định nguy cơ các tài xế bị lây bệnh từ hành khách là hoàn toàn có thể. 

“Do đó, tôi kiến nghị cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế và sân bay Tân Sơn Nhất nên mở các buổi tập huấn nhanh, cung cấp kiến thức cơ bản về phòng chống dịch cúm cho tài xế các hãng taxi đón chở khách tại sân bay. Nếu để các hãng tự hướng dẫn tài xế của mình sẽ mang tính tự phát và không thể tốt được” - ông Ba nói. 

Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 12 hãng taxi tham gia đón trả khách. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn lượt hành khách trong nước và quốc tế ra vào.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc taxi Vinasun nói rằng không chỉ tài xế taxi mà ngay cả tài xế, tiếp viên xe buýt đón khách ở sân bay cũng cần được biết cách phòng tránh dịch bệnh. Xe taxi chỉ có tài xế và vài vị khách nhưng chẳng may 1 người bị bệnh lên đi xe buýt thì tất cả hành khách trên xe sẽ gặp nguy, ông Hỷ góp ý. 

Trong khi chờ được trang bị dụng cụ, kiến thức từ các hãng, tài xế taxi đành phải chấp nhận “sống chung với… dịch” để đón chở khách mỗi ngày. Lại 1 đoàn khách nước ngoài bước ra từ cửa ga quốc tế và lên xe taxi, không biết tài xế taxi đang mừng hay lo lắng…

  • Thái Phương 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>