221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1211118
TP.HCM lo “mạng nhện” trên trời chuyển xuống... dưới đất
1
Article
null
TP.HCM lo “mạng nhện” trên trời chuyển xuống... dưới đất
,

- Mỗi đơn vị có dây cáp lại đòi được chủ động hạ ngầm theo đường riêng của mình. TP.HCM đang lo ngại, với kiểu hạ ngầm thiếu đồng bộ thế này, chẳng bao lâu hệ thống mạng nhện trên trời sẽ được chuyển xuống dưới đất …

Bị công trình khác “ngáng chân”

Công ty Điện lực TP.HCM cho biết, việc ngầm hóa lưới điện được thực hiện từ năm 2003-2004 trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ… Tuy nhiên, ngành điện chỉ ngầm hóa lưới điện, còn cáp viễn thông vẫn treo nhằng nhịt trên cột điện khiến “mạng nhện” lại tiếp tục giăng.

Năm 2008, để giải quyết tình trạng “mạng nhện” gây mất mỹ quan đô thị và an toàn cho người tham gia giao thông, Công ty Điện lực TP.HCM đề xuất thí điểm ngầm hóa bằng hào kỹ thuật trên đường Lý Tự Trọng.

Tuy nhiên, khi mọi phương án thực hiện đã hoàn tất và chuẩn bị đưa vào triển khai trong quý II/09, ngành điện “té ngửa” vì UBND Q.1 vừa tiến hành cải tạo, chỉnh trang vỉa hè tuyến đường Lý Tự Trọng. Dự án ngầm hóa “mạng nhện” tuyến đường này đành dời lại đến quý II/2010.

Bao giờ những búi "mạng nhện" này mới được ngầm hóa trả lại vẻ mỹ quan đô thị và an toàn cho người tham gia giao thông. Ảnh: Thái Phương

Gần đây nhất, ngành điện tiếp tục đề xuất thí điểm ngầm hóa lưới điện và dây thông tin trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Nguyễn Cư Trinh đến Nguyễn Văn Cừ). Việc khảo sát, lập phương án thi công của ngành điện đã hoàn tất và trình lên Sở Công thương, Sở Thông tin - Truyền thông, UBND Q.1 để báo cáo UBND thành phố chấp thuận.

“Ngành điện lại bất ngờ lần nữa khi nghe UBND Q.1 cũng có kế hoạch chỉnh trang, cải tạo vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo!” - một cán bộ ngành điện cho biết.

Rốt cuộc, công ty phải họp với lãnh đạo Q.1 dời thời hạn cải tạo vỉa hè tuyến đường này (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Cư Trinh) để phối hợp đồng bộ với công trình ngầm hóa thí điểm.

Ngoài ra, hàng loạt tuyến đường bị đào xới phục vụ thi công các hạng mục giao thông như cống thoát nước, cấp nước, dự án cải thiện môi trường nước… cũng rất khó khăn khi ngành điện thí điểm ngầm hóa “mạng nhện” trong tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay.

Đến viễn thông gây khó?

Trong cuộc họp gần đây nhất do UBND thành phố chủ trì về việc thí điểm ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, ngành điện nói không chỉ “đụng” công trình cải tạo vỉa hè, các dự án giao thông, thoát nước… mà cả ngành viễn thông cũng gây khó.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM cho biết, một số đơn vị viễn thông không đồng ý phương án đi chung mương cáp ngầm với ngành điện mà yêu cầu đi riêng. Tuy nhiên, việc lập mương cáp ngầm riêng sẽ không khả thi và có nhiều bất cập. Do đặc thù mặt bằng vỉa hè ở các tuyến đường của thành phố khá nhỏ, hẹp sẽ không đủ bố trí 2 mương cáp ngầm riêng của viễn thông và điện lực.

“Nhất là không quản lý thống nhất được các công trình ngầm, sẽ rơi vào tình trạng “mạng nhện” chuyển từ trên trời xuống… dưới đất như trước kia. Do đó, ngành điện đang tích cực làm việc với viễn thông để thỏa thuận tìm ra giải pháp tốt nhất” - ông Bảo nói.

Đồng thời, quy cách kỹ thuật xây dựng mương cáp, hào kỹ thuật để bố trí dây điện và dây thông tin đi chung chưa được thống nhất; quy chế phối hợp giữa ngành điện và các đơn vị viễn thông trong việc phân chia đầu tư, khai thác sử dụng mương, hào kỹ thuật cũng chưa xác định cụ thể. Đây là trở ngại lớn trong việc ngầm hóa đồng bộ “mạng nhện”, ông Bảo cho biết thêm.

Ngành điện liên tục gặp khó trong việc ngầm hóa "mạng nhện". Ảnh: Thái Phương

Ngoài ra, với những dây thông tin “vô chủ” hoặc dây thông tin mật phục vụ an ninh quốc phòng không xác định được đơn vị quản lý, điện lực rất khó trong việc thông báo, phối hợp thực hiện ngầm hóa.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT và Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp các đơn vị thi công trước khi thực hiện cần làm rõ các thông số kỹ thuật, lắng nghe ý kiến của người dân và cơ quan chuyên ngành. Việc thí điểm ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông cần được đảm bảo an toàn, hiệu quả và nhanh chóng chấm dứt tình trạng “mạng nhện” giăng mắc chằng chịt như hiện nay.

Theo dự kiến, công trình sẽ khởi công vào tháng 7/2009, thi công lắp đặt hào kỹ thuật, hoàn tất ngầm hóa lưới điện, cáp thông tin và thu dọn toàn bộ trụ điện trên đoạn đường thí điểm Trần Hưng Đạo vào tháng 12/2009.

Trong lúc chờ “mạng nhện” được ngầm hóa, người dân lại ngán ngẩm nhìn “nhện tiếp tục giăng” và thấp thỏm mỗi khi ra đường vì sợ dây điện rơi xuống đường, dây thông tin thòng lọng “treo cổ” người đi đường…

Mương cáp ngầm được thiết kế là mương cáp hình chữ V, kích cỡ 0,95x1,04x1,24. Chiều dài mương cáp 2.425m, kinh phí lắp đặt khoảng 6 tỷ đồng/km. Mương cáp đặt được tối đa 3 cáp trung thế, 3 cáp hạ thế, 9 ống cáp viễn thông (tương ứng khoảng 25 sợi cáp).

Cáp điện hạ thế và cáp viễn thông được rẽ vào các tủ đặt trên lề đường bằng ống thông qua mương bê tông bởi các lỗ chừa sẵn khi đúc. Các lỗ này được bịt kín khi không sử dụng, được đục ra dễ dàng khi cần rẽ cáp. Đối với cáp trung thế, để rẽ cáp cần kết cấu mương cáp đặc biệt tạo đủ khoảng không đảm bảo bán kính cong cho phép của cáp.

Công ty Điện lực TP.HCM đang quản lý hệ thống lưới điện gồm lưới điện 110kV: 393,8km, trong đó khối lượng cáp ngầm là 16,2km (chiếm 4%); lưới trung thế: 4.891km trong đó lượng cáp ngầm là 1.194km (chiếm 24,4%); lưới hạ thế: 9,371km trong đó cáp ngầm 714km (tỉ lệ 7,6%).

  • Thái Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,