- "Sau chưa đầy 3 tháng tổ chức lại giao thông trong nội thành, Hà Nội đã xoá được 37 điểm ùn tắc" - Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết vào sáng 16/6.
"Càng làm càng sáng"
Ông Nhanh cho biết, sau khi triển khai kế hoạch 275 của liên ngành công an và giao thông về thực hiện các giải pháp chống ùn tắc và vi phạm trật tự an toàn giao thông, tình hình ùn tắc giao thông đã đạt được kết quả khả quan.
"Từ 2/4 đến 15/6, chưa đầy 3 tháng triển khai kế hoạch 275, Hà Nội đã xoá bỏ được 37 điểm ùn tắc, trong đó, đợt I xoá bỏ được 11 điểm, đợt II xoá 26 điểm, tình hình giao thông càng làm càng sáng" - ông Nhanh nói.
Phân luồng lại, đường Hà Nội đã bớt tắc hơn (Ảnh:C.Hiếu) |
Tuy nhiên, xác định việc giữ vững thành quả là rất khó khăn, đồng thời để đạt hiệu quả hơn trong việc mở rộng tổ chức lại giao thông thời gian tới, ông Nhanh cũng yêu cầu hai ngành nghiêm túc góp ý, rút kinh nghiệm.
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Công an Thành phố HN nhìn nhận lại những điều còn bất cập: "Người đi bộ thiếu chỗ qua đường, nên biết sang đường là phạm luật và nguy hiểm nhưng họ vẫn đi. Nhiều điểm dừng đỗ của xe buýt không còn phù hợp sau khi tổ chức lại giao thông. Có chỗ chỉ dành cho người đi bộ qua đường nhưng lại mở rộng quá khiến xe máy cũng tranh thủ".
"Phải điều chỉnh đèn, kẻ lại vạch sơn, đoạn nào từ 500m trở lên không có chỗ qua đường thì phải xây cầu vượt cho người đi bộ. Ngành giao thông phải rà soát lại biển báo, biển dừng đổ xe buýt" - ông Ngọc dẫn ví dụ và kiến nghị.
Cố vấn trưởng của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản tại Việt Nam (Jica), ông Takagi cũng đánh giá cao việc tổ chức giao thông linh hoạt, kết hợp giữa đảo giao thông với đèn tín hiệu, khả năng tính toán chi tiết luồng phương tiện để chọn dòng giao thông chính của của Sở GTVT trong thời gian qua.
Còn Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thì nói ngắn gọn: Con số 37 điểm đen bị xoá nói lên nhiều điều. Nếu nhân 1 điểm ùn tắc với 2 chiến sĩ CSGT (nhân với 3 ca trực rồi nhân với 37) thì chúng ta tiết kiệm được rất nhiều lực lượng.
Những cảnh báo
Tuy vậy, ông Takagi cũng lưu ý đến tính thời điểm của giải pháp này. Ông phân tích: "Phương án này có thể đúng thời điểm này, năm này, nhưng thời điểm khác, năm sau chưa chắc đã đúng. Nó cũng như đứa trẻ trải qua từng thời kỳ vậy. Bởi một khi dòng phương tiện lớn quá sẽ có những biến thái, cho nên phải có những theo dõi, phương án khác để điều chỉnh kịp thời, khoa học".
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc cũng "cảnh báo": bắt đầu mùa mưa, rồi cao điểm thi đại học, nghĩa là sẽ có những tình huống bất thường xảy ra, nên cũng cần có kế hoạch bổ sung cho những hoàn cảnh này. Đồng thời, việc tổ chức mở rộng trong thời gian tới cũng phải thông báo rộng rãi cho người dân biết trước, tránh sự ngỡ ngàng.
Lắng nghe những ý kiến trên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng trần tình: Đúng là đèn tín hiệu còn nhiều nơi chưa hợp lý, nhưng cũng vì đèn giao thông hiện nay rất thiếu đồng bộ.
Theo ông Hùng, hệ thống đèn ở Hà Nội hiện có tới mười mấy nguồn khác nhau, từ Pháp, Mỹ, Nhật, đến Trung Quốc... nên rất khó liên hoàn.
Lý giải việc chưa thông báo rộng rãi trước khi tổ chức lại giao thông khiến không ít người dân bất ngờ, Giám đốc Sở GTVT nói: "Trước đây, có những việc chỉ đang bàn thôi, như cấm xe máy vào nội thành, tăng thuế trước bạ... nhưng dư luận phản đối rất ghê. Vì lo ngại phản ứng của dư luận nên lần này sở đã quyết tâm làm mà không bàn rộng rãi nhiều. Rất may, kết quả bước đầu đã được dư luận, cả báo chí và nhân dân ủng hộ".
Sắp tới, để tiếp tục thu hẹp 91 điểm ùn tắc còn lại, Sở GTVT sẽ tiếp tục tổ chức giao thông, điều chỉnh lại các tuyến, nút giao thông, gồm: Tuyến đường Lê Văn Lương - Láng Hạ; Nút giao thông Hồ Đắc Di - Nguyễn Lương Bằng; nút Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng - Ô Chợ Dừa; Nguyễn Văn Cừ, Cống Chênh, nút giao thông Daewoo, Phạm Văn Đồng; Pháp Vân - Cầu Giẽ. |
-
Chí Hiếu