– Báo cáo “khống”, chi sai nguyên tắc gây thất thoát tiền tỷ cho Nhà nước..., nguyên Giám đốc và kế toán trưởng Công ty Cơ khí Công nghiệp Sài Gòn (SIMC) đã bị khởi tố để điều tra.
Ngày 22/6, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho hay, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Việt Hùng – nguyên Giám đốc SIMC, trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và bà Phạm Thị Lệ Hoàng – nguyên kế toán trưởng của SIMC, để điều tra làm rõ hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai bị can trên được tại ngoại để hầu tra.
Theo cáo buộc của cơ quan CSĐT, trong quá trình điều hành hoạt động SIMC giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2004, hai bị can nói trên đã có nhiều sai phạm gây thất thoát tiền tỷ cho Nhà nước.
Cụ thể, trong khoảng thời gian trên, SIMC hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy nông cụ, máy công nghiệp… nhưng liên tục bị thua lỗ. Tuy nhiên, lãnh đạo của công ty đã kê khai kinh doanh có lãi, bằng cách khai khống doanh số mua bán không có thật, để báo cáo lên cơ quan quản lý.
Đồng thời, theo quy định của Nhà nước, đối với các doanh nghiệp của Nhà nước, nếu kinh doanh không có lãi thì việc chi trả lương chỉ được áp dụng theo cách tính lấy hệ số cấp bậc nhân với định mức cơ bản mà Nhà nước quy định, nhưng từ báo cáo “khống” như nói trên, SIMC đã chi trả lương sai nguyên tắc cho cán bộ, công nhân viên trong suốt giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2004, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn năm 2000 – 2001, kinh doanh thua lỗ nhưng SIMC vẫn chi thưởng tết cho cán bộ công nhân viên với số tiền gần 280 triệu đồng. Số tiền sai phạm này được các lãnh đạo SIMC “che giấu” bằng cách hạch toán vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, số nợ 43 tỷ đồng của SIMC đã được Công ty Mua bán nợ (thuộc Bộ Tài chính) mua nhưng hiện tại vẫn còn ghi nợ cho công ty này.
Từ những sai phạm nói trên, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã vào cuộc. Qua điều tra cho thấy, để xảy ra sai phạm là có sự “chung tay” của ban lãnh đạo SIMC nhưng trong đó vai trò chính là ông Hùng và bà Hoàng. Làm việc với cơ quan CSĐT, 2 bị can khai nhận, đó là biện pháp nhằm giúp công ty tránh nguy cơ phá sản, giúp các cán bộ công nhân viên công ty khỏi rơi vào cảnh… thất nghiệp.
Được biết, sau khi khởi tố, cơ quan CSĐT đã khám xét nơi ở và kê biên tài sản của hai bị can nói trên.
- Đàm Đệ
.