- Người dân Hà Nội đã quen với "thảm cảnh" mất điện đúng lúc nóng nhất trong ngày. Những câu chuyện “cười ra nước mắt” dưới đây là ví dụ điển hình cho nỗi khốn khổ của người dân Thủ đô khi điện liên tục bị “out” vào lúc nóng bức nhất.
Bị nhốt trong nhà vì không có điện mở cửa cuốn
Sáng 20/6, anh Thuận ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy) không thể ra khỏi nhà do mất điện, không thể mở cửa cuốn.
Ngày 19/6, khu phố nhà anh mất điện từ chiều. Đến 12h đêm, tình trạng điện chập chờn như “ma trơi” may mắn chấm dứt nên anh ngủ được một giấc ngon lành.
Thế nhưng, đến 8h sáng 20/6, khi xuống đến tầng trệt chuẩn bị ca làm buổi sáng thì anh không tài nào mở được cửa cuốn. “Tôi loay hoay gần 10 phút, kiểm tra mọi thứ nhưng tuyệt nhiên không kiểm tra điện. Hóa ra, chỉ trong khoảng 5 phút đi bộ xuống tầng, điện đã kịp “out”. Thật không thể tưởng tượng nổi”, anh bức xúc như đang sống trong cảm giác tức tối của buổi sáng hôm đó.
Nhiều người dân Thủ đô đang hứng chịu cảnh mất điện giữa thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Ảnh: Cẩm Quyên |
Ở nhà, điện thoại anh liên tục réo. Cái nóng của thời tiết cùng tâm trạng bực dọc khiến mồ hôi anh vã ra như tắm. Cuối cùng, anh buộc phải xin đổi ca trực và ở nhà làm việc với giấy bút, thay vì máy tính.
Đến tận 6h chiều, điện lại về trong sự mong mỏi gần như sắp tuyệt vọng của người dân khu phố anh. Nhưng không lâu sau, điện lại tắt ngúm đến tận 12h đêm. Tình trạng này đã tái diễn liên tục trong suốt mấy ngày nắng nóng vừa qua.
Một đêm đi ngủ nhờ 5 lần
Mất điện từ 8h tối, đến 10h đêm chưa có, chị Nguyễn Thị Lan dắt xe sang nhà bạn ngủ nhờ. Đi gần đến nơi, mẹ chị gọi điện báo đã có điện, chị mừng quýnh quay về.
Người dân mong điện mỏi mòn ... Ảnh: Cẩm Quyên
Vừa về đến nhà, điện lại tắt ngấm. Đợi 20 phút mà không có dấu hiệu khả quan nào, chị lại tiếp tục dắt xe ra. Đi gần đến nhà bạn, mẹ chị lại gọi điện thông báo có điện, chị lại quay về.
Và cái vòng luẩn quẩn hi vọng - thất vọng này đã tiếp diễn đến hơn 11h đêm. Cả đêm 21/6, chị đã đi đi về về như thế tổng cộng 5 vòng. Điện cứ có 10 phút lại mất như muốn “trêu ngươi” và “thử thách” lòng kiên nhẫn của tất cả những người dân ngõ 113 Yên Hòa (Cầu Giấy). Những ai điềm đạm nhất cũng không thể không bật ra câu: “Thế này thì chết mất thôi”.
Mẹ chị Lan cũng đã phải dậy mở - đóng cửa cho con 5 lần. Đêm 21/6, bác đã gọi cho điện lực Cầu Giấy trên 10 cú điện thoại. Người trực như biến thành cái tổng đài tự động khi chỉ lặp đi lặp lại một câu khô khốc: “Aptomat bị quá tải, chưa biết bao giờ mới có điện”.
“Tiền điện chúng tôi đóng đủ. Giá điện lại liên tục bị “dọa” tăng. Nếu cứ thế này mà tăng giá điện thì chính tôi cũng không hiểu ngành điện nghĩ gì”, bác Trần Văn Xuân, 113 Yên Hòa bức xúc.
Các xóm trọ trong phố Yên Hòa thường xuyên bị đạo chích viếng thăm, thế nhưng, những ngày nắng nóng mất điện thế này, trộm cắp giảm hẳn “vì chúng tôi còn ngồi ngoài ngõ đến 2h sáng thì trộm nào vào được?!”, bác Xuân hóm hỉnh.
Mấy ngày nay, gia đình bác Xuân đều ăn cơm từ 4-5h chiều để tránh giờ “G” của ngành điện. Đến nửa đêm điện về, cả nhà lại xì xụp ăn uống. “Thôi, ngành điện không chịu đổi thì mình phải đổi để tự sống được đã. Nếu cứ ngồi và trông chờ vào mấy “ông lớn” này chắc dân chết hết”, bác nói.
Không có điện - không có chỗ đi vệ sinh
Mất điện kéo theo mất nước, nên nỗi ám ảnh vì cái nóng ở xóm trọ đã nhường chỗ cho nỗi kinh hoàng vì không có nơi đi … vệ sinh.
Thảm cảnh này đang diễn ra tại xóm trọ của Ngô Văn Thi (ĐH Giao thông Vận tải HN) ở ngõ 389 Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy).
“Điện mất cả một ngày trời, đang mùa thi nên cả xóm trọ đông đúc đều ở nhà. Số nước ít ỏi nhanh chóng “bốc hơi”, bể phơi đáy từ 9h sáng. Nước dội một nhà vệ sinh chung của 17 con người cũng không có lấy một giọt. Thật khủng khiếp”, Thi mô tả.
Có những sinh viên “đen đủi” vì bị “Tào Tháo đuổi” do ăn phải đồ ăn không đảm bảo ở quán cơm bụi vẫn phải nhắm mắt bịt mũi sử dụng nhà vệ sinh này.
Dù mùi tảo hồ Ba Mẫu rất hôi, muỗi vo ve xung quanh nhưng những đứa trẻ này vẫn trải chiếu ra cạnh hồ ngủ vì mấy ngày nay thiếu ngủ. Ảnh: Hoàng Thuỳ
Không chịu nổi hết một ngày, ngay cuối buổi chiều, toàn bộ 17 người trong xóm trọ của Thi đã tự tìm đường “giải thoát” cho mình để cuộc sống “dễ thở” hơn.
Tình trạng này cũng phổ biến ở các nơi chịu chung thảm cảnh mất điện. Những ngày nóng bức vừa qua, nhà anh Trần Xuân Quân, ở khu D2 - tập thể Giãng Võ bị mất nước hoàn toàn. Đi làm về không có nước tắm, thậm chí không có nước dội nhà vệ sinh nên phòng anh lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi thối.
Không thể chịu nổi cảnh mất vệ sinh, anh Quân đành phải đi thuê nhà nghỉ trên đường Trần Duy Hưng để tắm rửa và ngủ qua đêm.
Mất điện, cả xóm ra hồ ngủ
Người dân ở tổ 23A Phương Liên thì cả nửa tháng nay đã coi hồ Ba Mẫu như “nơi ăn chốn ở” của mình lúc mất điện. Họ mang chiếu ra trải, người nằm ngồi la liệt cả một bãi như dân tị nạn. Đặc biệt là những chiếc võng được mắc nối đuôi nhau khiến ai đi qua ngỡ như được thăm lại “chiến trường xưa”.
Bác Long, một người dân ở đây chia sẻ: “Từ hồi mất điện, tôi cũng sắm cho mình chiếc võng để ra hồ mắc nằm. May mà còn có cái hồ cho người dân tránh nóng, nếu không, chẳng biết sẽ ra sao”.
Người dân ở tổ 23A Phương Liên rủ nhau ra hồ Ba Mẫu mắc võng và trải chiếu nằm. Ảnh: Hoàng Thuỳ |
Đã hơn 1h đêm, lũ trẻ trong khu Phương Liên vẫn rủ nhau chơi đá bóng. “Bọn em chẳng biết làm gì lúc mất điện này, ngồi mãi ở kia với bố mẹ thì chán lắm, chơi cho nó quên chuyện mất điện chị ạ”.
Đang nằm trên võng ngoài hồ Ba Mẫu để cố ngủ một chút, nhưng khi nghe có cánh báo chí đến, một chú trung tuổi đã ngồi ngay dậy để nói vài câu: “Các chú ở đây kêu nhiều rồi nhưng không ai giải quyết. Chỉ mong ngóng có một điều là điện đừng mất thường xuyên và kéo dài như thế này nữa. Trẻ nhỏ, người già đã không chịu nổi, rồi đến lúc những người khoẻ mạnh cũng lăn ra ốm vì đêm thiếu ngủ, ngày vẫn đi làm trong cái nắng nóng chết nguời này”.
Còn chị Hương nằm ở võng bên cạnh vừa dỗ con vừa nói: “Nếu như báo mất điện từ 21h đến 4h sáng thì bọn chị sẵn sàng ngủ ở đây luôn. Đằng này cứ mất rồi có, được 10 phút lại mất khiến mọi người không dám về nhà nữa. Một bên là đống rác xây dựng ô nhiễm, một bên là tảo hồ bốc mùi hôi thối, nhưng cả nhà vẫn phải ra đây vì không còn nơi nào để đi nữa. Hôm nay mát trời còn đỡ, chứ mấy hôm trước người ta vừa ngồi hóng gió vừa đeo khẩu trang la liệt, khiến nơi đây không khác gì trại tỵ nạn”.
“Lụt” bài thi, báo cáo thực tập
Trong những nhà trọ chật hẹp và "siêu nóng", sinh viên ôn thi học kì rất vất vả. Ảnh: Vũ Điệp |
Nhà trọ ở đường Nguyễn Khang của Vũ Thị Nga, sinh viên năm cuối khoa kế toán, Trường ĐH Lao động xã hội, thường xuyên mất điện khiến cho việc làm báo cáo thực tập tốt nghiệp của Nga bị gián đoạn.
Nga cho biết: “Đúng theo kế hoạch, ngày 23/6 em phải nộp báo cáo thực tập tốt nghiệp, nhưng khu vực em ở mất điện liên tục nên đến giờ vẫn chưa thể hoàn thành vì không dùng được máy vi tính. Các cửa hàng Internet xung quanh cũng “chết cứng” vì mất điện”.
Cực chẳng đã, Nga phải lên nhà anh trai ở ngõ 113 Yên Hòa để tá túc, mong hoàn thành báo cáo thực tập đúng hạn, nhưng khổ nỗi, nhà anh trai Nga ở trọ điện cũng tắt ngúm từ chập tối đến nửa đêm. “Cứ đà này thì em “lụt” báo cáo thực tập là cái chắc”, Nga lo lắng.
Chín và mấy cậu bạn vẫn cặm cụi học bên ánh đèn đường. Ảnh: Hoàng Thuỳ |
Với nhiều gia đình có con sắp thi vào lớp 10 vào ngày mai (24/6), việc mất điện khiến các ông bố bà mẹ như “ngồi trên đống lửa”. Chị Mai Thị Hà ở Chùa Láng đã tức tốc mua đèn, quạt tích điện, lắp điều hòa để đảm bảo sức khỏe và việc học ôn cho con. “Tốn cũng phải cắn rắng, chả nhẽ lại để con thi hỏng vì bị ốm hay vì không học được bài do mất điện?”, chị chia sẻ.
- Cẩm Quyên - Hoàng Thuỳ - Vũ Điệp