- Những ngày gần đây, Công viên 23/9 đoạn từ Lê Lai đến Phạm Ngũ Lão (phường Bến Thành, Q.1, TP.HCM) đang bị xới tung lên. Người dân quanh khu vực này xôn xao liệu có phải công viên lại một lần nữa bị “xẻ thịt” với ý định xây cao ốc, trung tâm thương mại?
Xới tung công viên để làm gì?
Mấy ngày qua, người dân sống quanh Công viên 23/9 và người đi đường qua khu vực này không khỏi ngạc nhiên khi thấy xe lu, xe máy xúc, máy ủi… được tập kết nhộn nhịp, hối hả ở công viên. Nhiều người nói, họ chỉ thấy công nhân tới đào xới, thi công rồi máy xúc, xe lu đổ đá, lằn đường nên nghĩ đang làm đường chứ không biết để làm gì?
Theo quy định của Sở GTVT thành phố về việc công bố thông tin các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, mọi công trình xây dựng từ dân dụng đến các dự án lớn, nhỏ… đều phải có bảng công bố thông tin cho người dân rõ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VietNamNet, ở cả hai phía đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai, nơi công viên đang bị đào xới đều không thấy bảng thông tin nào. Điều này càng làm người dân suy nghĩ và lo lắng.
Người dân xôn xao khi thấy Công viên 23/9 bị xới tung lên. Ảnh: Thái Phương |
Nhiều người dân sống trên đường Phạm Ngũ Lão đặt ra câu hỏi: Chỉ sợ họ âm thầm làm đường, phân lô rồi cho các đơn vị trong ngoài nước đầu tư, xây dựng cao ốc, văn phòng ở ngay công viên như trước đây?
Bởi lẽ, trước đó, vào năm 2006 đã từng có thông tin sẽ xây cao ốc 54 tầng ngay tại Công viên 23/9. Sau đó, dự án này bị người dân phản đối kịch liệt bởi khu vực trung tâm thành phố hiện quá thiếu mảng xanh và không thể phá vỡ cấu trúc khu vực này để xây cao ốc.
Do đó, UBND thành phố quyết định không cấp phép cho dự án cao ốc 54 tầng này. Giờ phải chăng có một dự án khác đang được xây dựng khi Công viên 23/9 đang bị đào xới?
Chỉ là đường nối băng công viên để giảm kẹt xe!
Đem những thông tin người dân xôn xao thời gian qua trao đổi với ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1), Sở GTVT TP.HCM, ông Thắng cho biết đây chỉ là dự án đường nối thông giữa đường Tôn Thất Tùng và Đỗ Quang Đẩu.
"Tuyệt đối không có việc "xẻ thịt" công viên như người dân lo lắng" - ông Thắng nói. Ảnh: Thái Phương |
“Mở đường qua Công viên 23/9 với mục đích duy nhất để giảm kẹt xe gần chợ Thái Bình (khu vực vòng xoay Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi - Phạm Ngũ Lão) và các tuyến đường lân cận” - ông Thắng khẳng định. Đồng thời, theo Khu 1, kế hoạch mở đường băng ngang công viên đã có từ cuối năm 2007, được UBND TP.HCM đồng ý.
Mục tiêu của dự án là sử dụng một phần Công viên 23/9 xây tuyến đường nối thông từ Tôn Thất Tùng băng ngang qua công viên vào Đỗ Quang Đẩu (trong khi chờ quy hoạch chi tiết công viên này). Tuyến đường trên khi được xây dựng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho khu vực xung quanh như: vòng xoay chợ Thái Bình, vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương và một số nút giao thông trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thái Học…
Tuy nhiên, một số người cho rằng, có nhiều phương án giảm kẹt xe khu vực này như phân luồng giao thông, tại sao nhất thiết phải mở đường cắt ngang công viên, phá vỡ cấu trúc vốn có?
Giải thích vấn đề này, ông Thắng nói, Sở GTVT và Khu 1 có lên nhiều phương án, tuy nhiên việc mở đường cắt ngang công viên sẽ khả thi nhất.
Do tuyến đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão là đường 1 chiều (chỉ xe máy được lưu thông 2 chiều) nên xe ô tô mỗi lần đi qua khu vực này phải vòng ra đường Nguyễn Thị Nghĩa hoặc Nguyễn Trãi (ngay vòng xoay chợ Thái Bình) khiến khu vực này thường xuyên kẹt xe, ùn tắc… Vì vậy, tuyến đường Đỗ Quang Đẩu được xây dựng băng ngang công viên với 2 chiều cho phép xe ô tô lưu thông góp phần hạn chế lượng xe qua 2 tuyến đường trên và giảm ùn tắc, ông Thắng giải thích.
Đồng thời, Khu 1 còn khẳng định, trước khi dự án triển khai đều gửi văn bản thông báo cho đơn vị giám sát cộng đồng và UBND quận 1, phường Bến Thành để người dân được biết.
“Tuyệt đối không có chuyện đào móng công viên để phân lô, xây trung tâm thương mại hay cao ốc như người dân xôn xao” - ông Thắng quả quyết.
Dự án đường Đỗ Quang Đẩu nối dài bằng ngang Công viên 23/9 có chiều dài 108,2m, chiều rộng 10m. Đầu tuyến là giao lộ Lê Lai - Tôn Thất Tùng, cuối tuyến là Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu. Tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố do Khu 1 làm chủ đầu tư. Dự án này được xây dựng trên phần đất 1ha được dùng làm bãi đậu xe buýt, thuộc khuôn viên Công viên 23/9. |
-
Thái Phương