– Chỉ trong một ngày 24/6, TP.HCM có thêm 9 ca nhiễm mới. Lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam có bệnh nhân cúm A/H1N1, chiều 24/6, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Châu đã được Bộ Y tế triệu tập ra Hà Nội để tham dự cuộc họp về dịch cúm này.
Một chuyến bay có 11 ca dương tính, 30 ca nghi ngờ
Lần đầu tiên từ khi Việt Nam có dịch cúm A/H1N1, chiều 24/6, Giám đốc Sở Y tế TP HCM đã được Bộ Y tế triệu tập ra Hà Nội để họp về dịch bệnh này. (Ảnh: C.Q)
Trong khoảng một tuần nay, lượng người nhiễm cúm A/H1N1 tăng lên đột biến. Điểm đáng chú ý là các chuyến bay có hàng loạt người cùng sốt xuất hiện nhiều, bệnh nhân nhiễm cúm đi cùng trên một chuyến bay ngày càng tăng.
Chỉ riêng ngày 23/6, Sở Y tế TP.HCM đã cách ly 66 trường hợp nghi ngờ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Điển hình là chuyến bay VN780 về Việt Nam từ Úc vào ngày 18/6. Theo ông Châu, tính đến chiều 24/6 đã có tới 11 ca dương tính đều cùng đi trên chuyến bay này. Ngoài ra, còn có 30 ca bị sốt đang được cách ly giám sát và chờ kết quả xét nghiệm. Tất cả đều là hành khách đi trên chuyến bay VN780.
Theo dự đoán của ông Châu thì khả năng 30 hành khách này dương tính với cúm A/H1N1 là rất lớn. Bởi từ khi có dịch đến nay, chưa bao giờ số người sốt đồng loạt và cùng nhiễm bệnh lại cao đến thế.
Hai chuyến bay khác về Việt Nam là UA869 (quá cảnh tại Hong Kong) và chuyến bay OZ731 (quá cảnh tại Hàn Quốc) cũng là nỗi “ám ảnh” của ông Châu. “Cứ nghe thông báo có người bị sốt đi trên chuyến bay này là tôi sợ lắm”, ông Châu nói.
Điểm đáng lưu ý nữa là lượng bệnh nhân nhiễm cúm trong khoảng một tuần nay phần nhiều đến từ Úc. Mùa hè, lượng học sinh Việt Nam đu học bên Úc trở về nước đông, mang theo mầm bệnh là điều dễ hiểu.
Một lý do khác nữa là hiện nay, số ca nhiễm cúm A/H1N1 tại Úc đã quá đông. Nước này không còn làm xét nghiệm như Việt Nam nữa mà tiến hành điều trị luôn những ca có dấu hiệu. Do đó, những người có nguy cơ từ Úc không được kiểm soát, tự do đi lại và khi nhập cảnh vào Việt Nam đã xuất hiện bệnh.
Trên 100 người nhiễm cúm, sẽ dừng xét nghiệm lần 2
Hiện nay, con số bệnh nhân nhiễm cúm ở Việt Nam là 72 người. Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường thì Việt Nam sẽ tiến hành xét nghiệm 2 lần mẫu bệnh phẩm của 100 người đầu tiên.
Nếu lượng bệnh nhân vượt con số trên, Việt Nam sẽ dừng xét nghiệm lần 2 và chuyển sang điều trị luôn các ca bị sốt.
Tại TP.HCM, trong số 56 ca nhiễm cúm thì có đến 55 ca có kết quả xét nghiệm tại Viện Nhiệt Đới trùng với kết quả xét nghiệm của Viện Pastuer TP.HCM. Chỉ một ca duy nhất cho kết quả lệch nhau nhưng hai lần lấy mẫu bệnh phẩm của người này cách nhau quá xa nên kết quả khác nhau là điều dễ hiểu.
Tại Hà Nội, kết quả xét nghiệm 6 ca dương tính với cúm A/H1N1 tại Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia cũng đều trùng với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
“Về mặt kỹ thuật, trình độ đều tương đương nên các kết quả xét nghiệm giống nhau là đương nhiên”, ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia khẳng định.
Sự thay đổi này sẽ giúp các Bệnh viện điều trị được giảm tải. Hiện nay, phải mất 6 tiếng để có kết quả xét nghiệm một mẫu bệnh phẩm. Nếu chờ tiếp 6 tiếng để chuyển mẫu bệnh phẩm lên Viện xét nghiệm trung ương thì mỗi bệnh nhân ít nhất phải chờ 12 giờ mới biết kết quả.
Trong thời gian đó, các bệnh viện phải gánh áp lực quá lớn do lượng người bị cách ly và xét nghiệm quá đông. Nếu để tất cả ở cùng một phòng chờ thì vô tình đã tạo ra cơ hội cho dịch bệnh lây từ người nhiễm sang người lành.
Ngoài ra, các chi phí cũng được tiết kiệm hơn. “Hiện nay, mỗi bệnh nhân cúm A/H1N1 phải xét nghiệm 3 lần, mỗi lần xét nghiệm giá 150 đô, không hề rẻ chút nào”, ông Châu cho biết.
Khó khăn với bệnh nhân người nước ngoài
Đặc biệt là với bệnh nhân người nước ngoài, nếu phải chờ quá lâu, họ sẽ gây khó bằng cách gọi điện cho Đại sứ quán và yêu cầu được giúp đỡ.
“Chúng tôi không thể để họ đi khi chưa có kết quả xét nghiệm được. Nhưng giữ họ quá lâu trong điều kiện bệnh viện của ta không như ở nước họ thì không dễ chút nào”, ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới nói.
Khu cách ly bệnh nhân H1N1 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Thanh Huyền
Đó là chưa kể đến những khó khăn như: Người nước ngoài không chịu nằm giường bệnh của Việt Nam mà toàn đòi những giường như ở khách sạn. Họ cũng không ăn cơm hộp dành cho bệnh nhân của Việt Nam.
“Những yếu tố đó ở ta không đạt chuẩn quốc tế nên khi bệnh nhân nước ngoài đòi hỏi, chúng tôi khó đáp ứng được”, ông Kính cho biết.
Sát khuẩn cả máy bay, chuẩn bị thêm khu cách ly, điều trị
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất: "Thay vì kiểm soát hành khách trên các chuyến bay sau khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trên chuyến bay đó thì bây giờ, ngay sau khi máy bay đáp xuống sân bay, chúng ta sẽ tiến hành sát khuẩn toàn bộ máy bay để ngăn ngừa nguy cơ lây lan trong cộng đồng".
Các khu cách ly, điều trị sẽ được tăng cường (Ảnh: T.H)
Theo ông Châu, việc này không khó khăn gì về kinh phí, con người vì kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp. Khâu sát khuẩn trên máy bay cũng rất nhanh, chỉ khoảng 15 phút là hoàn thành, không gây ảnh hưởng đến lịch trình và tâm lý hành khách.
"So với cách mà chúng ta đang làm thì cách này sẽ nhanh gọn, ưu việt hơn", ông nói.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường cho biết: “Sẽ tiếp thu kiến nghị này và nhanh chóng báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ, ban, ngành liên quan và sẽ có thông báo đến các Sở Y tế, các sân bay trong thời gian sớm nhất”.
Hiện nay, trước tình hình cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp, khó lường, lượng bệnh nhân không ngừng tăng lên với số lượng ngày càng lớn, Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị thêm các đơn vị điều trị, cách ly để kịp thời đáp ứng được tình hình dịch bệnh.
-
Cẩm Quyên