221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1218058
Không liên hệ được với ngư dân bị Trung Quốc giữ
0
Article
null
Không liên hệ được với ngư dân bị Trung Quốc giữ
,

 - Tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo ngư dân đánh bắt xa bờ tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nên thành lập tổ, đội tàu thuyền tự quản để tương trợ lẫn nhau trên biển Đông.

 

Những ngày qua, chuyện 3 tàu đánh cá cùng 37 ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã gây bất bình cho hàng vạn ngư dân Việt Nam.

 

Vô cớ bắt người, phạt tiền... 

 

Đã nhiều ngày qua, thân nhân của 12 ngư dân và 2 tàu cá còn bị Trung Quốc giam giữ đang phải sống trong sự lo lắng tột cùng, bởi không họ thể liên lạc được với người thân của mình.

 

Anh Dương Văn Thọ trên chiếc tàu vừa được Trung Quốc thả về.

Chị Bùi Thị Giàu - vợ anh Dương Văn Hưởng - thuyền trưởng tàu QNg TS 6597 nói: “Anh ấy giờ không biết sống ra sao. Mấy ngày nay không thể nào liên lạc được mà thời hạn Trung Quốc đưa ra để nộp phạt trả người đã gần hết. Phía Trung Quốc yêu cầu gia đình trong 10 ngày phải nộp phạt 70.000 nhân dân tệ (tương đương 180 triệu đồng tiền Việt Nam), gia đình biết đào đâu ra số tiền khổng lồ này".

 

Chị Giàu nức nở kể, món nợ cũ vợ chồng chị vay tứ tung để hùn vào chiếc tàu đang bị giam ở Trung Quốc chưa trả hết nên đến giờ chẳng ai dám cho chị vay mượn thêm nữa.

 

"Thật là vô lý, vùng biển này cha ông chúng tôi bao đời đánh bắt cá, tự dưng Trung Quốc tuyên bố là của họ rồi vô cớ bắt người...” - chị Giàu khóc.

 

Hiện anh Hưởng chồng chị cùng với 3 ngư dân đi trên tàu QNg TS 6597 là: Nguyễn Được, Nguyễn Văn Thành, Mai Văn Được vẫn đang bị Trung Quốc bắt giữ.

 

Cũng như chị Giàu, những ngày qua, chị Phạm Thị Bé - vợ anh Nguyễn Chí Thạnh - chủ tàu cá QNg TS 6517 đang mong ngóng tin chồng. Anh Thạnh cùng với 3 thuyền viên của mình là Huỳnh Miễn, Nguyễn Minh và Dương Văn Hiếu cũng đang bị Trung Quốc giam giữ ở Hoàng Sa.

 

Theo chị Bé, anh Thạnh bị viêm gan B và xơ gan. Khi đi biển, anh vẫn mang theo thuốc để uống. "Nếu phía Trung Quốc không cho anh uống số thuốc mang theo thì tính mạng của anh ấy rất nguy kịch" - nói đến đây, chị Bé nghẹn ngào.

Những người thân của 12 ngư dân còn bị giữ ở Trung Quốc ngày đêm ngóng tin người thân.

Cùng cảnh ngộ như gia đình chị Bé, gia đình chị Bùi Thị Lành - vợ anh Dương Thành Vinh - thuyền trưởng tàu QNg TS 6364 mấy ngày qua ăn ngủ không yên. Chị chẳng rõ giờ này chồng mình sống chết ra sao.

Chị Lành một nách nuôi 4 đứa con nhỏ, mọi chi phí gia đình đều trông vào những chuyến đi biển của anh Vinh. Nếu phía Trung Quốc không trả thuyền cá và ngư cụ thì những khoản nợ vay mượn hùn vào đi biển không biết lấy đâu trả...

 

“Không thể nói phạt là nộp phạt”

 

Anh Dương Văn Thọ, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn- chủ tàu mang biển kiểm soát QNg 6597-TS vừa được Trung Quốc thả về từ Hoàng Sa bức xúc: "Nếu bây giờ ngư dân ra khơi đánh bắt ở vùng biển của mình mà cứ bị bắt giữ rồi đòi tiền phạt thì ai mà dám ra khơi nữa? Không thể cứ để họ ép hoài được".

 

Ông Trương Ngọc Nhi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, số ngư dân Lý Sơn nói trên đánh bắt thủy sản ở tọa độ 16’400 VB, 112’580 KĐ, cách đảo Linh Côn 15 hải lý về phía đông thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam nên không thể nói họ đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải Trung Quốc.

 

Tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT yêu cầu phía Trung Quốc sớm thả 12 ngư dân cùng 2 chiếc tàu QNg 6517-TS và QNg 6364-TS đang bị giữ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. 

 

Những ngư dân trên tàu QNg 6597-TS vừa được Trung Quốc thả về.

Cũng theo ông Nhi, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản gửi các địa phương ven biển khuyến cáo ngư dân đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nên thành lập tổ, đội tàu thuyền tự quản để tương trợ lẫn nhau trên biển Đông. Khi ngư dân gặp hoạn nạn trong bất kỳ tình huống nào ngoài khơi thì những đội tàu này sẽ có mặt kịp thời ứng cứu hoặc liên lạc qua Icom phát tín hiệu đến các cơ quan chức năng để can thiệp, ứng cứu kịp thời.

 

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - ông Võ Xuân Huyện cho biết, hàng năm, Lý Sơn có một số  trường hợp bị nước ngoài bắt, trong đó bị Trung Quốc bắt chiếm phần lớn. Tính sơ bộ, từ năm 2002 đến nay, Lý Sơn có gần 40 tàu bị bắt giữ vô lý.

 

Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2009, Lý Sơn có 6 lượt tàu bị Trung Quốc bắt và phạt, mức phạt thường từ 50.000 - 70.000 nhân dân tệ. Với số tiền trên, ngư dân nghèo Lý Sơn chỉ có sạt nghiệp, chứ làm gì mà có dư để làm giàu...

 

Lâu nay, ngư dân ta cứ âm thầm chịu đựng với những mức phạt vô lý do phía Trung Quốc đưa ra. Đã đến lúc chúng ta phải thể hiện quan điểm của mình, kiên quyết không nộp phạt để tránh tạo tiền lệ xấu về sau.

 

Trước sự việc trên, huyện Lý Sơn vẫn khuyến cáo ngư dân ra khơi đánh bắt. “Vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam, nên không có lý do gì mà ngư dân ta không khai thác ở vùng biển của ta. Việc khai thác trên vùng biển Hoàng Sa góp phần thể hiện chủ quyền của ta” - ông Huyện nói.

  • Trà Giang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>