- Chiều 4/7, Bộ Y tế thông báo Việt Nam có thêm 7 ca nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số bệnh nhân cúm A/H1N1 lên 215 người, tại 20 tỉnh thành.
Trong số 7 bệnh nhân mới, có 5 người đăng kí lưu trú tại miền Nam và 2 bệnh nhân tại miền Bắc.
Như vậy, tính cả 2 bệnh nhân vừa được phát hiện chiều 3/7, miền Bắc hiện đã có 21 ca nhiễm cúm A/H1N1 (Hà Nội có 19 ca).
Các trường hợp trên về Việt Nam bằng đường hàng không trên các chuyến bay: VN782 ngày 26/6/2009, SQ178 ngày 30/6/2009, VN782 và TG686 ngày 1/7/2009.
TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng người nhiễm và nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1.
Bệnh nhân nhiễm cúm đang được điều trị tại các khu cách ly, sức khoẻ ổn định (Ảnh: C.Q)
Mỗi ngày, Sở Y tế TP.HCM phải cách ly hàng chục người nghi nhiễm và ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Điển hình là ngày 1/7, đã có tới 35 trường hợp nhiễm mới và ngày 3/7 đã có tới 25 người nhiễm bệnh.
Hiện tại, TP.HCM đã có 141 bệnh nhân cúm A/H1N1. Khu vực miền Nam đã có 187 ca nhiễm cúm. Còn tại miền Trung, số bệnh nhân là 9 người.
Dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng lên nhanh chóng.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Có một điều đáng lo là chúng ta chưa thể biết được chính xác cúm A/H1N1 sẽ biến đổi như thế nào. Do đó, ý thức tự giác phòng chống của người dân chính là loại “vắc-xin” hữu hiệu nhất”.
TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia cho hay: “Thông thường các bệnh nhân cúm A/H1N1 bắt đầu hết sốt sau 2-3 ngày và sau 5 người sẽ hết sốt hẳn. Đến nay, có thể nói phác đồ điều trị của Bộ Y tế phát huy tác dụng tốt, việc điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 hiện chưa gặp trở ngại gì”.
- Cẩm Quyên