- Dù đã khởi công nhưng Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị (BQLDA- Sở Xây dựng) không thể hạ ngầm “rác trời” vì chưa được cấp phép đào đường. Sở GTVT lý giải việc chưa cấp phép là do trước đây, BQLDA hoàn trả đường không tốt sau khi đào lên.
Như đã đưa tin, hồi cuối tháng 5, BQLDA đã làm lễ khởi công hạ ngầm các tuyến cáp và đường dây nổi trên 3 tuyến phố: Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; Nguyễn Thái Học - Kim Mã và Điện Biên Phủ.
Bó ống nhựa xanh đỏ vẫn nằm yên vị trên vỉa hè, phơi mưa nắng cả tháng nay. Ảnh: Cao Minh |
Các ống nhựa xoắn xanh đỏ dùng để luồn cáp sau khi hạ ngầm cũng đã được chủ đầu tư (BQLDA) tập kết thành đống ở nhiều góc phố. Chỉ có điều, đến nay sau cả tháng trời, chúng vẫn nằm yên vị phơi mưa nắng, chưa được chôn xuống đất.
Hỏi ra mới biết, mọi việc bị đình trệ bởi BQLDA chưa xin được giấy phép đào đường từ Sở GTVT. Theo ông Nguyễn Hữu Sùng, Giám đốc BQLDA thì hiện việc đấu thầu đã xong hết nhưng phía Sở GTVT lại không cho hạ ngầm xuống lòng đường, dù những đoạn cần hạ ngầm xuống lòng đường chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 30%, còn lại có thể chôn dưới hè đường.
Những đoạn cần hạ xuống lòng đường đều do vỉa hè đã có dày đặc các công trình ngầm: hệ thống cáp điện, ống cấp thoát nước, cáp chiếu sáng, dây thông tin bưu điện…
Ông Sùng lấy ví dụ, chỉ cần đào một đoạn hè phố Nguyễn Thái Học đã gặp đến 8 đường cáp điện trung thế; 2 đường cáp chiếu sáng… Do chỉ có giấy phép đào hè, nên BQLDA phải tranh thủ việc lát lại vỉa hè của thành phố, chôn ống nhựa xoắn xuống một số đoạn trên hè 3 tuyến phố nói trên. Còn lại vẫn đợi giấy phép đào đường để có thể ngầm hoá đồng bộ.
Ông Nguyễn Nguyên Huy - trưởng phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT) - đơn vị trực tiếp cấp phép đào đường xác nhận: "Cho đến nay (30/6), chúng tôi mới chỉ cấp cho BQLDA giấy phép đào hè, đang xem xét việc cấp tiếp giấy phép đào đường".
“Chủ trương chung của thành phố là trừ những công trình đặc biệt, bất khả kháng như cống thoát nước to chống úng ngập cục bộ, hay ống cấp nước cỡ rất lớn thì mới cho đào đường. Và cũng chỉ cho đào ở mép đường, sát với vỉa hè; còn lại mọi công trình khác đều chỉ được phép chôn dưới hè, kể cả là chôn ống nước cỡ 160-200mm” - ông Huy nói.
“Việc đào đường như xé cái áo ra rồi vá lại, không thể nào chất lượng được như cũ nữa. Đó là chưa kể việc hoàn trả đường (vá lại đường sau khi đào) nhiều khi không đảm bảo” - ông Huy lưu ý.
Do trong gói đấu thầu, các chủ đầu tư kiêm luôn cả việc hoàn trả đường, song nhiều đơn vị lại không chuyên về làm đường, phải thuê đơn vị khác làm nên xảy ra tình trạng vá víu qua loa, làm sụt đường.
Theo quy định, trước khi cấp phép, Sở GTVT sẽ cùng với chủ đầu tư đi khảo sát toàn bộ tuyến đường. Sau khi hoàn trả đường, việc kiểm tra chất lượng được giao cho các công ty cổ phần công trình giao thông quản lý địa bàn, ngoài ra chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành việc vá đường trong vòng 12 tháng.
Quy định là thế, nhưng thực tế việc bảo hành là rất khó khăn. Đối với BQLDA, lý do ông Huy đưa ra là đơn vị này từng thi công hạ ngầm cáp điện, dây thông tin trên tuyến phố Hai Bà Trưng, song việc hoàn trả mặt đường chưa đảm bảo chất lượng. Cụ thể tại một số ngã tư của tuyến phố này sau khi hoàn trả đường, mặt đường bị lồi lõm.
Trả lời câu hỏi “liệu có tình trạng bênh đơn vị nhà nên không cấp phép đào đường cho BQLDA hay không?” (Sở GTVT cũng có ban quản lý dự án giao thông đô thị là chủ đầu tư việc hạ ngầm các đường dây đi nổi dọc đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi…), ông Huy khẳng định “không có chuyện cạnh tranh không lành mạnh ở đây”.
“Chúng tôi sẽ xem xét cấp giấy phép, nhưng chủ đầu tư phải hoàn trả hợp lý bằng đơn vị thi công có tay nghề” - ông Huy nói.
Như vậy, việc ngầm hoá “rác trời” vốn đã rất khó khăn và trễ nải so với mốc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nay lại có thêm một lý do để chậm trễ.
-
Đỗ Minh