- 5 người đàn bà cùng cư trú ở một thôn, cùng bị tuyên án tù trong một phiên tòa vì tội “Chống người thi hành công vụ”. Vì sao nên nỗi?
33 tháng tù cho 5 người đàn bà nông dân
Ngày 13/11/2008, Tòa án Nhân dân TP. Hà Đông (Hà Nội) có bản án hình sự sơ thẩm số 14 do Thẩm phán Nguyễn Thị Bích Liên giữ vai trò chủ tọa tuyên 5 bị cáo: Lê Thị Hòa (9 tháng tù giam); Lê Thị Nhung, Lê Thị Bé, Lê Thị Đức, Phạm Thị Mạo cùng chung mức án 6 tháng tù giam vì tội “Chống người thi hành công vụ” (tội phạm và hình phạt quy định tại khoản 1 điều 257 BLHS).
Chị Lê Thị Bé (ảnh trái) và chị Lê Thị Hoà (ảnh phải), 2 trong số 5 bị cáo trong phiên toà "Chống người thi hành công vụ" tháng 11/2008 tại TP. Hà Đông. Ảnh: Vũ Hoàng.
Tất cả các bị cáo đều bị tạm giữ, tạm giam cùng một ngày: ngày 1/8/2008, cho đến ngày đưa ra tòa xét xử.
Tất cả các bị cáo đều có cùng một địa chỉ cư trú: Thôn Do Lộ, xã Yên Nghĩa, Hà Đông, TP. Hà Nội.
Hành vi phạm tội của các bị cáo được bản án kết luận như sau: “Ngày 31/7/2008, UBND xã Yên Nghĩa phối hợp với công an TP. Hà Đông cùng các cơ quan ban ngành khác tiến hành triển khai giải tỏa tháo dỡ băng zôn, khẩu hiệu, lều lán dựng trái phép tại công ty Đức Việt. Lúc này có hàng trăm người dân tụ tập trong khu vực đất đang thi công của công ty Đức Việt.
Sau khi ông Vũ Đình Trường, Phó chỉ tịch UBND xã Yên Nghĩa, công bố Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND xã Yên Nghĩa về việc giải tỏa toàn bộ lều lán, băng rôn, khẩu hiệu tại công ty cổ phần dịch vụ thương mại Đức Việt và yêu cầu một số người dân đang có mặt trong các lều lán dựng trái phép ra khỏi hiện trường để thực hiện việc tháo dỡ.
Một số đối tượng quá khích không chấp hành và có lời nói hô hào, lăng mạ, chửi bới; đồng thời dùng gạch, đất cát, gậy ném về phía lực lượng đang làm nhiệm vụ tháo dỡ.
Một số cán bộ chiến sỹ Công an TP. Hà Đông và công an xã Yên Nghĩa đang làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế bị ném đất, cát vào người, vào mặt nên không tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ.
Trong số các đối tượng chống đối thì các đối tượng Lê Thị Hòa, Lê Thị Đức, Lê Thị Nhung, Lê Thị Bé và Phạm Thị Mạo có hành vi quyết liệt nhất và đã bị bắt giữ quả tang” (trích nguyên văn -NV).
Dự án này tại thôn Do Lộ sau 4 năm triển khai chỉ được như thế này. Ảnh: Vũ Hoàng.
Cơ quan điều tra xác định hành vi cụ thể của từng bị cáo:
Bị cáo Lê Thị Hòa “cùng các đối tượng chống đối dùng tay xô đẩy, ngăn cản không cho vào khu vực tháo dỡ. Trong khi xô xát, Hòa dùng đoạn gậy trúc dài khoảng 80cm, đường kính đầu to 2cm, đầu nhỏ 1cm để vụt lại lực lượng cưỡng chế”.
Bị cáo Lê Thị Đức “đứng tại lối ra vào chửi bới và dùng tay xô đẩy, ngăn cản không cho tiến vào khu vực bên trong để tháo dỡ lều lán”.
Bị cáo Lê Thị Bé “tham gia cùng một số đối tượng chứng chặn tại khu vực cổng vào công ty Đức Việt không cho lực lượng cưỡng chế vào tháo dỡ lều lán. Khi nhìn thấy chị gái mình là Lê Thị Mỹ bị lực lượng cảnh sát bảo vệ cưỡng chế cầm tay đưa ra khỏi khu vực giải tỏa, Bé nghĩ chị mình bị bắt nên vừa hô hào vừa chạy đến kéo tay, giằng co với lực lượng cảnh sát nhằm ngăn cản không cho bắt giữ chị Mỹ”.
Bị cáo Lê Thị Nhung “cùng một số đối tượng ngồi chắn lối ra vào, chửi bới, hô hào kích động và giằng co xô đẩy nhằm ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ vào khu vực cưỡng chế”.
Bị cáo Phạm Thị Mạo “ngồi lì tại lối ra vào và bị cưỡng chế đưa ra khỏi khu vực nên giằng co xô đẩy chống lại lực lượng cưỡng chế”.
Trong số 5 bị cáo, ngoại trừ bà Lê Thị Hòa có trình độ 12/12, là Đảng viên đang bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, tháng 6/2008 bị công an xã Yên Nghĩa xử phạt hành chính vì “Gây rối trật tự công cộng”, tất cả những người còn lại đều chỉ có trình độ văn hóa 3/10 hoặc 3/12.
Tất cả 5 bị cáo đều có chung nghề nghiệp: Làm ruộng.
Nghĩa trang thôn Do Lộ, căn nguyên của vụ án "Chống người thi hành công vụ" nói trên, mà 271 hộ dân Do Lộ nói rằng không nằm trong phạm vi Cụm công nghiệp Yên Nghĩa nhưng vẫn được đem cho doanh nghiệp thuê. Ảnh: Thu Hương.
Vậy từ nguyên cớ gì mà những người đàn bà thôn quê Do Lộ quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cày ải bên bờ xôi ruộng mật ở mảnh đất quê hương mình lại đột nhiên có cùng một ngày phạm tội với những hành vi "côn đồ" "dữ dằn" như trên?
Từ nguyên nhân nào để đến cùng một ngày cả 5 người đàn bà chỉ có nghề "làm ruộng" đều bị tòa án tuyên “cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo trở thành người có ích cho xã hội”?
Từ nguyên nhân nào để liên tiếp trong thời gian gần đây, những người dân Do Lộ vẫn liên tục gửi đơn lên các cơ quan Trung ương và báo chí, trong đó có báo VietNamNet, để mong được rộng đường dư luận câu chuyện đất đai Do Lộ quê hương họ?
“Cơ hội giao thời”?
Ngày 25/5/2009, một người phụ nữ tên Lê Thị Út (67 tuổi) “đại diện cho 270 hộ dân thôn Do Lộ” viết "đơn kêu oan" gửi tới tòa soạn VietNamNet về 5 trường hợp bị cáo trong bản án số 14 nói trên.
Những nội dung trong đơn của bà Út cho hay rằng “Việc thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm tại Cụm công nghiệp Yên Nghĩa theo tinh thần công văn số 880 ngày 29/7/2008 của UBND TP. Hà Đông và ngày 30/7/2008 của UBND xã Yên Nghĩa số 113/QĐ_UBND giải tỏa lều lán là hoàn toàn sai sự thật” (?).
“Công dân chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ một loại văn bản nào vào các ngày 29, 30/7/2008 và cũng không có lều lán để giải tỏa” (?), bà Út viết trong đơn.
Chưa dừng lại, bà Út tố cáo việc “cưỡng chế giải tỏa dân cho công ty cổ phần Đức Việt xây dựng tranh thủ trước lúc sáp nhập Hà Đông với TP. Hà Nội vào ngày 31/7/2008 tại đất nghĩa trang của nhân dân phía Nam quốc lộ 6A là sai chứ không đúng với quy hoạch đất của Cụm công nghiệp mà công ty cổ phần Đức Việt thuê. Quy hoạch đất của Cụm công nghiệp Yên Nghĩa hoàn toàn nằm phía Bắc quốc lộ 6A”.
Cho rằng công ty Đức Việt đã được “giúp sức” để “nhảy dù” xuống chiếm đất nghĩa trang, bà Út phân tích trong đơn: “Vị trí của Công ty cổ phần Đức Việt được thuê đất nằm trong Cụm công nghiệp Yên Nghĩa ở phía Bắc quốc lộ 6A, không có đất ở phía Nam quốc lộ 6A”.
Bà Út cho biết thêm “Việc này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận làm rõ tại văn bản kết luận số 1217 báo cáo Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3912 (ngày 13/7/2007) truyền đạt ý kiến Thủ tướng chỉ đạo thực hiện. Thanh tra Chính phủ đã có công văn yêu cầu chấp hành, nghiêm túc thực hiện giải quyết dứt điểm trước ngày 31/3/2008”.
Thanh tra Chính phủ đã kết luận như vậy, thì vì lý do gì mà 5 người đàn bà nông dân ở nơi đây phải vướng vòng lao lý? VietNamNet đã cử phóng viên tìm đường về Do Lộ.
Đường dây nóng Báo VietNamNet: |
-
Trường Minh – Vũ Hoàng – Thu Hương(Còn tiếp)