221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1221071
Kỳ 2: Đến cả nghĩa trang cũng bị... thu hồi
0
Article
null
Kỳ 2: Đến cả nghĩa trang cũng bị... thu hồi
,

- “Sống ở làng Do Lộ, chết về khu sau chùa”, đó là tâm niệm bao đời nay của người dân thôn Do Lộ. Thế nhưng, nghĩa trang duy nhất của thôn nay đã bị chính quyền xã thu hồi giao lại cho các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa người dân sẽ không còn chỗ nào để “trú ngụ” sau khi họ qua đời.

 

Từ việc thu hồi đất nghĩa trang

 

Nghĩa trang thôn Do Lộ (xã Yên Nghĩa, TP. Hà Đông, Hà Nội) được hình thành từ trước Cách mạng tháng Tám. Từ bấy đến nay, mỗi khi có bậc cao niên nào “về với trời đất” thì được gia đình và dân làng đưa về đây an táng.

 

Đến nay, diện tích nghĩa trang ngày một thu hẹp dần. Người Do Lộ phải dè sẻn từng tấc đất nghĩa trang để còn có chỗ cho những người đời sau “nương náu”. Vậy mà ngày 20/1/2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định 153 thu hồi khu đất nghĩa trang này để giao cho công ty TNHH Đức Việt.

 

Cổng vào nghĩa trang thôn Do Lộ tháng 7/2009, bên trái là tường rào của doanh nghiệp, bên phải là nhà dân. Ảnh: Vũ Hoàng.

Tổng diện tích đất nghĩa trang bị thu hồi là 14.353m2, trong đó giao cho Công ty Đức Việt 11.174,9m2.  
 
Điều đáng nói là sau khi ra quyết định thu hồi khu đất nghĩa trang này, phía cơ quan chức năng không lập dự án di dời hay xây dựng một khu nghĩa trang khác khiến bà con trong thôn vô cùng bức xúc. Hơn 4/5 diện tích đã bị thu hồi khiến cho toàn bộ người dân thôn Do Lộ khi có người chết, họ buộc phải chôn chen chúc giữa các ngôi mộ còn sót lại.

Tình trạng đó đến nay đã kéo dài suốt 4 năm, đất đã hết chỗ trống để có thể chen thêm một vài ngôi mộ nữa. Trong khi chính quyền vẫn chưa có giải pháp để xây dựng khu nghĩa trang mới.
 

Bà Lê Thị Út, người đại diện viết "Đơn kêu oan" gửi tới báo VietNamNet. Ảnh: Vũ Hoàng.

Bà Lê Thị Út (xóm 1 thôn Do Lộ) bức xúc: “Hầu hết khu nghĩa trang của thôn chúng tôi đã bị thu hồi và bàn giao cho doanh nghiệp hết rồi. Mỗi năm, trong thôn có hàng chục người chết mà đất để chôn nay không còn. Chúng tôi đành chôn chen chúc giữa các ngôi mộ với nhau nhưng đến bây giờ thì đã kín hết. Trong khi chính quyền giao đất cho doanh nghiệp và họ xây tường rào bao kín lại, chẳng xây dựng hay thi công công trình nào hết, bỏ không cũng đã 3-4 năm nay rồi”.   

Bây giờ nếu người Do Lộ mà có thêm người chết, thì phải mang xác đi chôn nhờ làng khác mất thôi. Bà Tái (một trong ba người mới chết) trước khi chết có tâm nguyện được chôn sau chùa (tức nghĩa trang thôn Do Lộ) nên mọi người trong làng mới phải mang bà ra đó dù đã hết đất. Nhưng bây giờ thì ước nguyện chung của các cụ “sống ở làng Do Lộ, chết về khu sau chùa” sẽ không còn được thực hiện nữa”, ông Nguyễn Điển Mô (xóm 1 thôn Do Lộ) ngậm ngùi.

 

Đi ngược lại quyết định Thanh tra Chính phủ

 

UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thu hồi khu đất nghĩa trang thôn Do Lộ nhằm giao cho Công ty Cổ phần Thương mại Đức Việt với mục đích là xây dựng trung tâm đào tạo nghề, xưởng sửa chữa, bảo hành, trưng bày và bán sản phẩm ô tô xe máy.

 

Tuy nhiên, gần 4 năm được giao đất, toàn bộ cơ sở hạ tầng của công ty chỉ là dãy hàng rào bê tông. Bên trong khu đất chỉ là vài căn nhà mái tôn để trống, thậm chí không có cả tường.

 

Khi có chủ trương thành lập Cụm công nghiệp Yên Nghĩa ở phía Bắc Quốc lộ 6A, Công ty Đức Việt có quy hoạch nằm trong khu vực này. Trong khi nghĩa trang thôn Do Lộ lại nằm ở phía Nam Quốc lộ 6A, đối diện Bến xe Hà Đông. Khu vực nghĩa trang nằm tách rời hoàn toàn so với Cụm công nghiệp.

 

Sau khi người dân Do Lộ kêu cứu lên cấp Trung ương, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã cho thành lập đoàn thanh tra về xem xét. Văn bản 1217/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Riêng đối với dự án Trung tâm Dạy nghề Đức Việt là dự án đầu tư của Công ty TNHH Đức Việt đã được điều chỉnh nằm trong Cụm công nghiệp Yên Nghĩa”.

 

Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì mà chính quyền xã Yên Nghĩa lại không trả lại khu đất nghĩa trang cho dân?

 

Nghịch lý này khiến người dân ngày càng bức xúc gửi đơn tố cáo đi khắp nơi, bởi lẽ, khu đất nghĩa trang đã bị rào kín, bỏ hoang không xây dựng cơ sở hạ tầng. Và hệ lụy từ đó phát sinh. 


“Việc chung cả làng, nhưng mình thiệt thân...” 
 

Ông Nguyễn Điển Mô, một người dân thôn Do Lộ. Ảnh: Vũ Hoàng.


Đó là câu nói cay đắng của ông Nguyễn Điển Mô khi trao đổi với chúng tôi. Ông Mô tham gia quân ngũ từ năm 1971, đến 1992 ra quân với quân hàm Thiếu tá.
 
Ngày trở về, ông được bà con và chính quyền xã tin cẩn bầu làm cán bộ nòng cốt của Đảng bộ thôn Do Lộ. 
 

Ông Mô ngán ngẩm: “Năm nay tôi đã 58 tuổi rồi, nếu không vì việc nghĩa trang Do Lộ này thì tôi đã 30 năm tuổi Đảng. Ngay từ khi khu đất nghĩa trang bị thu hồi giao cho công ty Đức Việt, tôi và bà con nghiêm chỉnh chấp hành.

 

Nhưng Thanh tra chính phủ vào cuộc, chỉ đạo công ty này phải chuyển về Cụm công nghiệp, thì chính quyền phải bàn giao đất cho bà con chứ, nếu không người chết sẽ biết chôn cất vào đâu? Là Đảng viên, tôi rất muốn thuyết phục bà con không nên kiện cáo. Nhưng những gì họ đề nghị là đúng, bản thân tôi làm sao ngăn cản được?

 

Ấy vậy mà bây giờ, khu đất nghĩa trang được bàn giao hết công ty này đến công ty khác, không trả cho bà con. Bản thân tôi thấy cách làm của chính quyền xã là không đúng. Vậy mà không hiểu sao họ làm giấy khai trừ tôi ra khỏi Đảng?”.

 

Rời khỏi thôn Do Lộ, chúng tôi cứ day dứt mãi với câu nói của cụ bà Lê Thị Út: “Làng chúng tôi không muốn nhắc đến mọi sai trái của các ông quan xã nữa, nhưng dân làng đều muốn giữ lại mảnh đất nghĩa trang nên mới phải mang đơn kêu cứu khắp nơi như thế.

 

Tôi năm nay cũng 67 tuổi rồi, một đời làm chủ nhiệm hợp tác xã gương mẫu và đích thân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm, tặng bằng khen. Nhưng nếu không có cái nghĩa trang này, con cháu sẽ hỏi tổ tiên chúng tôi ở đâu thì tôi biết trả lời thế nào. Và hơn hết, run rủi tôi có về với tổ tiên cũng chẳng còn đất mà nằm!”.

 

  • Vũ Hoàng - Thu Hương
    (còn tiếp)
     
    Đường dây nóng Báo VietNamNet: 0923457788 hoặc 0913564657 hoặc (04) 3772-2729; Email: hotnews@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>