221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1221468
Kỳ 3: Phớt lờ cả kết luận của Thanh tra Chính phủ?
0
Article
null
Kỳ 3: Phớt lờ cả kết luận của Thanh tra Chính phủ?
,

 - Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, đích thân Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nhưng ở Do Lộ thì việc đâu vẫn còn nguyên đó.

 

Về thôn Do Lộ vào một buổi trưa oi nồng tháng 7/2009, chúng tôi tìm đến hộ gia đình ông Đặng Như Yên và bà Lê Thị Út, hai người đại diện cho 271 hộ dân toàn thôn có tiếng nói mạnh mẽ nhất trước tình trạng đất đai nơi đây bị thu hồi.

 

Khi người dân bỏ công bỏ việc chỉ đi… kiện

 

Đứa cháu nội ông Yên còn chơi đùa trong sân, thấy khách lạ đến nhà, nó rụt rè: “Ông cháu đang bận đi kiện, chưa về đâu chú ạ”. Cũng may sao vừa lúc ông Yên về, sau câu chào hỏi, ông quệt mồ hôi đi thẳng vào nhà.

 

Công việc hằng ngày của ông Nguyễn Điển Mô là sửa xe đạp cho người dân trong thôn. Từ nguyên cớ nào mà một người đàn ông lam lũ như thế này lại trở thành một người khiếu kiện dai dẳng như vậy, rất dễ để tìm câu trả lời khi về Do Lộ. Ảnh: Vũ Hoàng.

 

Rót bát nước chè xanh đãi khách, ông hăm hở: “Tôi mới đi trên Hà Nội về, đã gửi được đơn cho Quốc hội. Họ bảo ít hôm sẽ cho người về kiểm tra lại. Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng không thể để tình trạng người dân không có đất cày, không có đất làm nghĩa trang. Trong khi chính quyền xã lại có đất dịch vụ để bán” (?)

 

Bà Lê Thị Út (67 tuổi) rắn rỏi: “Riêng ở thôn Do Lộ này, không chỉ có mỗi việc đất nghĩa trang, mà từ khi có quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, chính quyền thành phố Hà Đông và xã Yên Nghĩa đã đi từ sai phạm này đến sai phạm khác. Không chấp hành nghiêm túc kết luận số 1217 của Thanh tra Chính phủ và các văn bản của cơ quan Chính phủ”.

 

Ông Yên cặm cụi lấy chìa khóa mở tủ rồi mang ra một tập tài liệu: “Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ đạo đoàn Thanh tra về làm việc và đã đưa ra kết luận từ tháng 7/2007. Chúng tôi chỉ mong họ thực hiện đúng theo những gì trong bản kết luận là đủ, vậy mà xa vời quá”.

 

Ông Nguyễn Điển Mô bức xúc: “Nếu Nhà nước thực sự thu hồi đất của dân dùng vào việc an ninh Quốc gia hoặc phúc lợi xã hội thì còn được. Đằng này, UBND TP.Hà Đông thu hồi và cưỡng chế để chuyển giao cho các công ty hoạt động không mang nhiều lợi ích xã hội, thậm chí còn chuyển giao cho ba đến bốn chủ sử dụng… Đến nghĩa trang duy nhất của thôn cũng bị thu hồi rồi sau mấy năm vẫn cứ để đó”.

 

Những bất cập

 

Ông Đặng Như Yên, một trong số những người đại diện 271 hộ dân thôn Do Lộ đứng đơn gửi tới báo VietNamNet về những sự việc bức xúc tại địa phương. Ảnh: Vũ Hoàng.

Tháng 1/2006, tỉnh Hà Tây (cũ) đã phê duyệt cho một loạt dự án xây dựng. Trong đó có những dự án lớn chiếm rất nhiều phần diện tích đất sử dụng, gồm Dự án xây dựng khu công nghiệp làng nghề (chiếm 298.409,9m2); Dự án xây dựng bến xe trung tâm Tỉnh (chiếm 69.800m2); Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế đất dịch vụ cho nhân dân xã Yên Nghĩa (chiếm 180.324,2m2); Dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu dự án xây dựng hạ tầng kinh tế đất dịch vụ, đất đấu giá (chiếm 135.090m2)…Tổng diện tích thu hồi là 432.665mđất nông nghiệp.

 

Trong số 271 hộ dân thôn Do Lộ bị thu hồi, có hàng chục hộ gia đình bị thu hồi 100% diện tích đất, có nhà bị thu mất ¾ … với giá đền bù là 220 ngàn/m2. Tuy nhiên, giá đền bù chung của tỉnh Hà Tây bấy giờ là 250 ngàn/m2.

 

Tính từ thời điểm UBND tỉnh Hà Tây (cũ) bắt đầu ra quyết định thu hồi đất, đến nay có tổng số 11 quyết định được ban hành và thực hiện. Có những quyết định thu hồi nhưng chỉ chuyển giao ½ diện tích sử dụng cho doanh nghiệp, có những quyết định thu hồi thừa rồi “mượn tạm” trong 2 năm, có những diện tích đất thu hồi rồi chuyển giao cho 2 hoặc 3 chủ đầu tư…

 

Bên cạnh đó, dự án Công ty Đăng kiểm và bến xe trung tâm tỉnh tuy đã được đi vào hoạt động song vẫn còn sơ khai, diện tích sử dụng chỉ mới được 50% đất thu hồi của dân. Mặc dù, những công ty này đều có vị trí đẹp, nằm sát mặt đường Quốc lộ 6A nên giá cả đất đai ở đây rất cao.

 

Ngoài ra, còn có một số dự án được UBND tỉnh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng hoặc chuyển giao cho các công ty thuê; việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông… với diện tích rất lớn đã làm thu hẹp đất canh tác của người dân.

 

Trong đó, đáng chú ý là khu đất nghĩa trang bị thu hồi giao cho Công ty Đức Việt thuê nhưng sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, có quyết định chuyển công ty này vào trong khu quy hoạch Cụm công nghiệp, nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền sở tại lại không trả đất cho dân mà còn cho rào chắn khu đất này, bàn giao cho công ty khác… và để hoang hoá?

 

Hàng loạt sai phạm, thiếu sót

 

Kết luận Thanh tra Chính phủ số 1217 ghi rõ: “Công tác quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không ổn định, chất lượng thấp nên thường xuyên phải thay đổi, điều chỉnh, bổ sung gây lãng phí. Việc lập quy hoạch có lúc chưa đủ yếu tố pháp lý, không có lộ trình thực hiện… dẫn đến vội vàng yêu cầu người dân ngừng sản xuất. Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết có trường hợp không đúng thẩm quyền. Công tác phổ biến quy hoạch triển khai không đồng bộ, chưa đúng trình tự, có dự án đến nay chưa có pa-nô quy hoạch vị trí triển khai dự án.

 

Trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Xây dựng và UBND tỉnh Hà Tây, trách nhiệm liên đới là Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND TP.Hà Đông”.

 

Hà Nội cần thiết phải rà soát lại quy trình các dự án đã được cấp phép ở Do Lộ, trước hết, để an lòng dân. Ảnh: Vũ Hoàng.

 

Về việc có một dự án chưa được phê duyệt đã ban hành quyết định thu hồi đất dẫn đến có những trường hợp bị nhầm lẫn, sai diện tích… trách nhiệm thuộc về Sở TN&MT và UBND TP.Hà Đông.

 

Công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ có trường hợp còn thiếu cẩn trọng, không phát tờ khai cho các hộ dân. Khi đo đạc tại hiện trường cũng không có mặt các hộ dân, không đúng với trình tự, thủ tục của Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Về việc này, nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan, đơn vị làm không đúng thẩm quyền, chưa hết trách nhiệm, thiếu biện pháp, đặc biệt quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được làm tốt. Chịu trách nhiệm là Ban bồi thường GPMB TP.Hà Đông, Sở TN&MT, UBND TP.Hà Đông và UBND xã Yên Nghĩa.

 

Việc xây dựng đơn giá bồi thường trong tỉnh nói chung và đối với các dự án ở xã Yên Nghĩa còn đơn giản, chất lượng khảo sát thực tế không cao; xây dựng cơ cấu giá bồi thường, hỗ trợ thiếu căn cứ, không khoa học.

 

Ở đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan là do các cấp, ngành và UBND tỉnh còn thiếu chủ động, không thay đổi kịp thời giá mà chỉ chạy theo từng khu vực, từng dự án; không điều tra kỹ lưỡng và xây dựng đơn giá không khoa học.

 

Về việc chuẩn bị khu vực đất làm dịch vụ để giao cho các hộ dân làm còn chậm, vị trí lại chưa được sự thống nhất của các ngành trong tỉnh. Các cấp, ngành lại chưa có phương án khả thi về ngành nghề giải quyết việc làm cho các hộ dân sau khi bị thu hồi đất.

 

Kết luận cũng cho biết, UBND TP.Hà Đông và UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phải chịu trách nhiệm trước việc không tổ chức xem xét kỹ lưỡng, khi phát sinh vụ việc mới ban hành các văn bản hướng dẫn, nhưng chỉ giải thích chung chung, dẫn đến người dân bất bình, khiếu nại vượt cấp lên Trung ương.

 

Về việc UBND TP.Hà Đông ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền của mỗi hộ lên đến 3 triệu đồng, kết luận Thanh tra cũng ghi rõ nguyên nhân chính là do sự nôn nóng của những người làm công tác quản lý.

 

Đây là bản kết luận của Thanh tra Chính phủ sau khi đã kiểm tra thực tế 05 quyết định của UBND tỉnh Hà Tây từ năm 2006-2007. Sau khi có bản kết luận này, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) vẫn ban hành thêm 6 quyết định nữa cùng mục đích thu hồi đất xây dựng Cụm công nghiệp.

 

Hiện tại, tất cả 271 hộ gia đình thôn Do Lộ (xã Yên Nghĩa, TP.Hà Đông) đang mỏi mòn chờ các ban ngành liên quan thực hiện đúng kết luận 1217 đã có từ năm 2007.

 

Thiết nghĩ, khi Hà Nội đang tiến hành rà soát lại hàng loạt dự án được cấp phép “ào ạt” trước khi tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập về Hà Nội, thì với những căn cứ rõ ràng, đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ về vấn đề đầu tư, cấp phép các dự án ở Do Lộ, nơi đây cần thiết phải được chọn "làm điểm" để rà soát lại toàn bộ các dự án, giải quyết dứt điểm khiếu kiện, để yên lòng dân.

  • Vũ Hoàng - Lê Hương
     

    Đường dây nóng Báo VietNamNet: 0923457788 hoặc 0913564657 hoặc (04) 3772-2729; Email: hotnews@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>