221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1222834
Nơi nỗi đau kéo dài
0
Article
null
Nơi nỗi đau kéo dài
,

 - Đã 9 ngày trôi qua, 9 nạn nhân trọng vụ sạt lở đất ở bản Khên Lền, xã Công Bằng (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) vẫn bị vùi trong đất đá trong nỗi đau đớn, mỏi mòn chờ mong của người thân. Từ hôm xảy ra tai nạn thương tâm đến nay, lực lượng cứu hộ vẫn ngày đêm kiên trì tìm kiếm nhưng do địa hình quá phức tạp nên đến nay vẫn vô vọng...


Thực hiện: Vũ Điệp - Xuân Hoàng - Nhật Tân



“Sao không thấy bố mẹ và em cháu?”

Trong túp lều dựng tạm tại bản Khay Xôm (xã Gia Hiếu), không khí tang thương bao trùm lên khắp gia đình ông Triệu Kim Vảng. Hiện 6 người thân của gia đình ông Vảng (2 con trai, hai con dâu và hai cháu nội) vẫn bị vùi trong đất đá mà chưa thể tìm thấy. 

Gia đình ông Vảng và bà Pú hàng ngày vẫn mòn mỏi theo chân lực lượng cứu nạn tìm kiếm người thân.

Người đàn ông 52 tuổi không còn nước mắt để khóc, nghẹn ngào nói: “Tội cho các con, các cháu của tôi quá! Đã 8 ngày rồi mà cứ phải nằm ở trong đất đá mãi. Phải đợi tìm thấy chúng tôi mới “làm ma” thắp hương thờ cúng cho chúng nó được”.

Bà Tạ Thị Pú, vợ ông Vảng như "chết đi sống lại" trước nỗi đau quá lớn này. Kể từ cái ngày định mệnh cướp đi của gia đình bà 6 người thân thì sáng nào cũng vậy, bà lại dậy sớm dắt hai đứa cháu Triệu Thị Tần và Triệu Thị Nái (con của 2 vợ chồng nạn nhân Triệu Văn Nhì và Triệu Thị Lúi) vào lại bản theo chân lực lượng cứu hộ để mong sớm tìm được các con cháu mình.

Tại hiện trường vụ sạt lở, sáng ngày 12/7, cứ mỗi khi lực lượng cứu hộ phát hiện thấy điểm nghi vấn có xác người, thì bà Pú lại cõng cháu chạy lại. Nhưng rồi khi biết không phải, bà lại khóc như tự trách, sao bà lại khổ đến thế!

Bé Nái lúc nào cũng hỏi: “Sao chưa thấy cha mẹ và em cháu”

Được bà cõng trên lưng nhưng Triệu Thị Nái, cháu nội bà Pú, khóc nức nở không ngớt. Thấy Nái khóc ròng không thôi, một chiến sỹ bộ đội trong đội cứu hộ quay lại dỗ dành thì cháu bé chỉ nấc nghẹn: “Sao mãi mà các chú không tìm thấy bố mẹ và em cháu?”.

Bà Pú lưng vốn đã còng, nghe cháu hỏi vậy như khuỵu xuống thêm, dòng nước mắt đùng đục lại lã chã rơi xuống cằm bà. Bà không biết có đủ sức để cõng mấy đứa cháu đi theo đoàn cứu hộ đến lúc tìm thấy xác bố mẹ và em chúng hay không, mà bà cũng sợ rằng, khi tận mắt nhìn thấy họ, mấy bà cháu sẽ không chịu nổi...

Bé The lúc nào cũng nửa mơ nửa tỉnh không tin mình đã mất cha mất mẹ và hai anh em

Cùng chung nỗi đau như gia đình vợ chồng ông Vảng, bà Pú, trong những ngày qua, anh Bàn Văn Khe cũng luôn có mặt tại khu vực xảy ra vụ sạt lở Khên Lền từ sáng sớm để cầu mong sớm tìm thấy vợ chồng anh trai và hai đứa cháu xấu số.

Sự ra đi quá đột ngột của vợ chồng anh Bàn Văn Kiều và chị Đồng Thị Mụi để lại cho anh Khe hai đứa cháu nhỏ là Bàn Thị Pết và Bàn Thị The. Nằm dưỡng thương sau khi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong vụ sạt lở đến khó tin, đã hơn một tuần nay, lúc nào Pết cũng như nửa mơ nửa tỉnh.

Anh Khe bảo, nhiều hôm đi lên vùng núi sụt về nhà, nghe hai đứa cháu hỏi: “Đã tìm thấy bố mẹ và em cháu chưa?” lại khiến anh chạnh lòng thương cho hai đứa cháu nhỏ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Khe bảo: “Chỉ mong sớm tìm thấy thi thể anh chị và các cháu để mong nỗi đau được xoa dịu đi phần nào”.

Gian nan cứu nạn

Trong khi người nhà các nạn nhân vẫn hàng ngày hàng giờ mong tìm thấy người thân, thì hơn 200 chiến sỹ bộ đội, công an, dân quân tình nguyện… vẫn đang ngày đêm không biết mệt mỏi kiếm tìm thi thể các nạn nhân.

Những tảng đá to nằm dưới bùn khiến cho lực lượng tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thực tế địa hình phức tạp cộng với khối lượng đất đá quá lớn… đang khiến cho công tác tìm kiếm nạn nhân ở Khên Lền gặp vô vàn khó khăn.

Đứng trước hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất tại bản Khên Lền sáng ngày 12/7, ông Bùi Văn Quang, Phó Chủ tịch huyện Pác Nặm nói như muốn khóc: “Đã một tuần trôi qua nhưng công tác tìm kiếm vẫn còn quá nhiều khó khăn. Việc không thể đưa máy móc vào và tiến hành khai quật bằng phương pháp thủ công, phải dùng tay chân cuốc xẻng để đào bới… khiến cho khối lượng công việc làm được không đáng là bao trước lượng đất đá sạt lở quá lớn”.

Sau hơn 1 tuần, hiện trường vụ sạt lở vẫn là một đống hoang tàn, đổ nát. Diện tích vùng sạt lở ước tính vào khoảng 7 đến 8ha, còn khối lượng đất đá sạt xuống theo ước tính ban đầu của Ban Địa chất huyện Pác Nặm vào khoảng hơn 100 nghìn mét khối. Nhiều thớ đá mẹ to và nặng hàng chục tấn, có những thớ đá nặng hàng vài chục tấn nằm cắm sâu trong đất bùn chẳng khác nào một trận địa thách thức lực lượng tìm kiếm.

Đã hơn 1 tuần trôi qua, vẫn chưa tìm thấy thêm thi thể nạn nhân nào
Ông  Đồng Phúc Bình, Phó Tham mưu trưởng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn nói về công tác khai quật: “Với những khối đá to lớn như thế này, lại phải tiến hành khai quật tìm kiếm bằng phương pháp thủ công thì… sẽ rất lâu mới tìm kiếm được nạn nhân, chứ chưa dám nói là tìm hết”. 

“Việc tìm kiếm thi thể nạn nhân hiện nay rất khó khăn và khó xác định vị trí. Chúng tôi không còn cách nào khác nên cứ thấy khả nghi ở vị trí nào thì cho anh em đào bới khai quật ở đó. Tuy nhiên, đến giờ phút này ngoài xác trâu bò, lợn gà… chúng tôi vẫn chưa tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân nào” - ông Bình cho biết thêm.

Ngoài việc huy động sức người tham gia công tác cứu nạn tại bản Khên Lền, Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng đã huy động 11 chó nghiệp vụ để đánh hơi xác định vị trí tìm kiếm nạn nhân. Đến chiều 12/7, dù đã "nỗ lực hết mình" nhưng đội chó nghiệp vụ này vẫn chưa thể chỉ điểm thành công cho công tác tìm kiếm nạn nhân.

Thiếu úy Phùng Quang Đối, phụ trách đội chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng cho biết: “Bùn dầy và đá lớn cộng với xác chết động vật bốc mùi hôi thối hỗn tạp nên không dễ để chó nghiệp vụ có thể xác định đúng vị trí trong việc tìm kiếm nạn nhân”.

Hiểm nguy rình rập bản nghèo

Do tiến hành khai quật tìm kiếm cứu nạn bằng phương pháp thủ công với lượng đất đá khổng lồ nằm lổn nhổn dưới bùn lầy, nên nhiều thành viên trong đội tìm kiếm đã không tránh khỏi vẻ mệt mỏi. Nhiều người còn bị trầy xước hết cả chân tay.

Ngồi trong ngôi nhà sàn dùng làm trung tâm của ban chỉ huy cứu nạn ở bản đau thương Khên Lền, Đại úy Vũ Hồng Vân, thuộc ban chỉ huy quân sự huyện Pác Nặm kể lại sự việc anh bị thương trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn.

Anh Vũ Hồng Vân may mắn thoát khỏi đá đè vào người nhưng lại bị đinh đâm vào bàn chân
Đại úy Vân kể: Giữa trưa ngày 11/7, đội tìm kiếm đào bới đất đá tại vùng sạt lở xác định có mùi hôi thối dưới chân một tảng đá lớn. Ngay lập tức, anh và các anh em chiến sỹ tập trung đào bới chân tảng đá để dùng gậy bẩy tảng đá lớn ra bên ngoài. 

Bất ngờ gậy gỗ gãy, hòn đá trả lực ngược lại rồi lăn về phía anh. Anh đã nhanh chóng nhảy ra khỏi được vị trí đá lăn. Nhưng không may, chân phải của anh Vân dẫm phải đinh gỗ nhà sàn. Chiếc đinh đã đâm lút gần hết bàn chân anh.

Trước đó, sáng ngày 10/7, cơn mưa nặng hạt khiến cho đội tìm kiếm được cảnh báo: “Đang ở khu vực nguy hiểm, chuẩn bị sẳn sàng di dời ra vùng an toàn!”. 

Sở dĩ, phải sẵn sàng di tản ra vùng an toàn vì theo khảo sát của lực lượng địa chất ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra sáng 4/7 cho thấy, phía trên đỉnh núi của 3 ngôi nhà sàn mà lực lượng tìm kiếm đang ở tạm có một vệt nứt lớn rộng khoảng 50cm, dài chừng 30m. Nếu mưa to kéo dài, nước từ trên thượng nguồn chảy xuống thì sẽ rất nguy hiểm.
 Sáng 10/7, một cơn mưa khá to và kéo dài hơn một tiếng đồng hồ xuất hiện, anh em được lệnh chuẩn bị để di chuyển ra vùng an toàn nếu trời tiếp tục mưa, nhưng rất may sau đó trời tạnh. 

Tối ngày 11/7, khi có thông tin cơn bảo số 4 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền núi phía Bắc, lực lượng tìm kiếm lại lâm vào tình thế sẵn sàng di dời ra vùng an toàn. 

Khu trung tâm chỉ huy của lực lượng tìm kiếm
Ngay tối hôm đó, ông Bùi Văn Quang đã dùng bộ đàm xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh thì nhận được lệnh: "Nếu trời mưa to, phải di dời tất cả mọi người ngay trong đêm ra vùng an toàn để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra!". 

Dù tối ngày 11, rạng sáng ngày 12/7, trời Khên Lền không mưa, nhưng đúng vào đầu giờ chiều ngày 12/7, một cơn mưa nặng hạt hạt buộc các anh em lực lượng cứu nạn phải tạm thời di tản ra vùng an toàn thuộc địa điểm bản Khay Xôm, xã Gia Hiếu.

Ông Quang cẩn trọng: “Việc cứu nạn chúng tôi sẽ phải nỗ lực hết sức để mong sớm tìm kiếm được thi thể các nạn nhân, nhưng việc đảm bảo tính mạng cho hơn 200 con người cũng rất cần thiết".

Cơn bão số 4 đã vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Nhưng theo dự báo, khu vực miền núi phía Bắc rất dễ xảy ra lũ quét. Và khi nỗi đau chưa nguôi, Bắc Kạn lại đang chuẩn bị gồng mình chống chọi...

  • Vũ Điệp

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;