- Ngày 15/7, trong buổi họp giao ban quận, huyện về dịch bệnh được tổ chức tại Sở Y tế TP.HCM, vấn đề khó khăn trong công tác cách ly người nghi nhiễm cúm ở khách sạn đã được đề cập nhiều lần.
Người nghi nhiễm cúm bị khách sạn từ chối
Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 phản ánh, tuy không dám trực tiếp đuổi khách nghi mắc cúm nhưng một số khách sạn đã cắt điện, cúp nước để gây khó dễ, khiến khách phải tự bỏ đi. Điều này đã làm cho công tác phòng, chống lây nhiễm cúm A/H1N1 trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn, việc giám sát, cách ly những đối tượng nghi nhiễm không được đảm bảo.
Hai mẹ con nghi nhiễm cúm đang được cách ly tại BV Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Thanh Huyền.
“Chúng tôi tiến hành chuyển viện cho một bệnh nhi bị sốt cao trên 38 độ C. Tuy nhiên, khi đưa cháu bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì không được tiếp nhận. Sau đó, xe cấp cứu lại chạy qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trình bày các thủ tục rườm rà, phải 3 tiếng đồng hồ sau bệnh nhi mới được nhập viện. Sáng hôm sau, bệnh nhi này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1”, đại diện Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh bức xúc nói.
Cần đổi sang phương án truy tìm chùm ca bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, quá trình làm xét nghiệm đối với bệnh nhân nghi mắc cúm cho đến khi xác định kết quả hết sức rườm rà về mặt thủ tục hành chính.
Cán bộ y tế tiếp xúc với người bệnh, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, sau đó gửi kết quả sang Viện Pasteur. 2 ngày sau Viện Pasteur mới có kết quả, rồi báo ngược lại cho bệnh viện. Tiếp đó, bệnh viện mới báo lên Sở Y tế về ca nhiễm cúm.
Cả quá trình như vậy phải mất từ 2 đến 3 ngày. Đến khi xác định được bệnh nhân chắc chắn mắc cúm A/H1N1 thì người bệnh có thể đã tiếp xúc và lây lan thêm cho những người khác.
Bác sĩ Thọ nhấn mạnh, những ca nghi ngờ nhiễm cúm cũng có thể là nguồn lây lan bệnh. Bởi thế, chúng ta phải giám sát chặt tất cả các khâu chứ không nên chỉ chú trọng vào những trường hợp đã xác định mắc bệnh.
Bác sĩ Thọ cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc giám sát từng đối tượng nghi mắc bệnh là việc làm không còn khả thi. Chúng ta không thể ngăn dịch xâm nhập vào Việt Nam, nhất là tại cửa ngõ TP.HCM. Hiện tại, 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố chỉ còn 3 quận là Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ là chưa có ca mắc cúm A/H1N1.
Đáng chú ý là việc giám sát ca bệnh theo chuyến bay hiện nay gần như không đạt hiệu quả cao, tỷ lệ hành khách cách ly kiểm dịch ngày càng giảm. Trong tuần qua, chỉ giám sát được 2% đến 5% số hành khách đi cùng chuyến bay với ca nhiễm cúm A/H1N1.
Theo bác sĩ Thọ, quan trọng hơn cả, trong thời điểm này, ngành y tế và toàn xã hội nên tập trung truy tìm các chùm ca bệnh để kịp thời xử lý, không cho bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) vừa cho biết nếu dịch lây lan ra cộng đồng, Việt Nam sẽ phân loại đối tượng ưu tiên trong điều trị cúm A/H1N1. Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng được ưu tiên hàng đầu.
Các trường hợp còn lại nằm trong nhóm được ưu tiên điều trị cúm A/H1N1là những người mắc các bệnh mãn tính về phổi, người già ốm đau, trẻ em bởi đây là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao.
Các nước trên thế giới đang chạy đua sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1, trong đó có Việt Nam. Theo dự kiến, đến khoảng tháng 9, tháng 10 năm nay, mẻ vắc-xin cúm A/H1N1 đầu tiên của Việt Nam sẽ “ra lò”. Sau thời gian thử nghiệm lâm sàng sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo không thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và khuyến cáo tất cả các quốc gia nên ưu tiên cho các cán bộ y tế được sử dụng vắc-xin cúm A/H1N1 trước tiên, bởi đây là lực lượng đầu tiên và quan trọng nhất để giúp các nước đối phó với dịch bệnh.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường (bộ Y tế) cho biết: “Việt Nam chưa thể khẳng định là có ưu tiên cho cán bộ y tế trong việc sử dụng vắc-xin hay không. Đợi đến khi có vắc-xin rồi, và căn cứ và tình hình thực tế, chúng tôi sẽ họp bàn và có những tính toán cụ thể”.
-
Thanh Huyền - Cẩm Quyên