- Sáu tháng đầu năm, tình trạng ùn tắc giao thông ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng, tai nạn giao thông (TNGT) tăng cả về số vụ và số người bị thương, đua xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè… không giảm. Đây là những vấn đề khiến cả lãnh đạo và người dân thành phố đau đầu.
Ngày 16/7, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông (ATGT) thành phố cho biết đã có 452 người chết và 262 người bị thương vì TNGT trong 6 tháng qua.
Năm 2009, TP.HCM đặt chỉ tiêu kéo giảm ít nhất 7% số người chết, 15% số vụ và số người bị thương do TNGT gây ra.
Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng qua, TNGT không giảm mà còn tăng cao về số vụ và số người bị thương so với cùng kỳ 2008. Đồng thời, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đang ở mức báo động với 4 vụ làm 12 người chết, 1 người bị thương (cùng kỳ 2008 không xảy ra vụ nào).
Trong lúc TNGT không có dấu hiệu giảm thì ùn tắc giao thông lại đang xảy ra ngày một nghiêm trọng. Theo thống kê của Ban ATGT, toàn thành phố đã xảy ra 25 vụ kẹt xe lớn kéo dài trên 30 phút còn các vụ kẹt xe nhỏ thì không đếm nổi vì quá nhiều.
Ông Tường cho biết, không ít vụ ùn tắc kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến người dân mệt mỏi còn lực lượng CSGT phải làm việc rất vất vả. Tiêu biểu là vụ kẹt xe suốt 4 tiếng đồng hồ từ 19h - 23h ngày 21/3 tại ngã tư Điện lực, phường Phước Long A, Q.9 vì vụ TNGT giữa xe ô tô đầu kéo với xe mô tô.
Trong các tuyến đường thường xuyên kẹt xe, đường liên tỉnh lộ 25B từ ngã ba Cát Lái vào cảng Cát Lái (Q.2) được cho là nổi tiếng nhất.
Đường liên tỉnh lộ 25B dài khoảng 5km với 2 làn xe ngược chiều nhau nhưng là tuyến đường độc đạo từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái. Mỗi ngày có khoảng 8.000 lượt xe container chở hàng hóa ra vào cảng Cát Lái trên con đường này, chưa kể lượng xe ra vào các công ty quanh khu vực và phương tiện lưu thông khác.
Kẹt xe là 1 trong 2 vấn đề đau đầu của TP.HCM. Ảnh: Thái Phương |
Vì thế, tình trạng kẹt xe ở khu vực này xảy ra như cơm bữa, nhất là khoảng thời gian từ 20h - 23h hàng ngày. Thậm chí có lần đoàn xe nối đuôi nhau kẹt suốt… 9 tiếng đồng hồ, từ 11h đêm đến tận sáng ngày hôm sau.
“Đường 2 chiều nhỏ hẹp lại chủ yếu là xe container lưu thông nên chỉ cần va chạm nhỏ, có phương tiện chết máy giữa đường là cả dòng xe phải nối đuôi nhau chờ” - đại diện phòng quản lý đô thị Q.2 cho biết. “Nhiều lúc kẹt xe quá lâu, các tài xế container… ngủ luôn trên xe. Đến khi ùn tắc được giải tỏa, anh em CSGT phải đi gọi từng xe dậy, trả lại mặt đường cho giao thông".
Ngoài đường liên tỉnh lộ 25B, hàng loạt tuyến đường, khu vực khác ở TP.HCM đều rơi vào cảnh kẹt xe thường xuyên. Theo ông Tường, hạ tầng giao thông của thành phố đã quá tải so với lượng xe lưu thông hàng ngày. Hơn nữa, tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả, đường đầy ổ voi, ổ gà, sụt lún rồi ngập nước khi trời mưa, triều cường cũng làm kẹt xe và nguy cơ xảy ra TNGT tăng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn xảy ra, ngay cả 15 tuyến đường theo tiêu chí “văn minh đô thị” của thành phố cũng bị người dân chiếm vỉa hè, bán hàng rong tràn lan. Đua xe trái phép không diễn ra nhưng cảnh tụ tập, dàn hàng ngang vài trăm xe rồi nẹt pô, rú ga, lạng lách, đánh võng gây rối trật tự công cộng còn nhiều…
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho rằng phải kiên quyết xử lý những người vi phạm giao thông. Quận, huyện nào để tình trạng đua xe trái phép diễn ra mạnh, quận đó sẽ chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
Về đường liên tỉnh lộ 25B “nổi tiếng kẹt xe”, Chủ tịch cho rằng phòng CSGT thành phố, UBND Q.2, cảng Cát Lái… phải nghiên cứu, xem xét trên cơ sở phân bố lại lượng xe ra vào cảng hợp lý. Giả dụ, nếu dòng xe từ cảng chở hàng đi vào ban ngày thì lượng xe từ các nơi khác dồn về cảng sẽ vào ban đêm.
“Làm sao hạn chế mức thấp nhất tình trạng kẹt xe và TNGT trong 6 tháng cuối năm để người dân thành phố không bị thiệt hại cả về người và tài sản” - ông Quân nói.
-
Thái Phương