- Tìm hiểu khả năng đào một kênh vành đai đủ lớn từ sông Sài Gòn, Q.12 qua Hóc Môn, về Bình Chánh, ra sông chợ Đệm để tiêu nước của nửa phía bắc và tây bắc thành phố. Đó là một trong những tổ hợp giải pháp chống ngập cho TP.HCM. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của GS- TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường về vấn đề này.
Càng mở rộng đô thị càng ngập
Ngập tại khu vực trung tâm thành phố. Ảnh: Lê Du An
Khu vực ngập trung tâm thành phố gồm quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận và một phần các quận Bình Chánh, Bình Thạnh, Tân Bình; thuộc lưu vực hệ kênh rạch chính, bao gồm kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé, Kênh Đôi, kênh Tẻ, Tham Lương, trên diện tích 140km2. Do vị trí thành tạo của đô thị Hồ Chí Minh nên nó mang đặc trưng “đô thị bán ngập triều”. Hướng thoát lũ chính của thành phố là Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc xuống Nam, Đông Nam. Vì vậy, chúng ta càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam, Đông Sài Gòn như Bình Chánh, Q.7, Nhà Bè, Cần Giờ, tức là chúng ta càng ngăn đường thoát nước của thành phố.
Như vậy, nguyên nhân gây nên ngập lụt tại TP.HCM có thể được xem xét tới là tổ hợp mưa, thuỷ triều và quá trình đô thị hoá. Trong đó, nguyên nhân làm cho yếu tố mưa và thuỷ triều ngày càng cao và thất thường, ảnh hưởng càng nặng nề đến ngập lụt đô thị là do quá trình biến đổi khí hậu làm cho trái đất nóng dần lên, nước biển dâng, nhất là khi triều đã và sẽ tăng thêm 1,0m vào cuối thế kỷ này.
Còn yếu tố mưa vừa là do mưa nhiệt đới vừa là “mưa đô thị” tạo những trận mưa lớn, bất thường 100-200mm.
Tất cả các trạm đo nhiệt độ xác nhận được bằng chứng về biến đổi khí hậu. Hiện nay, nhiệt độ trung bình đã tăng lên tới 0,3 - 0,4 độ C trong mấy chục năm vừa qua và hiện đang có xu hướng tăng tiếp. Các mô hình nghiên cứu cho hay, trong thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng từ 1,1 - 6 độ C, khả năng dễ xảy ra là từ 1,8 - 4 độ C.
Sai lầm
Khi mực nước biển dâng thêm 1m, 14 triệu dân ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng, 40.000 km2 vùng đồng bằng bị ngập lụt và 1.700 km2 vùng ven biển bị chìm. TP.HCM (Cần Giờ, Nhà Bè, Q.2, Q.8, Q.7, Thủ Thiêm, một phần Bình Thạnh, Bình Chánh…) sẽ bị ngập mặn nghiêm trọng.
Nhưng cho đến nay, theo các nghiên cứu, nước biển dâng do biến đổi khí hậu chưa gây tác động đáng kể lên ngập lụt đô thị TP.HCM. Vì vậy, tình trạng ngập lụt hiện nay chủ yếu là do con người - mà cụ thể là do đô thị hoá không khoa học kết hợp với mưa, trong đó có mưa đô thị. Còn nước thải có gây ngập nhưng không đáng kể, có chăng, chỉ là về mặt ô nhiễm nước ngập mà thôi.
Những sai lầm trong quá trình đô thị hóa, mà cái chính là tác động của san lấp xây dựng nhà cửa đường sá: Vùng trũng là những hồ điều hoà tự nhiên như ở Nam Sài Gòn, các kênh rạch nội, ngoại thành bị san lấp không thương tiếc.
Khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp mọc lên một cách ồ ạt, trong khi hệ thống thoát nước chưa được chú ý đúng mức nên cứ mưa xuống là đường bị ngập, đường được nâng lên thì nhà ngập. Nâng nhà lên thì lại làm đường ngập.
Cứ thế giải quyết chỗ ngập cũ lại tạo ra nhiều vùng ngập cục bộ mới. Nhiều nơi chìm sâu trong nước và phải 3-4 ngày nước mới rút hết. Gần đây, các chung cư cũ được phá bỏ xây chung cư mới ngay tại đó với số tầng gấp 2 đến 3 lần (10-15 tầng). Thật sự đó là một sai lầm: trên một đơn vị diện tích, dân số sẽ tăng, hạ tầng như cũ, xe cộ nhiều thì ngập lụt và kẹt xe tăng lên là điều tất yếu.
Chính vì các yếu tố này mà dẫn đến tình trạng ngập lụt tại TP.HCM ngày càng bế tắc, không một phương án nào mang lại kết quả khả thi. Ai cũng rõ là biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển dâng nhưng người ta vẫn quy hoạch phát triển và đô thị hoá hoành tráng ra các vùng thấp như Q.7, Đông Nam và Tây Nam thành phố, cùng với các công trình đồ sộ và lấn biển.
Cần giải pháp cụ thể, không cần lý thuyết chung chung
Giải quyết thoát nước theo lưu vực tự nhiên, trên cơ sở đã xác định chính xác từng lưu vực nhỏ, kết hợp những lưu vực nhỏ thành lưu vực lớn, để tính toán cân bằng nước cho chính lưu vực đó. Phân biệt giữa lưu vực thoát nước mật và lưu vực thoát nước thải. Quản lý bằng số mặt đệm, khả năng lưu giữ bằng bãi cỏ công viên, lề, hè đường, khả năng thấm, thoát và xác định cửa xả của chúng. Kết hợp hồ điều hòa với hồ sinh thái.
Hồ điều hòa sẽ phải được xây dựng, không thể nào khác được. Những vị trí không còn đủ diện tích thì chỉ làm hồ điều hòa (chìm hoặc nổi). Vùng ngoại vi, kể cả những vùng còn đủ diện tích (từ 1ha trở lên) nên xây dựng hồ điều hoà mang cả chức năng sinh thái. TP.HCM rất ít hồ, việc xây dựng thêm hồ sinh thái dạng này là hết sức cần thiết và cấp bách.
Không nên phát triển đô thị kiểu xây nhà cao tầng ở những vùng quá thấp, trũng, đất không nền ở vùng Nam, Tây Nam thành phố. Q.8, Q.4 ngày càng ngập nhiều hơn, bởi vì, vùng này trũng, hứng nước vùng cao, vốn xưa là bãi lầy, nay lại bị ngập nhiều hơn vì các vùng trũng xung quanh cũng đã bị đô thị hoá mất rồi!.
Nếu vì một lý do nào đó mà buộc phải xây nhà ở vùng trũng Nam Sài Gòn, thì nên tránh đặt chiều dài của công trình vuông góc với hướng thoát nước, không xây đường xa lộ ngăn cản dòng chảy. Cần tính đến mực nước biển dâng do trái đất nóng lên, ít nhất là 20cm, cao nhất là 70cm, trong vòng 15-20 năm nữa, đó là một tất yếu khách quan, không gì cưỡng lại được. Vì vậy, bất luận thế nào đi nữa, trong các quy hoạch xây dựng, nhất là ở vùng thấp, luôn bị ảnh hưởng của triều, ta cần tính đến nước biển dâng.
TP.HCM đang cần những giải pháp cụ thể để chống ngập chứ không cần những lý thuyết biến đổi khí hậu chung chung vì chúng đã có trong các sách, trên mạng.
-
Lê Huy Bá