Trường đại học quốc tế RMIT, quận 7; hai nhân viên ga nội địa, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã nhiễm cúm A/H1N1 trong ngày 21/07.
Dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng
Chiều ngày 21/7, Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm và cúm A/H1N1 đã họp khẩn tại UBND TP.HCM. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chính thức xác nhận dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 (lây lan ra cộng đồng nhưng vẫn trong khả năng có thể kiểm soát).
Bác sĩ Châu đánh giá diễn biến bệnh cúm A/H1N1 tại trường Ngô Thời Nhiệm, quận 9 lây lan khá nhanh. Đặc biệt, các học sinh của trường ủ bệnh trong thời gian rất ngắn (chỉ từ 1 đến 2 ngày đã phát bệnh).
Buổi họp Ban chỉ đạo chống cúm gia cầm và cúm A/H1N1 TP.HCM vừa diễn ra chiều 21/7.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM dự báo, sắp tới, khả năng dịch cúm A/H1N1 lây lan sẽ rất nhanh, người già, trẻ em, phụ nữ, người sức yếu đều có thể mắc bệnh nên số ca tử vong là khó tránh khỏi.
Học sinh trong trường học tại TP.HCM sẽ được tập huấn về cách phòng, chống lây nhiễm cúm A/H1N1. Các trường học phải thực hiện sát khuẩn trước ngày khai giảng, sau đó tiếp tục sát khuẩn môi trường định kỳ mỗi tuần 2 lần. Nếu phát hiện học sinh có triệu chứng bất thường phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khu công nghiệp, trường học, nhà trọ, khu tập trung người lao động nghèo rất dễ mắc bệnh do điều kiện dễ lây lan.
Trước nguy cơ dịch cúm A/H1N1 có thể bùng phát, Sở Y tế và Sở Giáo dục TP.HCM đã ký kết liên tịch giữa hai ngành để phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu cũng lưu ý phía Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tổ chức giám sát số du khách lưu trú trên địa bàn thành phố.
Trong buổi họp khẩn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã nhiều lần nhấn mạnh, những trường hợp có biểu hiện cúm cần được cách ly, điều trị tại chỗ, tránh di chuyển để giảm thiểu nguy cơ lây lan và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Nguy hiểm nhất là học sinh mầm non
Ngoài ra, Phó Chủ tịch yêu cầu ngành y tế thành phố cần chuẩn bị cho tình huống 3 của dịch bệnh (có ca tử vong). Trong tình huống này, bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 sẽ được chia ra theo độ nặng, nhẹ của bệnh mà điều trị. Người mắc bệnh nhẹ sẽ điều trị cách ly tại nhà, nặng hơn sẽ được điều trị tại đơn vị y tế phường, xã, nếu diễn biến bệnh xấu nhất mới chuyển vào các bệnh viện tuyến trên.
Phó Chủ tịch yêu cầu ngành giáo dục cần có thông báo cụ thể cho phụ huynh học sinh, nếu trường hợp nào bị mắc bệnh phải nghỉ cách ly, điều trị sẽ được sắp xếp bồi dưỡng bù kiến thức.
Các học sinh trường Ngô Thời Nhiệm đang bị cách ly; hiện trường này có tới hơn 60 học sinh, thầy cô giáo nhiễm cúm
Điều khiến ông Tài lo nhất là các học sinh trường mầm non vẫn đi học trong thời gian này. “Nếu không kiểm soát được, dịch bệnh lây lan ra các trường học, rồi làn rộng vào cộng đồng…Lúc này các chỉ tiêu về kinh tế xã hội của TP sẽ bị ảnh hưởng” - ông Tài nói.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bác sĩ Nguyễn Trần Chính khuyến cáo, người dân nên sử dụng khẩu trang đúng cách, vứt khẩu trang y tế đúng nơi quy định để hạn chế bệnh lây lan ra môi trường. Hiện nay, mỗi ngày, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sử dụng hết 3.000 khẩu trang y tế.
24 quận, huyện cũng khẩn trương tham gia công tác phòng, chống cúm bằng nhiều cách như tuyên truyền bằng loa được gắn trên xe máy, 100.000 đoàn viên thanh niên TP cũng được huy động tìm kiếm, phát hiện ca cúm trên địa bàn..
“Công tác phòng chống cúm A/H1N1 phải có sự chung tay của cả cộng đồng, mỗi người dân đều phải có ý thức, khi phát hiện bản thân hoặc người nhà bị ho, sốt, sổ mũi cần chủ động đeo khẩu trang và đi khám ngay”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh. Ngày 21/7, Việt Nam đã có thêm 35 người nhiễm cúm A/H1N1. Khu vực phía Nam vẫn là điểm nóng nhất của dịch khi có tới 34 ca nhiễm mới trong ngày 21/7, 1 ca còn lại là bệnh nhân miền Trung.
Chính sự tập trung đông người tại cùng địa điểm và thời điểm đã tạo điều kiện cho vi-rút cúm A/H1N1 phát tán nhanh chóng. Bộ Y tế nhận định: Các điểm nguy cơ tiếp theo sẽ là các cơ quan, công sở. Do đó, để phòng tránh dịch cúm, người dân nên hạn chế tụ tập hoặc đến những nơi đông người, khu vui chơi, giảm tiếp xúc trực tiếp tại nơi làm việc. Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết: “Cần đặc biệt chú trọng đến những bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi nặng bởi những trường hợp này rất có thể liên quan đến cúm A/H1N1, khiến nguy cơ tử vong cao”. Các đối tượng đặc thù như người già, trẻ em, phụ nữ có thai cần đặc biệt chú ý theo dõi tình hình sức khỏe và đến cơ sở y tế khám ngay nếu có các dấu hiệu nhiễm cúm. Như vậy, tính đến 17h ngày 21/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận 443 trường hợp dương tính, không có tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 328. 115 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, các phòng cách ly để thu dung, điều trị bệnh nhân. Cần tổ chức trực luân phiên 24/24 các đội chống dịch cơ động, các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương; tiếp tục các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới để phát hiện và xử lý y tế kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1. Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 các cấp họp định kỳ hàng tuần, hàng ngày, họp đột xuất để kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. (Cẩm Quyên)
-
Thanh Huyền