221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1227962
Những nông dân "nhảy dù" trên đất của chính mình
1
Article
null
Một năm sau mở rộng Hà Nội:
Những nông dân 'nhảy dù' trên đất của chính mình
,

 - Dự án KCN cao Hòa Lạc và Trường ĐHQG nằm phần lớn trên địa bàn xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất). Để có được mặt bằng cho 2 dự án lớn này, hàng ngàn người nông dân đã phải mất toàn bộ ruộng đất nông nghiệp và đất thổ cư. Nhưng những dự án này vẫn bị “treo” trong nhiều năm qua. Vì thế hàng ngàn nông dân dù đã trở thành “công dân Thủ đô” vẫn phải sống tiếp trong cảnh cùng cực vì mất nghề và không nhà ở.

Cả xã đi ở nhờ

Hơn 70 hộ dân thuộc thôn 7 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) nhiều năm nay phải sống trong cảnh lay lắt, tạm bợ trên chính mảnh đất mà trước kia, họ và cha ông của mình đã định cư trong nhiều năm liền, qua nhiều thế hệ.

Mô tả ảnh.

Gương mặt ủ dột, rầu rĩ của chị Đào, anh Tình, anh Diễn khi chưa biết đến khi nào mới có nhà tái định cư để ở, và mưu sinh bằng nghề gì khi ruộng đất đã mất... - Ảnh: Kiên Trung

Về mặt quản lý hành chính, họ thuộc vào diện “dân nhảy dù” và “định cư bất hợp pháp”. Nguyên nhân, đấy là khi được tuyên truyền, vận động bàn giao đất nông nghiệp, đất thổ cư, đất đồi… cho Nhà nước, họ đã phá bỏ công trình, nhà cửa để trả đất cho dự án. Thế nhưng, đến tận thời điểm tháng 8/2009, những hộ dân này vẫn chưa có được chỗ ở mới theo diện tái định cư, dù tất cả các loại đất nói trên đã bị thu hồi và đã bàn giao từ năm 2007. 

Điều ấy đồng nghĩa với việc, hàng ngàn người nông dân của xã Thạch Hòa trong gần 3 năm nay, ở trong tình trạng không có nhà ở, mất việc làm và thất nghiệp, sống lay lắt tạm bợ trên chính mảnh đất mà trước đây, thuộc quyền sở hữu của họ.

Con đường đất dẫn vào thôn 7 đỏ quạch và bụi mù. Có những đoạn, ổ voi, ổ trâu tù đọng đất bùn hòa nước đỏ quạch. Những ngôi nhà lụp xụp và tiêu điều hai bên đường nằm lẩn khuất giữa những vườn sắn tầu đang lên mơn mởn. Cỏ tranh mọc cao lút hai bên vệ đường. Tất cả những ngôi nhà này, hầu hết đều không có đường dẫn vào nhà. Vỉa đất bị khoét cách tường nhà chừng một sải tay. Làng xóm im ắng đến bí ẩn.

Khi được hỏi, những người dân ở thôn 7 cho biết, tất cả các hộ dân này đều đang “ở nhờ” trên đất bị thu hồi. Họ chưa có nhà để ở, vì khu đất giãn dân, tái định cư theo dự án thu hồi đất bàn giao cho KCN cao Hòa Lạc, đến bây giờ vẫn chưa có… mặt bằng. 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Diễn, chị Lê Thị Lan bị thu hồi 8 sào ruộng, trong đó có 4 sào thuộc đất ruộng thừa kế của bố mẹ. Cùng với hơn 1.000m2 đất ở, đất vườn, tài sản gắn liền với đất, cây cối hoa màu thuộc diện được đền bù…, tổng số tiền hai anh chị được nhận là hơn 200 triệu đồng. 64 triệu đồng bị giữ lại để “cược” cho đến khi nào được nhận đất giãn dân, anh chị được nhận hơn 140 triệu đồng.

Mô tả ảnh.

Anh Tình với biên bản kiểm đếm tài sản và diện tích đất thu hồi (từ năm 2007). Gia đình anh chị đã dỡ bỏ ngôi nhà cũ, từ năm 2007 đến giờ phải sống lay lắt trong căn nhà tạm làm từ cái bếp cũ. Hàng trăm hộ dân xã Thạch Hòa ở trong cảnh dở khóc dở cười như anh chị. - Ảnh: Kiên Trung

Chị Lan than thở: “Vợ chồng em nhận tiền đền bù từ năm 2007. Toàn bộ ruộng đất đã giao cho dự án, thành ra hai vợ chồng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Nhìn ruộng bỏ hoang mà thắt cả ruột. Vườn tược, nhà cửa cũng đã bàn giao cả rồi, bây giờ phải ở nhờ… Gần như cả xã này, đều rơi vào hoàn cảnh như chúng em cả!”.

Anh Diễn, chị Lan còn may mắn vì chưa dỡ nhà để bàn giao cho dự án nên vẫn còn được ở trong căn nhà cấp 4, dù đã cũ kỹ. Những trường hợp đã dỡ bỏ nhà, người dân phải sống trong những căn lều được dựng tạm, lụp xụp… 

Liền kề nhà anh Diễn là nhà của anh Trương Công Tình và chị Hoàng Thị Đào. Trỏ vào căn nhà lụp xụp được dựng tạm bợ, chị Đào không giữ được nước mắt: “Gia đình chúng tôi tuân thủ quy định của Nhà nước, chấp nhận tháo dỡ nhà để trả đất cho dự án. Thế nhưng, đã mấy năm trôi qua, đất giãn dân chưa thấy, hàng ngàn người phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì giấy tờ nhà đất đã trả lại xã, nhà cũng đã dỡ rồi… Chúng tôi phải sửa lại cái nhà bếp để làm nhà ở tạm. Cứ mỗi khi trời mưa gió hay đài báo bão, cả đêm phải thức chong chong vì sợ nhà sập…”.

Những người dân xóm 7 như gia đình anh Diễn, anh Tình… đều cùng ở tình trạng bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp (bao gồm đất trồng lúa, đất đồi, đất trồng cây lâu năm, đất vườn) và đất thổ cư. Đây là những người thuần nông, không có nghề phụ.

Mô tả ảnh.

Chị Đào bên nền ngôi nhà cũ kiên cố của mình đã bị dỡ bỏ... Ảnh: K.T

Từ khi đất đai, nhà cửa bị thu hồi, không có nghề nghiệp, không nhà ở, hàng ngàn nông dân xã Thạch Hòa rơi vào tình trạng “nhảy dù”, “định cư bất hợp pháp”. Theo tính toán của anh Diễn, với hơn 200 triệu tiền đền bù, anh chỉ đủ làm căn nhà cấp 4 trên đất tái định cư mới. “Từ năm 2007 đến nay, gần 3 năm đã trôi qua mà đất giãn dân, tái định cư vẫn chưa có mặt bằng bàn giao cho người dân, chúng tôi vẫn phải ăn, phải sống!”. Mỗi ngày, anh chị tằn tiện “cấu” từ số tiền hơn 140 triệu được nhận đền bù để nuôi 4 khẩu trong gia đình, đến nay đã gần như cạn kiệt.

Anh Diễn tâm sự: “Để mưu sinh, chúng tôi phải “khai hoang” bất hợp pháp chính ruộng vườn trước kia. Nhìn vườn tược, ruộng đất bỏ hoang cho cỏ mọc, trong khi phải ngồi chơi, nhà nông xót lắm. Đành cấy trộm, cấy chui được ngày nào hay ngày đó, chừng nào dự án đổ đất lấy mặt bằng thì thôi…”. 

Nguồn thu “không chính thức” của người dân Thạch Hòa bị thu hồi đất, đấy là trồng cấy trên các thửa đất ruộng cũ. Đất vườn trước kia nay đã bị khoanh vùng, bà con vào trồng sắn “chui”. “Chúng tôi phải thức dậy từ tờ mờ sáng để chui vào đó trồng sắn. Nhiều cán bộ dự án ngăn không cho người dân trồng, rau cỏ vừa lên được cao thì họ đem ủi hết” – chị Lan than thở.

Những lúc “nông nhàn”, chị Lan, anh Diễn… lại đi làm thuê, làm mướn kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng.

Tình trạng nói trên không phải của riêng thôn 7, mà các thôn 3, thôn 6, thôn 5… xã Thạch Hòa - những thôn nằm hoàn toàn trong địa bàn quy hoạch của dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, người dân bị thu hồi toàn bộ đất đai, vườn tược, nhà cửa. Chưa có nhà tái định cư, không việc làm, không ruộng đất, họ “sống nhờ” trong chính ngôi nhà của mình, cuốc cày trộm trong chính mảnh vườn thửa ruộng cũ. Tiền đền bù, theo thời gian đã tiêu gần hết.

“Điều chúng tôi lo lắng nhất là con em mình về sau sẽ lấy cái gì để đảm bảo cuộc sống? Chúng tôi không có nghề, đất nông nghiệp đã bị thu hồi, chắc những ngày còn lại, phải làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Lo nhất là tụi nhỏ…” - anh Tình chán nản. 

Gương mặt buồn bã của chị Đào, chị Nghĩa (thôn 7, xã Thạch Hòa). - Ảnh: K.T Gương mặt buồn bã của chị Đào, chị Nghĩa (thôn 7, xã Thạch Hòa). - Ảnh: K.T

Gương mặt buồn bã của chị Đào, chị Nghĩa (thôn 7, xã Thạch Hòa). - Ảnh: K.T

Gia đình anh Tình có 5 khẩu. Đứa con gái lớn của anh đang học ĐH ngoài Hà Nội. Số tiền đền bù anh được nhận hơn 500 triệu đồng, thế nhưng, chi phí cho các con, cho cả gia đình cũng chẳng còn là bao. Trong khi đó, chị Đào (vợ anh) đang mắc phải bệnh ung thư không có tiền điều trị. Anh Tình rầu rĩ: “Đồng tiền như miếng thịt chín, không giữ được lâu. Không có ruộng, mỗi ngày phải cấu véo mỗi tý, thì có núi cũng lở…”.

Chị Lan thì đăm chiêu: “Cháu nhà em đang học lớp 4 ở Trường tiểu học Thạch Hòa. Chỉ sợ, đến khi cháu lên cấp 2, không biết có trường nào nhận vào không, vì bây giờ chúng em không biết mình có hộ khẩu ở địa bàn nào, do ai quản lý. Nghe nói, người ta không nhận học sinh trái tuyến từ vùng nọ sang vùng kia, mà có nhận thì học phí cao lắm…”.

Hoang mang…

Trao đổi với VietNamNet, ông Dương Như Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa cho biết: Thạch Hòa là xã bị thu hồi đất lớn nhất huyện Thạch Thất để bàn giao mặt bằng cho các dự án. D án xây dựng ĐHQG chiếm hơn 1.000ha; dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc trên 650ha; ngoài ra các dự án khác xấp xỉ 400ha. Tổng diện tích đất bị thu hồi của Thạch Hòa trên 2.000ha, trong khi đó, tổng diện tích của xã Thạch Hòa trên 3.300ha, với 2.700 hộ dân.

Thế nhưng, xót xa nhất, trong số hơn 2.000ha đất bị thu hồi thì 60 – 70% là đất nông nghiệp, đất canh tác lúa nước.

Mô tả ảnh.

Khi tiền đền bù gần như đã tiêu hết, các hộ dân thôn 7 xã Thạch Hòa phải "cấy chui" và khai hoang mảnh vườn của mình ngày xưa đang bị bỏ hoang trong nhiều tháng để mưu sinh qua ngày, vì không còn ruộng và không có nghề trong tay. - Ảnh: K.T

30% còn lại, rơi vào đất nông trường 1A được chuyên dụng trồng chè và trồng cây lâu năm. Thời điểm trước khi nông trường 1A chưa giải thể, hàng ngàn công nhân làm việc tại nông trường này sống bằng tiền thu hoạch chè. Khi dự án xây dựng ĐHQG HN được quy hoạch tại đây, những công nhân này phải trả lại đất với tiền hỗ trợ, đền bù là 20 triệu đồng/1.000m2.  

Con đường đất dẫn ra khu trồng chè của nông trường cũ ngoằn ngoèo, phải vượt qua con suối ngập gần bánh xe máy. Từ khi đất nông trường bị thu hồi, nhiều công nhân bất đắc dĩ phải chuyển nghề, bám lấy đường quốc lộ mưu sinh. Tuy nhiên, nhiều người xót xa, nhớ nghề vẫn cố gắng bám lấy những đồi chè cũ kỹ, với hy vọng “vớt vát” được tý nào hay tý ấy.

Khi còn tồn tại, nông trường chè là nơi mưu sinh của hàng trăm lao động thuộc thôn 10, xã Thạch Hòa. Trên con đường đất ra khu trồng chè, tôi bắt gặp nhóm thanh niên đang cởi trần đảo chè, đóng chè vào bao tải. Tất cả đều trong độ tuổi 19, 20, những thanh niên vừa bước vào độ tuổi lao động. 

Em Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1990, thôn 10, xã Thạch Hòa) cho biết: “Bám” vào khu nông trường cũ, hiện còn chừng chục điểm thu mua, gom chè tươi để mang đi đổ sang mạn Phú Thọ, Vĩnh Phúc cho nhà máy chè. Mỗi điểm có khoảng chục thanh niên, những người nhấp nhỉnh độ tuổi như Phương làm thuê, bốc vác, đóng chè vào bao tải.

“Một tháng lao động chúng em được trả hơn 1 triệu. Đây vẫn là nguồn thu nhập chính của tụi em. Mai mốt, khi Trường ĐHQG được xây dựng, những vườn chè này sẽ bị phá bỏ, lúc ấy, không biết rồi em sẽ làm công việc gì để kiếm sống, vì hiện chưa có nghề gì trong tay cả!” – Phương cho biết.

Mô tả ảnh.

Phương - 19 tuổi, trú tại thôn 10, xã Thạch Hòa. Như nhiều người bạn trong xóm, các em làm công cho các điểm thu mua, hái chè... Khi dự án xây dựng ĐHQG HN tại xã Thạch Hòa, đất nông trường 1A đã bị thu hồi. Em băn khoăn và lo lắng, rằng mai này sẽ làm nghề gì để mưu sinh... Ảnh: K.T

Nỗi lo của Phương không phải không có cơ sở, bởi chính sách hỗ trợ nghề cho nông dân, người dân mất đất tại Thạch Hòa, được quy ra tiền. Tính cả tiền hỗ trợ mất việc làm, mỗi sào ruộng người dân được nhận tiền đền bù là 21 triệu đồng.

Ông chủ tịch xã Thạch Hòa cho biết: “Khi triển khai thu hồi đất cho dự án, ban giải phóng mặt bằng cũng đã có phương án hỗ trợ mất việc làm cho người dân. Mỗi người được hỗ trợ tiền này là 10.000đồng/m2”.

Chủ tịch xã Thạch Hòa thừa nhận: “Chính sách hỗ trợ mất việc làm cho nông dân bị thu hồi ruộng đất không giải quyết được tình hình thực tế. Đa số lao động trong tuổi lao động từ 50 tuổi trở xuống đều không xin được việc vì rất khó đào tạo nghề mới!”.

Ông Hưng cho hay, với hơn 2.000ha đất bị thu hồi, gần 2.000 hộ trên tổng số 2.700 hộ dân của xã Thạch Hòa thuộc diện di dời sang khu tái định cư mới. Tuy nhiên, khi được hỏi lý do tại sao, gần 3 năm trôi qua mà vẫn chưa có khu tái định cư giao cho người dân, ông Hưng giải thích: “Vì dự án vẫn còn bị treo, mà nguyên nhân “treo” là do… dự án làm đường cao tốc Láng – Hòa Lạc!?”. 

Mô tả ảnh.

Vấn đề mà những người nông dân này lo lắng, đấy là tương lai con em mình sẽ ra sao, khi bố mẹ không có gì để lại cho thế hệ con cái, hay không tìm cho con mình được nghề nghiệp nào phù hợp... - Ảnh: K.T

Khi được chất vấn về việc lý do làm sao những người dân phải sống lay lắt, tạm bợ, phải chấp nhận trở thành những người vô gia cư, “nhảy dù”, “ngụ cư bất hợp pháp” trong chính ngôi nhà mình, ông Chủ tịch xã Thạch Hòa, Dương Như Hương, giải thích: “Xã đã tạo điều kiện cho những nông dân bị thu hồi nhà cửa, ruộng vườn bằng cách, hàng tháng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân, không quá 300.000đ/khẩu/tháng và không quá 1.800.000đồng/hộ gia đình!”. Thế nhưng, số tiền ấy với những hộ dân không nhà, không cửa, không kế sinh nhai chẳng làm cho họ bớt cơ cực.

Một năm trước, nghe tin vùng quê mình được sáp nhập vào Hà Nội, hàng ngàn người dân “vô gia cư” bất đắc dĩ đã khấp khởi vì khi trở thành Hà Nội sẽ chấm dứt cảnh sống lay lắt, tạm bợ này.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.

Anh Diện - người nông dân thôn 7 đang đối diện với nguy cơ không có chỗ ở, vì cán bộ "khu công nghệ cao" thường xuyên đến yêu cầu, thúc ép anh phải dỡ nhà trả cho dự án... Trong khi đó, tấm biển "vị trí cổng Trường ĐHQG" và "khu dất tái định cư, giãn dân" đã trở nên cũ kỹ, rách nát vì dầm mưa dãi nắng và vì... chờ đợi dự án treo... Ảnh: K.T

Có thể, những người trong BGP mặt bằng các dự án treo nói trên, không thấy được những thanh niên vừa bắt đầu bước vào đời, với mong muốn bình dị “một tháng đi làm bốc vác, đóng bao chè cho các điểm thu mua để được nhận hơn 1triệu/tháng”, mà cũng vừa mừng, vừa lo vì cũng là “tranh thủ” dự án xây dựng Trường ĐHQG vẫn chưa “khởi động”!

Hơn 2.000ha đất nông nghiệp bị thu hồi, hơn 2.000 hộ phải di dời sang vùng đất mới. Thế nhưng, khu đất giãn dân vẫn còn đang ở mức “giải phóng mặt bằng” với tấm biển rách nát theo năm tháng. Có tới 2/3 tổng số người dân trên địa bàn xã Thạch Hòa đều cùng ở tình trạng như nhau, nên có lẽ Thạch Hòa sẽ “cháy” nhà trọ.

Vẫn lời ông Hưng: “Thạch Hòa là xã duy nhất đang được nhận cơ chế xin – cho vì không có nguồn thu, dù vẫn còn một phần ruộng đất canh tác, nhưng rất ít. Trừ đi phần đất thu hồi bàn giao cho các dự án, Thạch Hòa chỉ còn hơn 1.000ha chạy dọc theo đường quốc lộ!”. Đến lúc ấy, rất có thể Thạch Hòa sẽ còn có một cái “nhất” khác: xã có mật độ dân cư đông nhất… Hà Nội và tỷ lệ phi nông nghiệp cao nhất Thạch Thất!

Ông chủ tịch xã có thể không biết, những người làm dự án có thể không biết, nhưng chính quyền cấp trên không thể không biết những điều này. Nhưng vì sao cho đến giờ, những người dân đã hy sinh cho công cuộc hiện đại hóa lại đang phải sống như những kẻ “tị nạn” trên chính quê hương bản quán của chính mình.

  • Kiên Trung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,