– Đây là khẳng định của ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) về trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên của Việt Nam vừa tử vong.
Không nên hoang mang
Theo ông Nga thì tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 trên thế giới được xác định từ 0,2% đến 0,5%. Như vậy, cứ 1.000 người nhiễm cúm A/H1N1 thì lượng người tử vong vì cúm có thể dao động từ 2 đến 5 người.
“Đây cũng là tỉ lệ tử vong của các loại cúm thông thường khác. Do vậy, người dân không nên hoang mang”, ông Nga khẳng định.
Khi dịch mới vào Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã dự báo sẽ có những đối tượng có nguy cơ cao, vi-rút cúm sẽ tấn công hệ hô hấp, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong. “Do đó, điều này cũng không có gì là bất ngờ”, ông Nga nói.
Tang lễ chị L. được tổ chức tại gia đình - Ảnh: Lan Trang
Ông Nga cũng cho hay, bệnh nhân L. ở Khánh Hoà đã được xác định âm tính với vi-rút cúm A/H5N1. Như vậy, cúm A/H5N1 không phải thủ phạm khiến bệnh nhân này tử vong. Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong thì chưa thể xác định có đúng là do cúm A/H1N1 hay không.
Đây là trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên bị suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong, nhưng lại không nằm trong nhóm những đối tượng có nguy cơ lớn nhiễm và tử vong do cúm A/H1N1 (như phụ nữ có thai, trẻ em, người béo phì, người mắc bệnh mãn tính, …).
Tuy nhiên, theo ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương thì theo thống kê phân tích của Tổ chức y tế thế giới (WHO), có từ 30 đến 50% những người nhiễm cúm trên toàn cầu bị tử vong đều là những người khỏe mạnh, không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Cũng theo ông Dương, căn cứ vào những tính toán của WHO, trung bình sẽ có khoảng từ 22 đến 30% dân số mỗi nước trên thế giới có thể nhiễm cúm. Như vậy, ở Việt Nam sẽ có khoảng gần 30 triệu người dân có khả năng nhiễm cúm.
“Khi số người nhiễm bệnh càng lớn thì số người có nguy cơ tử vong cũng tăng theo. Do đó, nếu số bệnh nhân cúm ở Việt Nam ngày càng tăng trong thời gian tới thì số người có thể tử vong cũng sẽ cao hơn, dù xét về tỉ lệ tử vong là không lớn”, ông Dương nói.
Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi đã cử đoàn thanh tra vào Khánh Hòa làm việc, tiếp tục điều tra tiền sử bệnh nhân để có thể kết luận một cách chính xác bệnh nhân này tử vong vì lý do gì”.
Theo thông báo của Bộ Y tế, Ngày 4/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 10 ca, miền Bắc: 11 ca, miền Trung: 3 ca). Như vậy, tính đến 17h00 ngày 04/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận 995 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.
Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A/H1N1 hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).
Loại trừ bệnh nhân L. chết vì cúm A/H5N1
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 ở Việt Nam tử vong, chiều 4/8, bác sĩ Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ y cho biết, Viện Pasteur Nha Trang vừa thông báo kết quả âm tính đối với cúm A/H5N1 của bệnh phẩm lấy từ chị L. Như vậy lọai trừ chị L. bị một lúc 2 vi rút (H1N1 và H5N1) tấn công.
Trước đó, trưa 4/8, tại nhà cha mẹ chị Trần Thị Kim L. (khu Thánh Gia, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hoà), lễ viếng chị L. đã được tổ chức.
Ông Trần Ngọc T. (bố chị L.) cho biết, chồng chị L. còn đang túc trực bên linh cữu vợ ở nhà Đại thể bệnh viện tỉnh, chờ cả nhà và bà con xóm giềng sau lễ viếng đến đưa chị L. ra nghĩa trang phía Bắc, để hỏa táng, theo đề nghị của ngành y tế tỉnh.
Theo ông T., qua xét nghiệm, chồng chị L. và cháu Lê Trần Khánh N. (4 tuổi, con chị L.) cho kết quả âm tính với vi rút cúm A/H1N1. Từ lúc chị L. bị cách ly, chỉ có chồng chị (anh Lê Minh T., 29 tuổi, thợ hồ) được bố trí chăm sóc chị tại bệnh viện.
Chị L. mất, vợ chồng ông T. tính đưa 2 cháu ngọai về nuôi, vì hoàn cảnh anh T. công ăn việc làm thất thường, thu nhập thấp.
Lúc 14h20 chiều 4/8, tại Đài hóa thân thuộc nghĩa trang phía Bắc (TP Nha Trang), linh cữu chị L. đã được đưa vào hầm hỏa táng. Khác với trường hợp bình thường (gia đình được giao tro cốt sau 6 tiếng), gia đình chị L. sẽ được giao tro cốt vào 9h sáng 5/8.
Chiều 4/8, tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, Sở Y tế đã tổ chức họp khẩn cấp cùng đại diện Bệnh viện Đa khoa, Quân Y viện 87 và Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa về trường hợp tử vong của chị L.
Chiều ngày 4/8, Sở Y tế TP.HCM đã giải tán bệnh viện dã chiến tại trường Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, chính thức bàn giao lại môi trường sư phạm an toàn cho học sinh và cán bộ công nhân viên nhà trường. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM cho biết, 16 học sinh nhiễm cúm A/H1N1 đã khỏi bệnh và xuất viện, chỉ còn duy nhất một trường hợp đã được chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để tiếp tục điều trị. Trong thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã đi đôn đốc công tác phòng, chống lây nhiễm cúm A/H1N1 tại quận Tân Phú, Bình Tân và một số khu công nghiệp trên địa bàn… “Các đơn vị và người dân đã có ý thức và tích cực hơn trong việc phòng chống cúm”, bác sĩ Nghiệm nói. (Thanh Huyền) |
-
Cẩm Quyên - Lan Trang