221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1240788
Chuyện kể của những ngư dân trở về từ cõi chết
1
Article
null
Chuyện kể của những ngư dân trở về từ cõi chết
,

 Đã hơn 7 ngày trôi qua, trên gương mặt của những ngư dân trở về từ cõi chết nơi biển khơi xa vẫn chưa hết bàng hoàng. Bởi hơn 200 ngư dân của 17 con tàu đánh bắt không chỉ bị bão quật tơi bời, mà còn bị đánh đập, trấn cướp hết tài sản.

 

Bị sóng biển quần xéo suốt 3 ngày đêm trôi dạt tứ tán trên đường về với đất liền, những ngư dân đã kể lại cho phóng viên VietNamNet nghe những giờ phút kinh hoàng trên biển, đó là 3 lần thoát chết, hơn 192 giờ nghẹt thở vì cái chết treo lơ lửng trên đầu…

 

Nỗi kinh hoàng giữa biển xa

 

Hơn 2 ngày đêm bị bão dữ đuổi chạy giữa biển khơi xa, đến khi cùng đường, 17 chiếc tàu đánh cá của hơn 200 ngư dân đảo Lý Sơn và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn Quảng Ngãi đành chạy vào trú bão tại đảo Hoàng Sa lúc chiều tối ngày 28-9.

 

Lão ngư Nguyễn Văn Bay, vừa thoát chết trở về cùng 10 thuyền viên trên tàu QNg-5012 vẫn chưa hết bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến những giờ phút kinh hoàng mà theo lời ông kể là chưa từng thấy bao giờ. Lão ngư Nguyễn Văn Bay là một tài công cứng cựa đã từng lướt sóng cưỡi gió, ngạo nghễ trước những trận cuồn phong giữa biển khơi hơn 3 chục năm nay.

Ngu dan 3.JPG
Tàu anh Trương Minh Quang ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi trở về trong tơi tả vì bị bão đánh và bị cướp

 

Nhưng điều vừa làm ông bàng hoàng đó là cách con người ứng  xử với nhau. Ông đã tận mắt chứng kiến những người mặc sắc phục hải quân Trung Quốc đã nhẫn tâm đánh đập, hành hạ những bạn nghề của ông ngay tại quần đảo Hoàng Sa khi ông cùng hơn chục tàu cá vì cùng đường phải táp vào tránh cơn bão dữ hôm 28-9.

 

"Nhận được tin báo bão ngày 27-9, lúc đó tui đang điều khiển tàu ở toạ độ 16,04 độ vĩ bắc và115,01 độ kinh đông. Nhận được tin báo bão, tui cùng thuyền trưởng Nguyễn Văn Tàu ra lệnh cho tàu nhổ neo tìm nơi trú ẩn", lão ngư nhớ lại. 

 

Người đàn ông chưa từng biết khiếp sợ trước thiên tai kể rằng: Lúc đó bão chưa đến, nhưng gió đã bắt đầu săn lắm rồi. Sóng biển đánh trùm cả buồng lái, không thể chạy kịp về đất liền. Tui cùng anh em tát nước cố giữ tàu để chạy về đảo Hoàng Sa trú bão. Bão đuổi sát phía sau. Lúc đó tàu chết máy, không còn đường nào khác, tui gọi tàu QNg-90078-TS do anh Trương Minh Quang làm thuyền trưởng quay lại kéo tàu.

 

Thuyền trưởng, kiêm chủ tàu QNg-90078-TS Trương Minh Quang bất chấp hiểm nguy quay trở lại kéo tàu QNg-5012 bị chết máy trên đường chạy bão đuổi phía sau cùng với 14 tàu của bà con Lý Sơn đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, lúc đó khoảng 15 giờ chiều ngày 28-9. Lập tức đạn từ trên các tàu quân sự đang neo đậu trong cảng bắn ra xối xả.

Tài công Nguyễn Văn bay kiểm tra lại tàu bị cướp sau khi trở về đất liền
Tài công Nguyễn Văn bay kiểm tra lại tàu bị cướp sau khi trở về đất liền

 

Thuyền trưởng Trương Minh Quang, người đồng nạn với ông  Bay tiếp lời: “Trong lúc bấn loạn bão đuổi sau lưng, đạn bắn trước mặt, anh em trên các tàu quyết định đưa tàu ra xa cảng neo đậu. Đồng thời gọi điện về báo cáo với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi để can thiệp giúp đỡ.

 

Đến 21 giờ tối cùng ngày, gió giật mạnh, sóng lớn đánh trùm cả 17 tàu với hơn 200 con người (Trong đó 14 tàu của bà con đảo Lý Sơn và 3 tàu của xã Bình Châu, huyện Bình Sơn-P.V). Không chịu nổi với gió giật, lại mất liên lạc với đất liền. Không còn đường nào khác, anh em trên các tàu quyết định treo cờ trắng, đồng loạt nổ máy lao vào quần đảo Hoàng Sa mới có cơ may sống sót.

 

Rất may lúc đó gió thổi quá mạnh, đạn trên các tàu quân sự không bắn nữa, anh em trên các tàu của tụi tui mừng húm, ôm nhau khóc và bảo: Sống rồi…”

 

Thoát bão, gặp cướp

 

Sau hơn 2 ngày đêm trú tại quần đảo Hoàng Sa bị bão đánh tơi bời, bị người lạ xua đuổi, nhưng may mắn tất cả đều bình yên vô sự. Bão tan, trời yên, biển lặng, cả đoàn 17 tàu hối hả nhổ neo rời cảng để tiếp tục hành trình ra khơi.

 

Khi cả đoàn tàu nhổ neo chuẩn bị rời cảng thì bất ngờ một tàu chiến mang số hiệu 1312 đứng chắn ngang đường. Đồng thời một nhóm người lạ mặt mặc sắc phục hải quân Trung Quốc với súng ống trên tay cùng búa tạ, rìu, xà beng…nhảy sang các tàu của bà con ngư dân kiểm tra giấy tờ và lục soát.

NGU DAN.JPG
Thuyền trưởng Trương Minh Quang và thuyền viên Lê Trầm kể chuyện tàu bị bão đánh và bị cướp khi trú bão

 

Theo mô tả của thuyền trưởng Trương Minh Quang: “Lúc đó tui quá bất ngờ, chỉ nghe được một câu của nhóm người từ trên tàu chiến nhảy sang bảo: Thuyền trưởng đâu? Tui bước lên thì lập tức những họng súng đen ngòm chĩa vào bắt tui đưa tay lên đầu.

 

Một người lực lưỡng tiến đến bóp cổ tui và bắt đầu lục soát trên người tui và lấy đi chiếc đồng hồ, dây chuyền vàng cùng khoảng trên 800.000 đồng trong túi. Quá hoảng sợ, tui bảo anh em lột hết đồ đưa cho họ để khỏi bị đánh và giữ mạng sống. Còn người là còn của mà…”

 

Một ngư dân khác cùng tàu với anh Quang là Trương Văn Trầm có lẽ trông to con, nên bị đánh phủ đầu bằng mấy bạt tai ngã chúi xuống sàn tàu và bị bóp cổ. Chưa hết, chúng nhẫn tâm lột nốt chiếc đồng hồ trên tay người ngư dân đáng thương này.

 

“Họ đông quá, lại có vũ khí cùng rìu, búa…, tui sợ quá núp sau buồng lái thì một người cao to bước đến giáng thẳng vào mặt tui hai bạt tai, máu chảy tràn lên mặt, tui bất tỉnh ngã ra sàn tàu…” Anh Trầm kể lại trong nỗi bàng hoàng.

 

Chưa buông tha, những người này còn dùng búa đập phá một số phi đựng nước và không quên cướp luôn mấy thùng dầu, máy Icom đường dài, máy tầm ngư, máy định vị. Rồi họ còn thẳng tay dùng búa chặt đứt toàn bộ dây lặn và cướp toàn bộ số hải sản trước khi bỏ sang tàu khác. Rất may là chiếc la bàn gắn trước buồng lái bọn chúng không lấy, nên còn cái để mà biết phương hướng tìm đường chạy về.

 

Cùng chung số phận với tàu của anh Quang, chiếc tàu gặp nạn chết máy trên đường chạy tránh bão được anh Quang kéo chạy tránh bão của ông Nguyễn Văn Tàu cũng cùng chịu chung thảm nạn cướp giật, đập phá, và thuyền viên bị đánh bầm dập.

 

Cũng theo lời ông Quang: nhóm của ông vẫn may hơn nhiều ngư dân trên các tàu ở Lý Sơn. Do các tàu này đã tìm cách cất giấu tài sản trước khi bọn cướp ập đến, vì không thấy đồ có giá trị, nên nhóm lính này đánh đập các ngư dân rất dã man bắt khai chỗ giấu máy móc và tài sản.

 

Nhiều thuyền viên trên tàu của ngư dân Lý Sơn bị đánh tơi bời rất thương tâm. Câu chuyện kinh hoàng trong những ngày tránh bão số 9 tại Hoàng Sa được cha con ông Dương Văn Thọ kể lại với gương mặt vẫn chưa hết kinh hoàng.

 

Sáng 30.9, khi tàu chuẩn bị nhổ neo ra khơi thì tàu ông bất ngờ bị một toán người súng ống lăm lăm trên tay nhảy lên. "Lúc đó, tui và anh em trên tàu bất ngờ, vì cứ đinh ninh rằng tàu của bà con mình cũng như tàu các nước khác vào tránh bão xong là đi, nên chắc không bị tra hỏi.

 

Ai ngờ cả chục nòng AK chĩa vào, mọi người chỉ còn biết quỳ xuống, giơ hai tay lên đầu. Đi cùng toán cướp là một viên sĩ quan nên không ai bị đánh đập, nhưng đồ đạc bị thu gom một cách nhanh chóng: máy Icom, máy đo nước, bốn cuộn dây lặn, định vị…Toàn bộ tài sản trên tàu bị cướp sạch chỉ còn lại duy nhất con tàu với chiếc la bàn. Cướp xong, toán người này bỏ sang các ghe khác…”, ông Thọ vẫn nhớ tường tận.

 

Thấy người lạ nhảy lên các tàu phía ngoài, các ông Lê Đủ, ông Nguyễn Lưu…đã tranh thủ tìm cách cất giấu tài sản khi nhóm người này chưa kịp tiến đến gần. Do vậy khi không thấy tài sản, họ đã xông vào đánh đập dã man các thuyền viên.

 

Khi nhóm cướp nhảy lên tàu cầm dao dí vào mặt hỏi máy Icom đâu? Ông Đủ lắc đầu trả lời không biết. Cùng lúc đó sợi dây chuyền trên cổ ông lòi ra. Lập tức một tên đứng gần lao vào giật sợi dây đút ngay vào túi.

 

Các tên khác trong nhóm cướp ra hiệu cho mọi người trên tàu lột đồ trong túi. Biết sẽ bị đánh, nên ông Đủ móc điện thoại và số tiền còn để chúng không đánh bạn ghe.

 

Vậy mà trước khi bỏ đi, nhóm người này còn cầm búa bằm nát tám cuộn dây lặn. Nhưng hai tên trong toán quay lại hỏi máy móc, ông Đủ chỉ sang ghe bên cạnh nói hai ghe đi chung nên chỉ có một máy (đã bị thu).

 

Tàn nhẫn hơn, khi thấy em Lê Hợp (con út ông Đủ, 15 tuổi) nhỏ bé nhất, hai tên xốc thằng bé đặt nằm vắt mình bên cửa cabin tàu bắt đầu tra tấn.

 

Hai tên to vật vã bắt đầu đấm đá, tát tai làm em tối tăm mặt mũi. Rồi giày đinh thi nhau đá vào mạn sườn, em bị ngất lúc nào không hay. Đến lúc đó bọn chúng mới bỏ đi…”, em Lê Hợp kinh hãi kể lại.

 

Thấy toán lính nhảy xuống các tàu bên, hai cha con ông Lưu đã kịp thời chôn máy móc, điện thoại vào thùng gạo ở gầm tàu.

 

Khi toán lính ập vào, thấy cục sạc pin điện thoại ở góc, tất cả lao vào tra tấn những người trên tàu để tìm điện thoại. Cả hai cha con bị đánh rất nặng, đứa con tên Tâm, 19 tuổi, sau hàng loạt cú đấm vào mặt máu chảy đầm đìa và giày đinh đá vào mạn sườn không chịu nổi đòn đau đã phải khai ra nơi cất giấu.

 

Trận đòn cứ thế tiếp diễn và càng nặng hơn. Cả hai cha con ông Lưu và 12 thuyền viên trên tàu bị đánh nặng nhất vì tội “nói dối, không chịu khai”.

 

Ông Lưu nhớ lại: “Hơn 30 phút đánh đấm trên tàu, khi 13 thuyền viên trên tàu mặt đầm đìa máu và ngã gục vì ngất, cuối cùng đám lính cũng bỏ đi, nhưng không quên đập phá những gì có thể và cướp tất cả đồ đạc, trừ chiếc la bàn gắn trên cabin, vì nó không có giá trị…”

Ngu dan 2.JPG
"Toàn bộ máy móc thiết bị đều bị cướp..." - thuyền trưởng Trương Minh Quang kể và chỉ vị trí bị đánh, cướp trên tàu.

 

Cuộc bố ráp, cướp bóc, đánh đập tàn nhẫn các ngư dân trên 17 tàu của bà con xã An Hải đảo Lý Sơn và Bình Châu, Bình Sơn Quảng Ngãi diễn ra từng chiếc tàu một. Xong tàu này, chúng nhảy ngay sang các tàu khác.

 

Vẫn điệp khúc đánh, đe doạ bằng vũ lực, bằng những họng súng đen ngòm, bằng dao, búa, xà beng và cướp tất cả những gì trên tàu có thể cướp được. Đập phá tất cả những gì chúng nhìn thấy, từ máy móc, thực phẩm, thùng chứa nước ngọt đều bị băm thủng, đập bể.

 

Tính bình quân, tài sản gồm máy móc phục vụ đánh bắt như Icom, định vị, dây lặn, dầu…mỗi tàu bị mất khoảng 80 triệu đồng, đó là chưa kể những thiệt hại khác không thể tính được bằng tiền.

 

Sau hai ngày đêm bị bão đánh tơi tả. Khi bão tan, lại bị cướp và bị đánh, 17 tàu đánh bắt của bà con ngư dân lại càng tả tơi hơn. Trên đường trở về đất liền, các tàu đánh bắt không còn máy móc liên lạc, chỉ trông chờ vào chiếc la bàn nhỏ xíu dò dẫm tìm đường về và tiếp tục bị sóng biển sau bão tiếp tục đánh trôi dạt tứ tán.

 

 

Nghe lời kể của ngư dân bị nạn

 

 

Thu thập thông tin ngư dân bị ngược đãi

Trao đổi hôm 13/10 về thông tin hơn 200 ngư dân VN khi trú bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa bị người phía Trung Quốc đánh đập, cướp bóc, cả ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam và ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội, đều cho biết đã biết thông tin về vụ việc này.

Theo ông Trần Cao Mưu, đến chiều tối 13/10, Hội vẫn chưa nhận được báo cáo hay văn bản chính thức từ phía chính quyền tỉnh Quảng Ngãi về vụ việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Hội đã cơ bản nắm bắt được tình hình.

Dù chưa nhận được báo cáo, nhưng theo ông Mưu, nếu đúng như những gì báo chí đưa tin thì đây là sự việc nghiêm trọng và lãnh đạo Hội đã thống nhất: Khi nhận được báo cáo chính thức của Quảng Ngãi, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ có văn bản chính thức gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối hành động ngược đãi ngư dân.

Ông Mưu cho rằng hành động ngăn cản, không tiếp nhận và cứu hộ người bị nạn khi gặp bão trên biển của bất kỳ ai đều là hành động không nhân đạo, không tuân thủ quy định quốc tế về cứu hộ người gặp nạn trên biển.

Đặc biệt, ngược đãi, đánh đập ngư dân, trong đó có trẻ em và cướp bóc, phá hoại tài sản, ngư cụ của ngư dân sau khi đã cho trú tránh bão là một hành động dã tâm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn để thu thập thông tin từ các ngư dân bị phía Trung Quốc hành hung, tịch thu tài sản trong lúc 21 tàu xa bờ vào quần đảo Hoàng Sa trú bão số 9.

Ngay sau khi thu thập đầy đủ thông tin, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có văn bản báo cáo chính thức gửi Bộ Ngoại giao và Hội Nghề cá Việt Nam để có giải pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. (Tuổi Trẻ)

 

  • Hoàng Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,