– Sau loạt phóng sự truyền hình của VietNamNet về các loại mỡ bẩn được chế biến và lưu thông tràn lan trên thị trường, không có ai quản lý, hàng ngàn bạn đọc đã gửi phản hồi bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ.
Độc giả bức xúc vì “dân ta tự hại dân mình”, sức khỏe của người tiêu dùng bị chính đồng bào coi rẻ. Độc giả phẫn nộ vì cơ quan chức năng (chẳng lẽ được ăn lương từ tiền thuế của dân) lại phải “bó tay” với những kẻ “giết người không dao”?
Không có lương tâm mới kinh doanh như thế
Tôi thực sự bị sốc khi xem các đoạn video trên, tôi không thể tưởng tượng được. Vì đồng tiền mà họ có thể bất cứ thứ gì, bất chấp sức khỏe bao nhiêu người.
Tôi đã ở Tiệp Khắc gần 30 năm nay, thường xuyên theo dõi sự thay đổi bộ mặt của đất nước, sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tôi thấy vui vì đất nước mình ngày càng hiện đại, văn minh. Nhưng đã có nhiều người Tiệp Khắc nói chuyện với tôi. Họ thường mở đầu câu chuyện bằng lời than phiền và cái phẩy tay lắc đầu vì hàng hóa hay thứ gì đó thuộc về Việt Nam mình. Liệu một người ngoại quốc xem được những clip như thế này, họ sẽ nghĩ gì, nói gì? (Bạn đọc Nguyễn Quốc Tuấn, từ CH Séc).
Khoảng 60 tấn mỡ thối nhét trong các bao tải lớn đã được cơ quan công an phát hiện tại huyện Đông Anh (Hà Nội) vào những ngày cuối tháng 9/2009. Số mỡ này sau đó được xử lý hóa chất rồi quay lên thành mỡ nước, rồi đem tiêu thụ tràn lan trên thị trường, len lỏi vào các quán ăn, được sử dụng cho nhiều loại thực phẩm đường phố (Ảnh: Cao Minh) |
Đã có quá nhiều câu chuyện đề cập tới việc "người mình tự giết lẫn nhau" được báo chí cũng như các cơ quan chức năng phát hiện, làm rõ... Nhưng theo tôi, đó cũng chỉ là những phát hiện nhỏ của các lực lượng chức năng trong rất nhiều "cái sai lớn" đang được che giấu, lẩn khuất trong dân chúng... Lâu nay, chúng ta hay nói tới "lương tâm" con người - một thứ "ai cũng có", tôi nghe thấy nó "nhàm" quá. Kêu gọi mãi mà vẫn thấy sai phạm (Bạn đọc Lê Hoàng, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội).
Thật đau lòng khi những người chế biến thực phẩm mà không biết đến vệ sinh an toàn, những người có trách nhiệm sao không thấy đâu, nó làm cho thế hệ tương lai con em chúng ta phải chịu hậu quả như thế nào? Đừng vì đồng tiền mà bất chất tất cả như thế ... Làm người phải có lương tâm .... (Bạn đọc Phùng Thị Thu Vân)
Ngày nay, sức khỏe con người có thể coi là cái rẻ nhất và bị xem nhẹ nhất. Hàng loạt các vụ việc về mất vệ sinh an toàn thực phẩm được báo chí đưa ra. Trước kia là phở có phoóc môn, là rau rửa nước cống, ướp hóa chất cho các loại quả, giờ là bánh trung thu bị mốc, chế biến bì lợn...
Thiết nghĩ, những người dân chúng ta hiện nay muốn có một sức khỏe tốt, cần phải có một cái nghề riêng, đó là nghề trồng rau, chăm gia súc, gia cầm (!) để có thể tự tay mình làm ra những thực phẩm an toàn cho chính sức khỏe mình (Trần Ngọc Linh, đường Láng, Đống Đa, Hà Nội)
Cơ quan chức năng bó tay?
Xem video xong tôi cảm thấy thực sự rùng mình. Tôi nghĩ phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về các chủ hộ làm ăn theo kiểu tự phát như thế này. Họ cần có sự cam kết và có giấy chứng nhận của cấp phường xã quản lý, không thể có kiểu cá nhân làm mà cán bộ chính quyền lại bảo không biết, không biết thì tồn tại cán bộ chính quyền để làm gì? (Bạn đọc Hoàng Thành Môn, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Với tư các công dân Việt Nam, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng điều tra, kiểm soát chặt chẽ và bắt ngay các xe có biển (chở mỡ, bì lợn bẩn) đó. Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, cũng như lợi ích quốc gia. Và hơn nữa, nó còn ảnh hưởng tới niềm tin, tâm lí của người tiêu dùng về các thực phẩm trong nước.
Cơ quan chức năng bó tay trong việc ngăn chặn sự vận chuyển, tái chế và sử dụng mỡ thối? (Ảnh: P.Thái)
Bánh trung thu dùng mỡ bẩn, quẩy ăn phở rán bằng dầu bẩn, rau xanh phun thuốc trừ sâu, phân bón hoá học, thuốc kích thích, v.v…? Nhiều khi tôi phải tự hỏi: Tình trạng trên có phải do cơ quan chức năng đã quản lí lỏng lẻo hay không? Hay thái độ vô trách nhiệm của họ đã dung túng cho những người dân cố tình không hiểu rồi làm liều? (Bạn đọc Nguyen Nhan, Hà Nội).
Tôi không hiểu cán bộ kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm các cấp đâu rồi? Các ngành chức năng đâu rồi? Sao không kiểm tra xem họ làm gì? Nếu cứ để thế này, dịch bệnh bùng phát sẽ chết hàng loạt dân mất thôi. Nếu không thì không biết cơ quan chức năng được dựng lên để làm gì nữa? (Bạn đọc Nguyễn Xuân Chuân)
Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp cứng rắn, đảm bảo an toàn cho hàng triệu con người Việt Nam. Đây là yêu cầu tối thiểu về quyền con người, đồng thời cũng là bộ mặt của đất nước (Một bạn đọc từ Nhật Bản).
Trông thấy hình ảnh này mới hiểu vì sao mầm mống bệt tật ngày càng phát triển nhiều. Người tiêu dùng biết kêu ai bây giờ, trong khi đó chính quyền sở tại làm ngơ để cho họ kinh doanh những thực phẩm kém phẩm chất lượng, mất vệ sinh kinh khủng. Dân không thể nhịn ăn, nhưng ăn ở chỗ nào bây giờ cũng lo ngay ngáy, chỉ là nhắm mắt làm ngơ để nuốt thôi (Bạn đọc Hữu Sơn, đường Huỳnh Văn Bánh, TP.HCM).
Tôi thấy nguyên nhân cốt lõi là cơ quan chức năng bất lực nên mới dẫn đến sự việc này. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói, đó là “cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác”. Cái thiện khó thắng cái ác, do đó đừng hi vọng và trông đợi sự thay đổi nhận thức ở những người kinh doanh.
Các cơ quan chức năng hãy tăng cường kiểm tra, giám sát, hãy làm việc hết trách nhiệm đi, tăng cả khung hình phạt lên. Theo tôi những vụ như thế này không chỉ phạt hành chính, vì quá nhẹ so với lợi nhuận họ thu được, mà phải truy tố trách nhiệm hình sự, vì thực tế thực phẩm này rất nguy hại cho xã hội, nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho thế hệ tương lai của dân tộc. Có như thế thì mới hạn chế và tiêu diệt bớt được những kẻ “giết người không dao” như thế này (Một cán bộ tỉnh Bắc Ninh).
Tôi không hiểu có các ông trưởng thôn làm gì, rồi cán bộ thanh tra y tế ở đâu mà để mấy trăm hộ dân xây dựng thành làng chế biến mỡ với vệ sinh tệ hại như thế? Các cơ sở sản xuất này ngày nào còn tiếp tục hoạt động thì vẫn còn gây ô nhiễm môi trường và gây hại tới sức khoẻ người tiêu dùng (Bạn đọc Nguyễn Văn Kiêm).
Quản lý thị thường, cơ quan y tế là những nơi người dân đặt niềm tin. Tình cảnh như trên người dân không biết phải giao tính mạng và sức khỏe cho ai đây? Ngộ độc thực phẩm, bệnh dịch tả... chẳng phải quá rõ ràng “bắt tận tay, day tận mặt" hay sao mà ngành y tế cứ phải đau đầu tìm nguyên nhân? (Bạn đọc Đức Biên, Quận Bình Thạnh, Tp. HCM).
Câu hỏi đặt ra là chính quyền phải làm những bước gì cụ thể để đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng? Và chính quyền giúp gì được cho các hộ gia đình sản xuất để họ chuyển đổi công nghệ bẩn nguy hại cho sức khỏe cộng đồng sang công nghệ sạch hơn? Chính quyền có kiên quyết chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất quá bẩn và không chịu chuyển đổi sang công nghệ sạch hơn? Xã hội chúng ta trì trệ quá: chính quyền làm ngơ, không ai phải chịu trách nhiệm cá nhân trước cộng đồng. (Một bạn đọc ở Đà Nẵng).
Đề nghị mở rộng kiểm tra nhiều loại thực phẩm khác
Mì tôm là loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn (nhất là loại mì cân, giá rẻ, hợp túi tiền đại đa số người lao động bình dân). Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra các nhà máy sản xuất mì tôm xem họ dùng loại mỡ gì để chế biến (Bạn đọc Phạm Văn Thắng, Thanh Hóa).
Người dân yêu cầu cơ quan chức năng mở rộng kiểm tra độ an toàn về vệ sinh của nhiều loại thực phẩm thông dụng khác (Hàng quán vỉa hè sử dụng mỡ nước rất nhiều vì giá thành rẻ. Ảnh minh họa: Phạm Hải)
Ở TP. Hồ Chí Minh, buổi sáng có rất nhiều chỗ bán bánh mì bì heo chan nước mắm dọc theo một số con đường, được biết giá cũng rất "mềm" và có không ít người tấp vào mua rất ư là "vô tư", nghe nói chưa thấy có ai có "vấn đề" gì khi ăn loại bánh mì bì này, hoặc là nếu có gì thì cứ bấm bụng mà chịu chứ không dám kêu ca.
Không biết cơ quan chức năng đã có để mắt đến loại quà sáng này hay chưa và chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm của loại bì này có đảm bảo hay không? Có lẽ, loại "thức ăn sáng nhanh" này cũng quá nhiều nên quản không xuể, thôi thì cứ trông vào ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân hoặc "may nhờ, rủi chịu" và "trời kêu ai nấy dạ" mà thôi! (Bạn đọc Lê Văn Ngọc Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Thông qua ý kiến phản hồi, nhiều bạn đọc cho rằng mất vệ sinh đã trở thành bệnh “mãn tính” của thực phẩm Việt Nam.
Phải nói thật là những sự việc này đã xảy ra từ rất lâu rồi có lẽ là 5-10 năm nay hoặc có thể còn hơn thế nữa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thật kinh khủng khi được xem đoạn phóng sự này. (Một bạn đọc từ Hà Nội)
Sở dĩ, những hiện tượng "trái lương tâm" vẫn hàng ngày diễn ra chủ yếu do một bộ phận người dân thiếu ý thức. Ở Việt Nam mình, người tiêu dùng đã quá quen với cái chuyện mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức kinh doanh là một cái gì đó thực sự rất xa xỉ.... Vì thế khi đi ăn bên ngoài mọi người cần xác định trước: “Đã ăn thì đừng nhìn, mà đã nhìn thì đừng ăn” (Một bạn đọc từ Hàn Quốc).
-
Cẩm Quyên (Tổng hợp)