- Các dịch bệnh sau bão lũ như đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt siêu vi… đang có nguy cơ bùng phát ở Đà Nẵng.
Một tuần sau bão số 9, nước lũ đã rút nhưng nhiều nơi trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, bệnh ngoài da... Trạm Y tế phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, ở các tổ dân phố Khuê Đông 1, Khuê Đông 2, Mân Quang 1, Mân Quang 2, An Lưu đã xuất hiện 20 ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ), chủ yếu là người lớn tuổi.
Cán bộ y tế dự phòng Đà Nẵng tập trung xử lý giếng nước cho người dân ở các vùng ngập lụt Ảnh: HC
Tại các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, huyện Hoà Vang cũng tiếp nhận hàng trăm ca mắc bệnh tiêu chảy, đỏ mắt, sốt siêu vi đến khám và điều trị. Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, nước ăn chân xuất hiện ngày càng nhiều khiến một số tuyến y tế cơ sở bị quá tải.... Dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, nhất là những bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm, khiến người dân rất lo lắng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, 1 tuần sau bão, Đà Nẵng đã có gần 300 trường hợp bị tiêu chảy, sốt siêu vi, đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị. Số trường hợp mắc bệnh đi khám tại phòng khám tư nhân và tự mua thuốc chữa trị còn lớn hơn nhiều.
Trước tình hình này, ngành y tế Đà Nẵng đã cấp cho các quận, huyện 190.000 viên cloramin B, 215 kg cloramin B bột để xử lý môi trường và khử khuẩn giếng nước trong dân. Đến nay, TP đã xử lý gần 16.700/18.000 giếng nước bị ngập lụt. Riêng huyện Hòa Vang xử lý trên 5.000 giếng bơm bị ngập lụt sau bão để trả lại nguồn nước sạch cho người dân.
Lực lượng cán bộ y tế dự phòng được tăng cường xuống các địa bàn xung yếu để tập trung xử lý môi trường, ưu tiên phun thuốc khử độc tiêu trùng tại tất cả các trường học, chợ và khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt tại các khu dân cư. Tuyến đường dẫn phía
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Trung tâm Quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn đã bàn giao cho Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng 705kg hóa chất làm trong nước dùng trong sinh hoạt, ăn uống để hỗ trợ cho người dân các vùng ngập lụt có nguồn nước giếng bị ô nhiễm. Số hóa chất này đã được phân bổ đến các trạm y tế xã, phường để cấp phát cho dân, trong đó nhiều nhất là huyện Hòa Vang, các quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn.
Hiện Sở Y tế Đà Nẵng đã tiếp tục làm tờ trình xin Bộ Y tế cấp thêm 2.000kg cloramin B bột và 500.000 viên cloramin B để phân phối cho các cơ sở y tế địa phương.
-
Hải Châu