- Chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân cho rằng bùn thải ở KCN này vô hại nhưng theo Cục Cảnh sát môi trường đây là chất thải nguy hại.
“Nếu chưa có những kết quả nghiên cứu cụ thể về bùn thải mà chúng ta vội đưa ra kết luận, cho phép sử dụng nó làm phân bón thì rất nguy hiểm. Nếu căn cứ vào văn bản của Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) TP.HCM mà lấy bùn thải ở KCN Lê Minh Xuân đi bón rau hoặc cây lương thực thì… chết!” - TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu HĐND TP.HCM bày tỏ lo lắng trước những thông tin khác nhau về việc xử lý bùn thải ở KCN Lê Minh Xuân, tại buổi giám sát tình trạng ô nhiễm ở KCN này, sáng 6/10, do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM chủ trì.
Hướng dẫn kiểu “hàng hai”
Ông Mai Hữu Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (chủ đầu tư KCN Lê Minh Xuân) cho biết, bùn thải sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Lê Minh Xuân đã được tiến hành lấy mẫu và phân tích tại Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường, Trung tâm Dịch vụ môi trường và thí nghiệm TP.HCM.
Kết quả, hàm lượng kim loại nặng và hợp chất vô cơ, hữu cơ đều đạt dưới ngưỡng chất thải nguy hại. Do đó, KCN Lê Minh Xuân đã kiến nghị Sở TN- MT TP.HCM loại bùn thải ra khỏi danh sách chất thải nguy hại và xử lý như bùn thải thông thường.
Đoàn đại biểu HĐND TP.HCM giám sát KCN Lê Minh Xuân sáng 6/10. Ảnh Nhật Tân |
Theo văn bản phúc đáp của Sở TN- MT, bùn thải ở KCN Lê Minh Xuân có thể được xử lý theo hai phương án. Cụ thể, bùn có chứa kim loại nặng và chất thải nguy hại phải được xử lý bằng phương án đốt, hóa rắn hoặc ổn định kim loại nặng. Đối với bùn có chứa các chất hữu cơ và khả năng phân hủy sinh học, không chứa chất nguy hại thì được sử dụng sản xuất phân compost, chế biến phân bón sử dụng cho các loại cây (trừ cây ăn trái và các loại ngũ cốc).
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, nếu căn cứ vào công văn trên và báo cáo của KCN Lê Minh Xuân, có nghĩa là bùn thải ở KCN này vô hại và có thể dùng để bón rau thì điều này hết sức nguy hiểm.
PGS-TS Lê Văn Trung, đại biểu HĐND TP.HCM cũng cho rằng, hướng dẫn của Sở TN-MT giống như kiểu “hàng hai”, không có tính khả thi vì không thể tách kim loại ra khỏi bùn được.
Do đó xem việc quản lý, xử lý bùn thải ở KCN Lê Minh Xuân như bùn thải bình thường hay như chất nguy hại cũng giống như trái bóng muốn đá qua đá lại cũng được.
“Quên” chứng cứ của C36B
Theo tìm hiểu của VietNamNet, việc lấy bùn thải bón cây ở KCN Lê Minh Xuân đem bón cây là sai quy định. Vụ việc này đã được Cục Cảnh sát môi trường phía Nam (C36B) phát hiện và ngăn chặn từ tháng 4/2009.
Kết quả phân tích mẫu do C36B thực hiện trong tháng 4/2009 cho thấy, số bùn thải dùng bón cây ở KCN Lê Minh Xuân là chất thải nguy hại, trong đó một số mẫu có kim loại nặng như crôm vượt ngưỡng nguy hại 3,2 lần, niken vượt ngưỡng nguy hại 1,3 lần.
Đến tháng 7/2009, C36B tiếp tục lấy mẫu bùn thải ở nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Lê Minh Xuân giám định kết quả vẫn cho thấy đây là chất thải nguy hại, hàm lượng crôm và niken vẫn vượt ngưỡng nguy hại 1,88 và 1,84 lần.
Theo C36B, bùn thải ở KCN Lê Minh Xuân là chất thải nguy hại, không thể bón cây được. Ảnh: Nhật Tân. |
Ngày 5/8/2009, tại buổi làm việc với chủ đầu tư KCN Lê Minh Xuân, đoàn kiểm tra của C36B vẫn khẳng định bùn thải sau nhà máy xử lý là chất thải nguy hại. Khảo sát tại một số khu vực đổ bùn thải ở KCN Lê Minh Xuân, C36B nhận thấy lá cây có hiện tượng úa vàng.
Theo tính toán của C36B, từ năm 2007 đến hết tháng 4/2009, KCN Lê Minh Xuân đã đổ 5.394 xe bùn thải nguy hại (tương đương trên 1,6 triệu kg) ra môi trường.
Ngoài vi phạm về quản lý bùn thải nguy hại, C36B còn phát hiện nước thải phía sau nhà máy xử lý nước thải nguy hại tập trung của KCN Lê Minh Xuân cũng vượt tiêu chuẩn cho phép. Chỉ tính từ năm 2007 đến hết tháng 4/2009, tuy chưa được cấp phép xả thải vì thường xuyên vận hành không đạt tiêu chuẩn môi trường nhưng nhà máy này đã xả ra môi trường gần 2 triệu m³ nước thải.
-
Nhật Tân