- Thay vì đưa chất thải nguy hại về nhà máy xử lý ở tỉnh Tiền Giang, người của Công ty Sao Mai Xanh lại đưa về vựa ve chai ở huyện Bình Chánh, TP.HCM để… chôn.
Sau gần 2 tháng điều tra kể từ khi phát hiện nhiều đống chất thải được chôn giấu ở một khu đất rộng 1.460m2 tại số 4A/121, ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC 36) – Công an TP.HCM xác định, đây là một vụ vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường dưới chiêu thức mới, tinh vi: Núp bóng vựa ve chai để thu gom chất thải nguy hại về chôn lấp, lấy tiền… xử lý.
Trước những chứng cứ PC 36 thu thập được, vụ việc có liên quan đến Công ty TNHH Sao Mai Xanh - đơn vị xử lý chất thải nguy hại vừa bị xử phạt về hành vi chôn chất thải nguy hại ngay dưới nền nhà xưởng, tại tỉnh Tiền Giang.
Chôn hơn 670m3 chất thải độc hại
Giữa tháng 7/2009, từ tin báo của người dân về những mùi hôi khó chịu phát ra từ khu đất nói trên, trinh sát của PC 36 đã đến hiện trường và phát hiện tại đây có rất nhiều chất thải nguy hại được chôn lấp.
Một góc bãi chất thải nguy hại được chôn lấp ở khu đất – vựa ve chai tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Nhật Tân |
Sau đó, PC 36 kết hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM lập đoàn kiểm tra, tiến hành xác định khối lượng chất thải ở khu đất này.
Kết quả xác định tính được, thể tích chất thải chôn lấp chiếm trên 670m3, gồm nhiều dạng khác nhau. Dạng rắn có các chất như sợi thủy tinh, hạt trao đổi ion, cặn sơn, lon mực in, bóng đèn huỳnh quang… Dạng bùn có các chất như bùn thải màu trắng, đen, nâu, xanh, đỏ, tím, vàng… có mùi dung môi hữu cơ; có mỡ bò, cặn dầu thải, bao bì dính hóa chất.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều hố chôn kem đánh răng hiệu Colgate bị cắt đôi và bao bì mỹ phẩm hiệu Biore.
Đoàn kiểm tra lấy 10 mẫu chất thải (trong đó có 1 mẫu đất) ở 10 vị trí khác nhau và 2 mẫu nước tại mương chôn chất thải để phân tích. Kết quả, có đến 4 mẫu chất thải có hàm lượng hợp chất mạch vòng Xylene và Toluene vượt ngưỡng nguy hại nhiều lần (đây là các hợp chất thường có trong dung môi hữu cơ, thuốc trừ sâu...). Một trong 2 mẫu nước xét nghiệm cũng có hàm lượng Crom vượt tiêu chuẩn cho phép.
Qua điều tra của PC 36, lô đất trên hiện thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Vũ Văn Kim - Phạm Thị Thúy (ngụ tại phường 1, quận 5, T.HCM). Tuy nhiên, ông Kim cho biết, từ tháng 12/2007 đến tháng 11/2008 có cho vợ chồng Trần Thị Ngọc Oanh – Ngô Thanh Hồng (ngụ tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) thuê lô đất này để mở vựa ve chai, thu mua phế liệu. Khi hết hợp đồng thuê đất, vợ chồng Oanh – Hồng không giao trả mặt bằng ngay mà đến ngày 28/5/2009 mới giao trả.
Lộ diện thủ phạm
Theo PC 36, Ngô Thanh Hồng từng làm việc cho Công ty TNHH Sao Mai Xanh. Công ty này hành nghề xử lý chất thải nguy hại, có nhà máy xử lý tại tỉnh Tiền Giang.
Để chất thải phát tán sẽ rất nguy hiểm |
Khai thác thông tin từ Tạ Văn Phúc - người trông coi vựa ve chai cho vợ chồng Oanh – Hồng, PC 36 biết được, Hồng là người trực tiếp đến các công ty có ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với Công ty Sao Mai Xanh để thu gom chất thải đưa về vựa ve chai cho Phúc phân loại lấy phế liệu, còn chất thải nguy hại thì đem chôn lấp.
Làm việc với Phan Văn Chúc - tài xế chở chất thải cho Hồng, PC 36, ghi nhận, vào khoảng tháng 7-8 năm 2006 Chúc được Hồng thuê chở chất thải từ Công ty sơn TOA VN và Công ty YASAKI (tỉnh Bình Dương) về Tiền Giang với giá 900.000 đồng/chuyến. Song đến cuối năm 2007, thay vì chở về nhà máy xử lý ở Tiền Giang, Hồng yêu cầu Chúc chở chất thải về vựa ve chai ở ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá 350.000 đồng/chuyến.
Tiến hành xác minh tại Công ty sơn TOA VN, PC 36 thu thập được các chứng từ cho thấy từ tháng 7/2006 đến tháng 7/2008 công ty này có ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại cho Công ty Sao Mai Xanh xử lý gồm: bùn thải, dầu nhớt, sơn hư… Các phiếu cân hàng cho thấy, Ngô Thanh Hồng là người đại diện cho Công ty Sao Mai Xanh nhận hàng và một số chuyến có tài xế Phan Văn Chúc ký nhận hàng.
Xác minh tại Công ty Colgate – Palmolive (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM), kết quả cũng cho thấy, số ống kem chôn tại lô đất – vựa ve chai là lô hàng hết hạn sử dụng được đơn vị này chuyển giao cho Công ty Sao Mai Xanh xử lý. Ngô Thanh Hồng cũng chính là người đại diện cho Công ty Sao Mai Xanh nhận số hàng này.
Nhiều mẫu chất thải chôn lấp có kết quả phân tích vượt ngưỡng nguy hại nhiều lần. Ảnh: Nhật Tân |
Theo PC 36, Ngô Thanh Hồng đã thừa nhận anh ta làm việc cho Công ty Sao Mai Xanh từ đầu năm 2007, với nhiệm vụ nhận hàng (chất thải và phế liệu) từ các công ty ở Bình Dương, TP.HCM đưa về nhà máy xử lý ở Tiền Giang.
Đến tháng 11/2007, Hồng thuê đất mở vựa ve chai ở ấp 4 xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Từ thời điểm này, chất thải được đưa về vựa ve chai để “xử lý” bằng cách chôn lấp. Việc làm này giúp Hồng được hưởng tiền chênh lệch do rút ngắn quãng đường vận chuyển (Hồng được trả tiền vận chuyển từ nơi nhận chất thải đến nhà máy ở Tiền Giang) đồng thời còn được hưởng số phế liệu có trong chất thải.
Hồng khai nhận, việc mở vựa ve chai, lãnh đạo của Công ty Sao Mai Xanh có biết và xuống… tham quan. Hiện vụ việc đang được PC 36 tiếp tục điều tra, xử lý.
-
Nhật Tân