Liên quan đến vụ bắt giữ Cao Minh Huệ - nguyên Giám đốc sở TN-MT tỉnh Bình Dương và 3 cán bộ khác vào ngày 29/10, theo nguồn tin riêng của VietNamNet: vụ việc đang được mở rộng điều tra hành vi sai phạm của các bị can đã gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng.
Thông tin ban đầu, vào năm 2001 Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Sông Bé (cũ) nay là tỉnh Bình Dương (gọi tắt là công ty Sobexco, một doanh nghiệp nhà nước, thuộc UBND tỉnh) tổ chức bán đất vườn cao su, không tính giá trị đất, nằm trên lô đất có diện tích 658ha. Trước đó, do làm ăn thua lỗ, nợ nần kéo dài nên Công ty Sobexco đã kiến nghị và được UBND tỉnh cho phép bán diện tích đất trên nhằm chi trả các khoản nợ.
Lúc bấy giờ ông Cao Minh Huệ giữ chức Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT tỉnh Bình Dương) tham gia là thành viên hội đồng bán đấu giá. Ông Huệ đã có công văn đề xuất ý kiến với UBND tỉnh "giao cho UBND huyện Bến Cát xem xét và cấp GCNQSDĐ (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) theo đúng quy định của pháp luật”.
Diện tích đất cao su cấp sai ở Bình Dương.
Sau hình thức trên, ông Huệ đã tham mưu và trực tiếp tham gia vào quy trình “hô biến” 685ha đất công của công ty Sobexco bán đấu giá thành đất tư cho hơn 40 hộ dân. Được biết, giá bán ban đầu là 50 triệu đồng/ha, chưa tính giá trị đất.
Mù mịt chuyện thu hồi hàng trăm tỷ đồng
Điều đáng nói là số đông các hộ dân mua đất đều có mối quan hệ thân quen với các thành viên hội đồng bán đấu giá. Chính vì thế khi khởi công xây dựng Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ An Tây (gọi tắt là KCN An Tây, do Công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương làm chủ đầu tư) các hộ dân trên đều thuộc diện đền bù, gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Chưa đủ pháp lý vẫn quyết làm KCN ’chui’
Cụ thể: vợ, hai con gái cùng một số người thân của ông Cao Minh Huệ được tham gia mua 78ha đất cao su. Vì vậy khi giải tỏa xây dựng KCN An Tây, gia đình ông Huệ đã nhận được 1,3 tỷ đồng từ tiền đền bù (đây chỉ là số tiền nhận trước).
Ông Nguyễn Thanh Hải - nguyên Giám đốc Công ty Sobexco - đã đứng tên trong hợp đồng mua bán đất là bên A (tức bên bán) để ký 36 hợp đồng bán đất với hình thức như nói trên. Trong đó ông Hải trực tiếp bán cho 2 người em khoảng 20ha, có giá trị đền bù gần 340 triệu đồng.
2 bị can Phan Văn Trung và Đỗ Văn Sâm bị cáo buộc đã không thẩm định các hồ sơ, mà đã tiếp tay cho các sai phạm của ông Huệ khi trực tiếp cấp GCNQSDĐ cho khoảng 70 trường hợp.
Ngoài ra, ông Trung đã cấp đất cho chính mẹ ruột của mình khoảng 4,2ha, có giá trị đền bù khoản hơn 3,3 tỷ đồng. Tương tự, ông Sâm cũng đã cấp đất cho vợ có giá trị đền bù hơn 255 triệu đồng.
Được biết, liên quan đến vụ án này Cục C37 Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ thêm hành vi sai phạm của một số quan chức thuộc cấp tỉnh Bình Dương.
- Vân Nguyên