- Khoảng 300 hộ dân đầu tiên sống tại khu Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bắt đầu được dùng nước sạch sông Đà. Trước đó, từ nhiều năm nay, dù nằm giữa Thủ đô song người dân Định Công vẫn phải dùng nước giếng khoan.
Cả phường Định Công có 93 tổ dân phố với 32.000 dân, được chia thành 4 khu: khu đô thị mới và 3 khu truyền thống: khu Thượng, khu Hạ và khu Trại. Trong đó chỉ duy nhất có khu đô thị mới được dùng nước sạch cấp từ trạm nước mini, 3 khu còn lại từ cả chục năm nay chưa hề có nước sạch, dù đã có dự án từ năm 2003.
Người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan, hoặc mua nước sạch từ xe stéc. Vì thế, phường Định Công trở thành một “điểm nóng” về nước sạch của Hà Nội.
Từ nhiều năm nay, phường Định Công trở thành "điểm nóng" về nước sạch của Hà Nội. Người dân hoặc phải dùng nước giếng khoan hoặc phải mua nước theo xe stéc (Ảnh: Đỗ Minh)
Theo qui hoạch cấp nước của thành phố, phường Định Công nằm trong dự án sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà- Hà Nội. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội đã giao dự án này cho Công ty CP đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Công ty Viwaco) triển khai.
Ngày 17/11, trao đổi với P.V VietNamNet, ông Nguyễn Anh Việt - giám đốc Công ty Viwaco cho hay: Đến nay khoảng trên 300 hộ dân khu Hạ phường Định Công đã bắt đầu có nước sạch để dùng, dự án sẽ tiếp tục được triển khai để dự kiến đến hết năm nay tất cả khoảng 3.000 hộ dân khu Hạ đều có nước sạch.
Do gặp khó khăn về nguồn vốn nên công ty Viwaco chỉ có thể đầu tư toàn bộ đường trục chính dẫn nước về phường Định Công, còn lại cần sự đóng góp tự nguyện đầu tư cùng chủ đầu tư của các hộ dân trong phường. Cụ thể trong tổng số 39 tỉ đồng của dự án nước sạch phường Định Công, dự kiến các hộ dân đóng góp khoảng 13 tỉ đồng, Viwaco đầu tư 26 tỉ đồng còn lại bằng chính vốn của công ty này.
Một hộ dân đóng 2,5 triệu đồng trên nguyên tắc đóng góp tự nguyện cùng chủ đầu tư (bao gồm khoảng 1,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước theo qui định và 1 triệu đồng để lắp đường ống dịch vụ dẫn vào nhà- là tài sản của chính người dân).
Tiền đóng theo nguyên tắc tạm ứng: mỗi hộ dân đóng 60% của 2,5 triệu đồng khi chủ đầu tư bắt đầu triển khai thi công lắp đặt đường ống. Sau khi nghiệm thu xong thì các hộ dân mới phải đóng nốt phần còn lại.
“Tất nhiên, đường ống dịch vụ từ đường ống trục chính vào mỗi hộ dân sẽ dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên hộ nọ bù hộ kia, nên mức đóng bình quân là 1 triệu đồng/đường ống dịch vụ một hộ”- ông Việt cho hay.
Mỗi hộ dân muốn có nước sạch sớm thì làm đơn, và uỷ quyền cho chính quyền cấp phường- cùng tham gia quản lý việc đầu tư cùng chủ đầu tư này. Những hộ dân chưa đóng góp tự nguyện thì tạm thời sẽ chưa có nước sạch, dù đường trục nước có thể chạy qua gần nhà. Hiện người dân của 18/93 tổ dân phố đã đóng tiền tự nguyện, tuy nhiên Viwaco chỉ làm theo hình thức cuốn chiếu: thu tiền tự nguyện từng khu vực và thu đến đâu thì hoàn thành việc lắp đặt đường ống cấp nước tới đó.
Về khu Thượng và khu Trại của phường Định Công, ông Việt khẳng định công ty Viwaco chưa thể triển khai dù nhiều hộ dân đã đồng ý đóng tiền tự nguyện, bởi còn liên quan đến việc làm đường vành đai 3 của thành phố.
- Đỗ Minh