221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1246785
"Đại công trường" bức tử lá phổi giữa Thủ đô
1
Article
null
'Đại công trường' bức tử lá phổi giữa Thủ đô
,

 - Đoạn đường xuyên đầm dài chưa đến 200m nhưng bụi bay mù mịt, mặt đường bị cày xới mấp mô, phế thải xây dựng và rác sinh hoạt lổn ngổn chất cao từng đống lớn.

Với diện tích hơn 20ha mặt nước rộng mênh mông, nằm trên địa phận giáp ranh giữa hai quận Thanh Xuân và Hoàng Mai, khu vực Đầm Hồng (gồm ba hồ nước liền kề nhau: Đầm Hồng, Đầm Sen, Đầm Sòi) đang bị “bức tử” từng giờ bởi hiện tượng lấn chiếm, san lấp mặt hồ…          

Đại công trường san lấp hồ

Trời nhập nhoạng tối, con đường dẫn vào Đầm Hồng (thuộc phường Khương Trung và Khương Đình – quận Thanh Xuân) từ ngõ 93 – Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) vẫn bụi mù.

d
Ngang nhiên đổ phế thải xây dựng, san lấp lòng hồ giữa ban ngày
Một đoàn 3 xe cải tiến chất đầy gạch đất bất ngờ rẽ vào ngõ cụm dân cư số 14 – phường Khương Trung. Ngõ này đâm thẳng ra Đầm Sòi. Cuối ngõ là một bãi lổn nhổn gạch, đất, xi măng… đã được san phẳng lấn dần ra lòng hồ. 

Cả ba chiếc xe cải tiến đều băng qua bãi vật liệu, tiến gần sát mép nước, trút hết gạch, đất xuống lòng hồ, sau đó theo đường cũ quay về. Đứng tại đây thoảng 30 phút, chúng tôi chứng kiến thêm gần chục chuyến xe cải tiến nữa chở vật liệu xây dựng đổ xuống lòng hồ. 

d
Như một công trường xây dựng
Nam, một thanh niên trong những người kéo xe đổ vật liệu cho biết, họ chở rác xây dựng từ công trình xây dựng ngoài phố Hoàng Văn Thái vào đổ tại đây. Trung bình, mỗi chuyến họ được người đàn ông tên N.V.D – tự nhận là chủ khu đất ven đầm này- bồi dưỡng 5.000 đồng.

Sáng hôm sau, trở lại bãi rác thải xây dựng trên, chúng tôi chứng kiến thêm hàng chục chuyến xe cải tiến tiếp tục ra đây xả gạch đất. Tuy nhiên, tần xuất đổ ít hơn, thi thoảng mới có 1 – 2 chiếc. Hình thức chở cũng đỡ khoa trương hơn buổi đêm vì gạch đất đều được chứa kín đáo trong những bao xi măng, bao tải ni nông.

Theo ghi nhận của VietNamNet, cả khu vực Đầm Hồng rộng lớn gồm ba hồ: Đầm Sòi, Đầm Sen, Đầm Hồng, nơi nào cũng bị xâm lấn một cách trầm trọng. Dọc bờ đầm chỗ nào cũng ngổn ngang gạch vữa, đất cát và rác thải sinh hoạt, đoạn đầm nào càng gần đường càng nhiều gạch, đất và rác. 

d d
Bờ Đầm Hồng thuộc khu vực đường dẫn vào Công ty Thuỷ sản Duy Nhất đang bị phế thải xây dựng “nuốt” dần.
Ông Trần Văn Hùng, tổ 84, phường Khương Trung ngán ngẩm chỉ vào những đống gạch vữa mới mọc bên ven hồ được vài ngày. Ông Hùng cho biết, con đường này do Công ty Thuỷ sản Duy Nhất làm để lấy lối vào, ban đầu rộng chừng hơn 2m, đến giờ đã rộng gấp 3, gấp 4 lần trước kia, có đoạn rộng hơn chục mét. 

"Cả vùng đầm này, chỗ nào chả lấn. Ban ngày còn đỡ, đêm thì rầm rập xe chở phế thải ra đổ. Xe tải, xe cải tiến, xe thồ, xích lô đủ cả. Bà con chúng tôi không ngủ được vì cứ nửa đêm cho đến sáng khu đầm này giống như một đại công trường san lấp hồ vậy", ông Hùng nói.

d
Họ đang ngang nhiên giết đầm Hồng bằng phế thải xây dựng như thế nào
"Ngày tôi mới về sống ở đây, đầm này rộng lắm. Giờ diện tích chỉ bằng 2/3 so với ngày trước. Sau hai chục năm, khoảng 30% diện tích mặt nước đã bị xâm lấn cả rồi", ông Võ Văn Vinh, người đã làm tổ trưởng tổ dân phố phường Khương Đình 15 năm và khoảng 20 năm dưỡng già tại khu Đầm Hồng cho biết như vậy. 

Ông Vinh bảo rằng, vài năm trở lại đây, hiện tượng lấn chiếm lòng hồ, đổ phế thải xây dựng và rác thải tái diễn trở lại với mức độ rầm rộ hơn và cũng tinh vi hơn. Trung bình, mỗi ngày có không dưới hàng chục tấn gạch, đất và rác xây dựng đổ xuống lòng hồ. Theo nhẩm tính của ông Vinh, chỉ riêng khu vực tổ ông quản lý đã có đến gần 20 trường hợp san lấp, lấn chiếm mặt hồ trái phép với diện tích từ vài chục đến hàng trăm mét vuông cho mỗi trường hợp...

Gạch lấn đến đâu, cây và lều mọc đến đấy

Lấn chiếm, san lấp hồ tại vùng Đầm Hồng đã là chuyện lâu niên và quen thuộc như "cơm bữa". Chính vì thế, thủ thuật lấn chiếm, san lấp hồ ngày càng biến tấu, tinh vi hơn.

d
Tốc độ san lấp, lấn chiếm hồ cực nhanh tại Đầm Sen (một trong những hồ nước lớn của khu Đầm Hồng)
Theo ghi nhận của chúng tôi trong gần một tuần quan sát tại khu vực này, sau khi đổ phế thải vươn ra lòng hồ được vài mét vuông thì chỉ một hoặc vài ngày sau, nơi đây mọc lên vài cây chuối "đã trưởng thành", thậm chí có cây còn có cả... buồng. 

Theo lý giải của ông N., người đàn ông sống trên bãi đất lấn chiếm ven Đầm Hồng thuộc khu vực giáp ranh giữa phường Khương Đình (Thanh Xuân) và Định Công (Hoàng Mai) thì việc “lấn hồ đến đâu, trồng cây đến đó” là để đánh dấu “chủ quyền” của khu đất lấn chiếm. Nó chứng minh khu đất đó "đã ở từ lâu" và vì thế mới có những hàng cây cao to, như vậy mọc lên. 

Ông N. cũng cho biết thêm, để “hợp thức hoá” việc lấn chiếm đất ven hồ, sau giai đoạn trồng cây một thời gian là đến bước dựng lều, lán. Lều chỉ cần cắm vài cái cọc, căng tấm bạt. Lúc đầu dựng thấp, sau dựng cao dần. Ban đầu, họ để trống, sau cho người đến ở, rồi kiên cố hoá lều lán dần dần. Rồi đến giai đoạn bên ngoài lều che bạt, bên trong xây tường… 

d
 Phế thải đổ đến đâu, lán lều mọc đến đó
Với hàng loạt bước đi lắt léo, biến hoá đó từ mặt nước, nhiều công trình xây dựng nhà ở đã mọc lên. “Để lâu thì mặt nước cũng thành nhà. Ở khu vực này ai lấn chiếm đất cũng làm vậy. Không tin thì cứ hỏi thông tin mấy tay “trùm” lấn chiếm đất tại đây như tay D. “soi”; T. “pho”; G "sen”  thì biết. Bọn họ đều phải thực hiện tuần tự những bước đó thì mỗi người mới có trong tay hàng trăm mét vuông đất lấn chiếm”, ông N. kết luận.

Mặc dù không phải dân “cò” môi giới mua bán đất lấn chiếm chuyên nghiệp, nhưng ông N. sẵn sàng giới thiệu vài mảnh đất lấn chiếm ven hồ tại khu vực Đầm Hồng khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua. Giá đất thì tuỳ theo địa thế, gần đường của xóm thì tầm 7-8 triệu/m2, vào sâu lòng hồ hơn thì còn khoảng 4-5 triệu/m2, giá đất này rẻ hàng chục lần so với giá đất hợp pháp tại khu vực Đầm Hồng. 

Ông N. cho biết thêm, những bãi đất, gạch mới san ven hồ trông vậy nhưng đã có chủ hết, nhiều chỗ đã chuyển nhượng, sang tay mấy đời chủ. “Tất nhiên việc mua đất lấn chiếm lòng hồ này thì cũng giống như đánh bạc, được ăn cả, ngã về không. Chính quyền mà thu hồi thì “mất trắng”, còn không thì “lên hương”, ông N. nói. 

d d
Hôm trước đổ đất lấn hồ, hôm sau trồng cây chiếm đất - những hàng cây chuối lớn nhanh như thổi chỉ sau một vài ngày.
Theo lời khuyên của ông, chúng tôi nên mua đất tại khu vực Đầm Sòi, nơi giáp ranh giữa mấy phường Khương Đình – Khương Trung và Định Công. “Bỏ đôi trăm triệu là có được khoảng 50 m2, ở đó lấn chiếm dựng nhà thoải mái vì chả phường nào... rờ tới cả. Đơn giản là phường này bảo đất của phường kia”, ông N. quảng cáo rồi dẫn chúng tôi đến tận nơi xem khu đất. 

Và bên cạnh khu đất mà ông giới thiệu, đã có vài ngôi nhà cấp bốn vừa mọc, màu vữa xây còn mới nguyên.

  • Phú Nguyễn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,