221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1244058
Nhiều tuyến giao thông tê liệt, hàng ngàn hộ bị chia cắt
0
Article
null
Nam Trung bộ sau bão:
Nhiều tuyến giao thông tê liệt, hàng ngàn hộ bị chia cắt
,

- Bình Định thành tâm bão số 11. Thống kê chưa đầy đủ cho biết bão số 11 đã làm 2 người bị thương, hơn 50 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và hơn 400 nhà bị tốc mái, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển và thành phố Quy Nhơn. Gió lớn còn làm 1 trạm y tế và 26 trường học bị hư hỏng, hoa màu và đường giao thông cũng bị hư hỏng nặng. 

Nghe PV VietNamNet tường thuật bão số 11 tại Bình Định, Phú Yên:


Bình Định: Tàu nước ngoài lạc trong cơn bão

Lúc 13h, chiều 2/11, tại Bãi Xếp thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn có một xà lan chở trên 3.000 tấn gỗ đã bị sóng đánh chìm, trôi dạt vào bờ.

Cùng thời điểm, một chiếc tàu hàng đến từ Panama, mang theo 12 thuyền viên mang quốc tịch Myanma cũng bị sóng đánh trôi vào bờ biển Bình Định. Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã triển khai công tác cứu hộ nhằm ứng cứu cả hai trường hợp bị nạn trên vùng biển Bình Định, đồng thời tiến hành các biện pháp cứu người và bảo vệ tàu.

d
Các chiến sỹ bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa, gia cố tạm triền núi, ngăn chặn sạt lở ở Bình Định - Ảnh (báo Bình Định) 
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tính đến cuối giờ chiều 2/11, bão số 11 đã làm 2 người bị thương, hơn 50 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và hơn 400 nhà bị tốc mái, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển và thành phố Quy Nhơn. 

Gió lớn còn làm 1 trạm y tế và 26 trường học bị hư hỏng, hoa màu và đường giao thông cũng bị hư hỏng nặng.

Hiện Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã di dời được 1.774 hộ dân với 7.693 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tích cực triển khai các biện pháp khác nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cơn bão số 11 gây ra.

Phú Yên bị chia cắt trong bão dữ

Tính đến 17h ngày 2/11, bão đã đánh sập nhiều nhà dân và trường học, giao thông nhiều tuyến đường bị cô lập. Hàng ngàn hộ dân bị chia cắt do bão dữ.

Bão mạnh đã làm tốc mái 2 trường học ở huyện Đông Hòa. Một trường THCS ở xã Hòa Hiệp Bắc và Trường Tiểu học số 3 ở xã Hòa Hiệp Trung.

df
Mặc dù mưa to gió lớn nhưng nhiều người dân ở Bãi Xếp (Bình Định) vẫn xuống biển trục vớt gỗ, rất nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh: Báo Bình Định
Đồng thời, bão cũng đánh sập 100 mét tường rào của Trường Tiểu học số 2 xã Hòa Hiệp Trung, khiến ông Dương Bá Vân (46 tuổi) ở xã Hòa Hiệp Trung bị thương nặng do bị mái tôn chém trúng.

Tại vùng rốn lũ của Huyện Đông Hòa, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã di dời khẩn cấp 150 hộ dân ở thôn Phước Dân, xã Hòa Tâm đưa lên trụ sở UBND xã để tránh bão.

Riêng tại Huyện Sông Cầu và thị xã Sông Cầu, hàng ngàn tàu thuyền được chính quyền địa phương sơ tán đến nơi cao ráo và đưa vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, do mưa to và gió mạnh đã làm nhà của nhiều hộ dân bị sập và tốc mái, cây cối đổ ngã hàng loạt.

“Hiện thời cả nhà tôi không có chỗ trú ngụ, phải chuyển qua nhà người hàng xóm ở nhờ”- ông Thái Văn Tâm (nhà ở Thị xã Sông Cầu) cho biết.

Hệ thống giao thông, điện, hệ thống vô tuyến... tại huyện Sông Cầu tắc nghẽn. Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ngừng trệ.

Riêng tại huyện Đông Xuân, qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, có hàng ngàn hécta hoa màu bị đổ ngã, hư hỏng như sắn, mía và một số cây ăn trái khác.

Giao thông cũng bị tê liệt trên nhiều tuyến đường. Đặc biệt, tại đường DT 641 (đoạn từ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An lên thị trấn La Hai, Đồng Xuân) bị chia cắt. Tuyến đường đi xã Xuân Bắc của huyện Đồng Xuân đã bị cô lập. Một số tuyến đường đi các nơi khác như ở xã An Ninh Tây và An Ninh Đông của huyện Tuy An cũng bị chia cắt, cô lập.

Hiện tại, để khắc phục sự cố do bão gây ra, người dân địa phương đã đổ xô đi mua nến và đèn dầu thay thế nguồn điện đã bị cúp, khiến giá của những mặt hàng này tăng nhẹ.

Cưỡng chế nhiều ngư dân cố tình ra biển

Từ sáng sớm 2/11, toàn tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu mưa lớn. Từ sáng sớm, huyện Vạn Ninh (phía Bắc tỉnh, giáp Phú Yên) đã có mưa lớn, gió cấp 7-8, giật cấp 9-10, gây tốc mái nhà, đổ gẫy cây cối, đồng ruộng nước dâng trắng xóa. 11h trưa, tại trụ sở huyện, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Quang Vân cho biết, từ chiều 1/111 đã sơ tán  trước người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi an toàn.

Mô tả ảnh.

                                    Cứu hộ xe khách 17K – 8269 - Ảnh: Lan Trang

Đến 8h sáng 2/11, mọi người trong khu vực nguy hiểm đã sơ tán hết. Tuy nhiên, vẫn còn 57 chủ lồng bè nuôi hải sản kiên trì bám trụ, với cam kết bắt đầu sóng gió lớn thì cơ động ngay lên bờ. Từ 12h đến 16h, gió mạnh dần lên, kèm mưa to, nhiều nhà dân bị sập, tốc mái, tôn bay khắp nơi. QL1A, đoạn qua khu vực Tu Bông (bình thường vẫn được gọi là họng gió), gió rất mạnh, không thể đi bộ hay xe máy, ô tô chạy rất khó khăn.

Lúc 13h30, xe khách 50 chỗ, chở 40 hành khách, BKS 17K-8269, do lái xe Bùi Xuân Thướng (người Kiến Xương, Thái Bình) đều khiển, chạy hướng Nam-Bắc, đến km 1.382 (thôn Suối Hàn, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh), mặc dù đã chạy rất chậm, bị gió thổi bạt, đầu xe cắm xuống ruộng. Rất may, không có thương vong về người. Huyện Vạn Ninh đã điều xe reo đến cứu hộ ngay sau đó.

Đề phòng nguy hiểm, công an huyện và CSGT tỉnh đã lệnh cấm mọi xe đi về hướng đèo Cả. Điện lưới toàn huyện bị cắt. 2 trung đội của tỉnh đội đã ra quân, kết hợp cùng dân quân, công an toàn huyện trực chiến ở các điểm đóng quân dã chiến. Bệnh viện huyện và các nhân viên y tế tuyến xã được điều tăng cường cho 5 xã xung yếu giáp biển ở phía Bắc huyện.

d
Nhà sập ở huyện Vạn Ninh - Ảnh: Lan Trang
Theo Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, sáng sớm 2/11, gần 120 phương tiện cỡ vừa và nhỏ đánh bắt hải sản (268 thuyền viên) vẫn cố tình ra biển đánh bắt, bị biên phòng bắt quả tang, cưỡng chế vào bờ. Tại đảo Khải Lương (huyện Vạn Ninh), tất cả lồng bè nuôi hải sản bị sóng vùi dập tan nát, nhưng sóng quá lớn, gió mưa mù mịt, tàu Biên phòng không thể ra tiếp ứng.

Tại khu vực vịnh Vân Phong, gió cấp 9-10, giật cấp 11-12, tôn bay loạn xạ. Ngay cả lực lượng trực ứng cứu trong bão cũng không thể ra khỏi nhà kiên cố nơi trú quân. Tại vùng biển thôn Bích Đầm (Đông Nam đảo Hòn Tre, thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) người lao động và chủ 26 bè nuôi hải sản không chấp hành thông báo rời bè.

Biên phòng tỉnh đưa tàu ra cưỡng chế, dân mới chịu vào bờ. Tại khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Nơi vừa khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong), gió cực mạnh, gây sập nhà, bay tôn, cây cối gãy ngang thân rất nhiều. Ở xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, 1 tàu của ngư dân bị hư hại do bão. Trong địa bàn toàn tỉnh, toàn bộ tàu thuyển đều được kéo lên bờ hoặc neo đậu đúng nơi an toàn

Theo số liệu cập nhật ban đầu lúc 16h ngày 2/11 của BCH PCLB tỉnh, toàn tỉnh đã sơ tán 2.464 hộ dân (9.370 người) khỏi nơi nguy hiểm (chủ yếu ở các huyện Vạn Ninh và Cam Ranh). Toàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp bị thương phải cấp cứu, do nhà sập, cây đổ, tôn bay. Trong đó, có 1 cháu bé bị thương do cột angten của Viettel bị gió giật đổ (ở thôn Diên Điền, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh). 10  nhà dân bị sập, 71 nhà tốc mái. Từ cuối chiều 2/11, ở huyện Vạn Ninh, đuôi bão quét dữ dội hơn lúc tâm bão vào, nhưng chưa thể nắm và thống kê thiệt hại.

Bão số 11 vấp bờ, nhanh chóng suy yếu 

Hồi 19 giờ tối 2/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của bão, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7; tại Quy Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Tuy Hòa (Phú Yên) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12;  tại TP. Nha Trang có gió mạnh cấp 5, giật cấp 9; tại TP Buôn Mê Thuột có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7.

Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực nam Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như: A Lưới (Thừa Thiên Huế) 197mm; Trà My (Quảng Nam): 160mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi): 196mm; Quy Nhơn (Bình Định) 232mm; Tuy Hoà (Phú Yên) 151mm; MĐrăk (Đắc Lắc) 132mm.....

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Đắk Lăk; Đắk Nông; Lâm Đồng đêm 2/11 có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Diễn biến mưa lũ sau bão còn phức tạp, các địa phương cần theo dõi các bản tin thông báo lũ được phát tiếp theo.

(Cẩm Quyên)

  • Lan Trang - Mạnh Hoài Nam - Kiều Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,