- Trong cuộc trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) khẳng định “hiện tượng đổ phế thải xâm lấn hồ đã dừng hàng chục hôm nay”. Tuy nhiên, trở lại Đầm Hồng ngày 23/11, chúng tôi tiếp tục chứng kiến từng đoàn xe thồ, xe cải tiến chất đầy phế thải xây dựng từ các ngả đường, ngõ ngách “hành quân” về lấp hồ…
Trước đó, theo báo cáo của UBND phường Khương Trung gửi UBND quận Thanh Xuân, ngày 3/11, UBND phường Khương Trung đã cùng Công ty Hà Đô lập biên bản về việc san lấp, lấn chiếm hồ tại bãi đất này.
Khu đất lấn chiếm san lấp lớn nhất đầm Hồng giáp với công trường thi công nhà ở của Công ty Hà Đô.
Trong biên bản, phía Công ty Hà Đô cũng xác nhận: có xe trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng đi qua lối vào công trường thi công nhà ở của Công ty Hà Đô tại ngõ 183, sau đó đổ vật liệu san lấp tại đây.
Theo quan sát, dải bờ đầm lổn ngổn rác và cỏ dại, bãi phế thải xây dựng nằm sát hàng rào công trường thi công nhà ở của Công ty Hà Đô được san lấp đã có diện tích tương đương với một sân bóng đá nhỏ.
Sáng ngày 23/11, có mặt tại “sân bóng” này, chúng tôi vẫn còn nhận thấy những vệt bánh xe tải chạy từ phía hàng rào công trường thi công nhà ở của Công ty Hà Đô ra thẳng rìa đầm.
Đội quân đổ phế thải tại Đầm Hồng vẫn “làm việc” như ngày thường mặc dù UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo hai phường Khương Đình và Khương Trung phải cử người chốt chặn 24/24.
Điểm kết thúc của vệt bánh xe, là một vài đống gạch vữa đổ dở dang chưa kịp san bằng. Tất cả đều chứng tỏ nơi đây từng là một “đại công trường” san lấp, lấn chiếm hồ Đầm Hồng với tốc độ nhanh, và quy mô lớn.
Mặc dù không còn thấy cảnh xe tải đổ phế thải xây dựng san lấp hồ rầm rộ như trước nữa, tuy nhiên theo ghi nhận của VietNamNet trong ngày 23/11, vẫn còn khá nhiều xe thồ, xe cải tiến vẫn tiếp tục đổ trộm gạch vữa ra hồ.
Gặp chúng tôi tại một con ngách nhỏ xuyên thẳng ra Đầm Sen, một người đàn ông tên Tú đang kéo xe cải tiến chở phế thải xây dựng ra đổ phía hồ cho biết: Khoảng ba, bốn hôm lực lượng của phường chốt ngay mấy quán nước chè ngoài đường lớn xuyên Đầm Hồng, tuy nhiên đội quân đổ trộm phế thải như họ vẫn cứ “làm việc” như thường nhật.
Chỉ có điều, họ không dám ngang nhiên đi từng tốp ba, bốn xe trong các ngõ lớn như trước nữa mà phải xé lẻ, luồn lách trong các ngõ nhỏ dẫn ra hồ để trốn lực lượng của UBND phường chốt chặn.
Đầm Hồng đang bị ngang nhiên bức tử.
Theo hướng dẫn của Tú, chúng tôi vòng qua, vòng lại những quán nước và các con đường, ngõ lớn dẫn vào đầm thuộc cả khu vực phường Khương Đình và Khương Trung nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy một “chốt” chặn nào chứng tỏ chính quyền phường đã căng người giữ Đầm Hồng 24/24.
Trong lúc tìm kiếm bóng dáng của lực lượng chức năng, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp một vài chiếc xe cải tiến, hoặc xe thồ chở những bao tải đất, gạch từ mọi ngả đường, ngõ ngách “hành quân” về san lấp Đầm Hồng.
Trao đổi với VietNamNet trước đó, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng lấn chiếm, san lấp Đầm Hồng trái phép, đích thân Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã gọi điện yêu cầu chính quyền hai phường Khương Trung, Khương Đình kiểm tra, báo cáo lại vụ việc.
Tiếp sau đó, UBND quận Thanh Xuân cũng đã đề nghị công an quận vào cuộc điều tra việc lấn chiếm, mua bán trái phép đất san lấp tại Đầm Hồng, đồng thời yêu cầu hai phường Khương Trung, Khương Đình cử lực lượng chốt chặn 24/24 ngăn chặn tình trạng đổ phế thải xây dựng, san lấp hồ trái phép…
Qua những gì PV ghi nhận được, dường như, sau tất cả những bước chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt khoát của UBND quận Thanh Xuân, dường như UBND hai phường Khương Trung và Khương Đình vẫn “bất lực” trước hiện trạng san lấp, lấn chiếm Đầm Hồng…
-
Phú Nguyễn