221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1245845
Sửa sai rối loạn, thiệt hại nhiều hơn... phí hoàn trả
0
Article
null
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội:
Sửa sai rối loạn, thiệt hại nhiều hơn... phí hoàn trả
,

 - Việc hoàn phí và cấp phiếu miễn phí tại đường Nguyễn Thị Định (Q.2) trong ngày đầu tiên đã khiến ùn ứ kéo dài. Các doanh nghiệp cho rằng thiệt hại do kẹt xe có thể tương đương mức phí được hoàn trả. Và còn hàng ngàn phương tiện khác vẫn đang đóng phí oan chưa được giải quyết. 

Thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM, bắt đầu từ 0h ngày 11/11, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã không thu phí với những phương tiện vận tải ra vào tỉnh lộ 25B. 

Theo đó, các xe lưu thông từ hướng quận Thủ Đức đi cảng Cát Lái sẽ đi vào 2 làn đường dành riêng tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội (XLHN). Tại đây, các chủ phương tiện sẽ tạm thời nộp phí lưu thông và được cấp biên nhận tạm qua trạm. Trong khoảng thời gian 60 phút (nếu kẹt xe thời gian có thể dài hơn), các chủ xe đến trạm kiểm soát đặt tại đường Nguyễn Thị Định (trước số nhà 1137, phường Cát Lái, Q.2) để hoàn lại số tiền này. 

Kẹt xe, doanh nghiệp càng thiệt! 

Sáng 11/11, sau khi chính thức vào hoạt động, trạm kiểm soát trên đường Nguyễn Thị Định đã khiến hàng trăm phương tiện vận tải nối đuôi kéo dài ở cả hai hướng lưu thông. Riêng hướng lưu thông từ cảng Cát Lái ra tỉnh lộ 25B bị ùn ứ nghiêm trọng. Nhiều phương tiện nối đuôi hàng giờ liền. 

Đến khoảng 15h30, theo ghi nhận của VietNamNet, dòng xe lại tiếp tục xếp hàng kéo dài từ cảng Cát Lái ra trạm kiểm soát (nút giao Nguyễn Thị Định - Liên tỉnh lộ 25B) để nhận phiếu miễn phí qua trạm XLHN. Ở hướng ngược lại, dòng xe từ tỉnh lộ 25B từ ngã ba Cát Lái đi vào cũng dồn ứ, xếp hàng…

“Chưa vào giờ cao điểm mà đã ùn ứ như vậy, giờ cao điểm cả ngàn lượt xe phải chờ đợi để lấy phiếu, hoàn tiền không biết sẽ kẹt như thế nào? Lượng phương tiện quá lớn mà chỉ có một trạm (thực ra là cabin được dựng tạm - PV) vừa phát phiếu vừa hoàn vé là không xuể!” - chủ một doanh nghiệp vận tải phàn nàn. 

Dòng xe kéo dài chờ nhận phiếu miễn phí tại trạm kiểm soát để qua trạm thu phí XLHN. Ảnh: Tử Trực

Một tài xế container than: “Từ cảng ra chưa đầy 500m nhưng tôi đã đi hơn nửa tiếng đồng hồ. Giờ mà bị kẹt ở ngã ba Cát Lái nữa không biết có vận chuyển hàng về kịp không?”. 

Chưa hết, theo quan sát của chúng tôi lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái rất lớn nên chỉ cần mỗi phương tiện dừng lại một lúc lấy phiếu, nhận tiền cũng khiến dòng xe bị chậm lại, nguy cơ xảy ra ùn tắc là rất lớn. 

Theo một số doanh nghiệp vận tải, nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, CII không có biện pháp giảm ùn tắc thì thiệt hại có thể lớn hơn gấp nhiều lần so với mức phí đóng. “Một chuyến hàng vận chuyển nếu trễ giờ, chúng tôi sẽ phải bồi thường hàng trăm triệu đồng so với 30.000 đồng tiền vé được hoàn lại”. 

Do lượng xe ra vào cảng Cát Lái quá đông nên chỉ cần mỗi xe dừng lại một chút để nhận phiếu, lấy lại tiền cũng khiến dòng xe bị chựng lại, khả năng xảy ra kẹt xe rất cao. Ảnh: Thái Phương

“Hoàn trả phí thu sai từ trạm thu phí XLHN là việc làm cần thiết nhưng CII lại đưa ra những phương án thiếu thuyết phục” - ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM (hiệp hội) nói. 

Theo ông Chung, từ ngã ba Cát Lái vào trạm kiểm soát trên đường Nguyễn Thị Định dài cả chục km trong khi nhiều bãi xe container chỉ nằm phía ngoài, trên đường. Các tài xế container không dại gì chạy thêm vài km để nhận lại 30.000 đồng tiền phí! Vậy chẳng khác nào sửa sai mà lại càng làm khó doanh nghiệp hơn. 

Còn người dân nộp phí oan, tính sao?  

UBND TP.HCM vừa có văn bản gởi Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố khẳng định việc thu phí giao thông trên XLHN là có cơ sở pháp lý. Theo đó, mục đích của trạm thu phí XLHN nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố để hoàn vốn đầu tư công trình nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ, có tích lũy tiếp tục xây dựng các công trình phúc lợi khác… 

Về vấn đề người dân không đi đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng vẫn phải nộp phí, UBND thành phố cho biết đường Điện Biên Phủ được đặt tên và phân cấp quản lý từ mố cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) đến vòng xoay Ngã Bảy (quận 3, 10). Vì vậy, khi các xe lưu thông trên XLHN qua cầu Sài Gòn vào đường Nguyễn Hữu Cảnh và ngược lại, đều phải sử dụng một đoạn đường Điện Biên Phủ (từ mố cầu Sài Gòn đến điểm rẽ đường chui dưới dạ cầu và đường chui dưới cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh) nên sẽ thuộc đối tượng nộp phí tại trạm thu phí XLHN. 

Chỉ một đoạn dưới chân cầu Sài Gòn để tới Nguyễn Hữu Cảnh (phải qua Điện Biên Phủ), UBND thành phố cho rằng người dân phải đóng phí. Còn nhiều tuyến đường từ cầu Sài Gòn đến trạm thu phí XLHN (đường màu cam) không thuộc đối tượng nộp phí nhưng người dân vẫn phải đóng phí oan. Ảnh: diadiem.com

Điều này nghĩa là người dân đi một đoạn vài trăm mét vào đường rẽ dưới dạ cầu Sài Gòn, đường chui cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh phải đóng phí là hiển nhiên! Vậy còn hàng trăm phương tiện qua trạm thu phí, rẽ vào đường Thảo Điền, Nguyễn Quốc Hương, Trần Não… (quận 2) không thuộc đối tượng nộp phí nhưng vẫn mất tiền oan từ năm 2001 đến nay sẽ tính như thế nào? 

Đó là chưa kể, khi dời trạm về vị trí mới ở quận 9, dưới cầu Rạch Chiếc, hàng ngàn phương tiện cũng không sử dụng dịch vụ đường Điện Biên Phủ từ các tuyến đường nối vào XLHN, Nguyễn Thị Định, Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh… cũng phải nộp phí oan. 

Và hiện tại, chỉ các xe container ra vào cảng Cát Lái được trả lại phí thu sai nhưng gặp đủ phiền toái, rắc rối mới phát sinh như ùn ứ, đi vòng vèo mới nhận lại được tiền phí… Còn người dân è cổ đóng phí oan suốt 8 năm qua như VietNamNet từng phản ánh bao giờ sẽ được trả lại công bằng? 

  • Tử Trực - Thái Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,