221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1244809
Thiệt hại hơn 2.000 tỷ do bão số 11
0
Article
null
Thiệt hại hơn 2.000 tỷ do bão số 11
,

 – Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho thấy số người chết do bão, lũ đã tăng thêm 6 người. Tính tới thời điểm này, đã có 104 người chết, 16 người mất tích và 99 người bị thương, tổng thiệt hại của các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 11 và lũ lụt là 2.175,57 tỷ đồng.

 

72 người chết ở Phú Yên

 

Phú Yên là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất về người với 72 người chết, 11 người mất tích và 31 người bị thương. Tính tổng thiệt hại thì Bình Định đứng đầu với 1.047 tỷ đồng, tiếp đến là Gia Lai: 1.000 tỷ đồng.

 

Do ảnh hưởng của lũ, Gia Lai chịu thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, nhà cửa, giao thông liên lạc. Số người chết ở địa phương này là 5 người.

 

 

Mô tả ảnh.
Nước lũ dâng cao nhanh chóng đã cướp đi sinh mạng nhiều người dân ở Phú Yên (Ảnh: An Bang)

 

Tỉnh Phú Yên chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và nhà cửa bị sập, hư hỏng (15.000 căn nhà). Thiệt hại về hoa màu, sản xuất nông nghiệp của Phú Yên thấp hơn các địa phương như Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa, … Riêng Bình Định, số nhà bị ngập lên tới trên 50.000 căn.

 

Trước tình hình thiệt hại của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ kinh phí, gạo cho các tỉnh để khắc phục hậu quả cơn bão số 11 với tổng số tiền là 225 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo.

 

Cụ thể: Tỉnh Bình Định nhận hỗ trợ 70 tỷ đồng và 3000 tấn gạo; Tỉnh Phú Yên nhận hỗ trợ 100 tỷ đồng và 4000 tấn gạo; Tỉnh Khánh Hoà: 20 tỷ đồng và 1000 tấn gạo; Tỉnh Ninh Thuận: 5 tỷ đồng; Tỉnh Gia Lai: 30 tỷ đồng và 2000 tấn gạo.

 

Ngoài ra, để tránh dịch bệnh bùng phát sau lũ, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đi kiểm tra hỗ trợ Y tế cho 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên (Phú Yên: 30 cơ số thuốc, 500.000 viên và 1000 kg bột CloraminB, 100 áo phao; Bình Định: 30 cơ số thuốc, 500.000 viên và 1000 kg bột CloraminB, 100 áo phao).

 

Riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắc Lắc mỗi tỉnh: 10 cơ số thuốc, 50.000 viên CloraminB để khử khuẩn môi trường.

 

Giao thông đường sắt: 10/11 mới thông được

 

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy: Đường sắt Bắc Nam đoạn từ km 903+000 đến km 1096+200 bị sạt lở nhiều điểm, đơn vị quản lý đã phối hợp cùng các địa phương huy động 900 người và nhiều thiết bị, xe máy chuyên dùng tham gia sửa chữa, khắc phục, dự kiến phấn đấu đến 10/11/2009 thông tầu bước 1 trên toàn tuyến.

 

Hiện nay, giao thông bị tàn phá, tê liệt đang là một gánh nặng của các địa phương. Tính tới hết ngày 5/11, đã có 247.896 m3 đất bị sạt lở, bồi lấp; hơn 110.000 m3 bê tông mặt đường bị xói hỏng; 87 cây cầu và hơn 170.000 km đường giao thông nông thôn bị hư hỏng.

 

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục đường bộ Việt Nam, Khu quản lý đường bộ 5, các Sở Giao thông vận tải Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai và Tổng cục Đường sắt Việt Nam tập trung lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả do sạt lở gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường.

 

Đẩy mạnh cứu hộ

 

Lũ trên các sông Nam Trung bộ đang xuống chậm, công tác cứu hộ tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Quốc phòng đã điều động 8.751 cán bộ, chiến sĩ đến giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Bộ đã huy động 8 máy bay và 310 phương tiện.

 

Trong ngày 5/11 các đoàn cứu hộ đã thực hiện 20 lần chuyến bay di chuyển 146 người, vận chuyển 20,9 tấn hàng cứu trợ cho các tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên; thực hiện 2 chuyến bay tìm kiếm cứu nạn và đã cứu được 3 người trong lũ.

 

 

Mô tả ảnh.
Đẩy mạnh cứu trợ các hộ dân vùng lũ lụt (Ảnh: An Bang)

 

Các địa phương cũng đang ráo riết khắc phục hậu quả sau lũ. Tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích triển khai các biện pháp tiếp cận, cứu hộ nhân dân đang bị mắc kẹt trong các vùng lũ ngập sâu.

 

Tỉnh đã huy động 15 ca nô, 2 xe thiết giáp, 10 xe tải, 2 xe ca, 450 cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, 557 dân quân tự vệ và thanh niên xung kích tham gia cứu hộ. Nhân dân vùng hạ lưu sông Hà Thanh và An Nhơn đã nhận được 12 tấn hàng (mỳ tôm và nước uống) do 17 chuyến máy bay trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân vận chuyển đến những điểm, vùng bị chia cắt lực lượng cứu hộ của địa phương chưa tiếp cận được.

 

Còn tại tỉnh Phú Yên đã huy động 56 ca nô, 100 cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia cứu hộ, Trung ương đã chi viện 4 trực thăng và 11 chiếc ca nô tham gia cứu nạn và cứu tế.

 

Tính đến sáng 5/11 thành phố Tuy Hoà đã cấp điện cho một số cơ quan lãnh đạo tỉnh, bệnh viện, bưu điện, truyền hình và một số khu vực dân cư. Tỉnh đã cấp 15.000 lít dầu hoả cho các huyện Đồng Xuân, Tuy An chưa có điện.

 

Với 4.000 tấn gạo được trung ương hỗ trợ, tỉnh khẩn trương phân bổ cho 9 huyện, thị xã, thành phố, đồng thời cứu trợ khẩn cấp 12.200 thùng mỳ ăn liền và 800 thùng nước tinh khiết cho các địa bàn bị chia cắt.

 

Tỉnh Gia Lai tiếp tục huy động các lực lượng Công an, quân đội, lực lượng xung kích tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ khắc phục hậu quả bão lũ tại các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh, hỗ trợ cho các gia đình có người chết 3 triệu đồng/hộ; hộ có nhà sập và bị lũ cuốn trôi được hỗ trợ 5 triệu đồng và 50kg gạo/hộ, nhà tốc mái 2 triệu đồng và 20 kg gạo/hộ, nhà bị ngập lũ 1 triệu đồng và 30 kg gạo/hộ từ nguồn hỗ trợ của Trung ương.

  

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,