221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1247532
Bài 1: Gặp nài voi tuổi teen
0
Article
null
Những truyền thuyết kể trên lưng voi:
Bài 1: Gặp nài voi tuổi teen
,

 - Tây Nguyên thường được nhắc đến với những đêm Khan triền miên không dứt, một xứ sở cồng chiêng âm vang huyền bí dưới chân dãy Trường Sơn... Không những thế, Tây Nguyên còn được nhắc đến với những huyền thoại gắn với những thớt voi khổng lồ...

 

Bài 1: Nài voi trẻ tuổi nhất Việt Nam

 

Câu chuyện của Y Thái – nài voi trẻ tuổi nhất Việt Nam với tôi, được ghi nhận trên chiếc lưng rộng, to bè như một tấm phản vững chắc của voi Na Khun. Đây là chú voi mà Y Thái đã gắn bó, bầu bạn từ khi còn tấm bé. Khắp buôn Jun, buôn Liên của "miền voi" huyện Lắc (tỉnh Đắc Lắc) rộng lớn, Y Thái là nài voi trẻ tuổi nhất Việt Nam...

 

Nài voi tuổi teen
 

Y Thái Hok sinh năm 1993. Ông ngoại em là một thầy thuốc chữa bệnh cho voi nổi tiếng, đồng thời cũng là nài voi tài ba nhất của buôn. Cậu Y Thái, Đàn Năng Long, một người đàn ông người Chăm, cũng là một thợ săn voi tài ba của huyện Lắc, và hiện đang là người sở hữu nhiều voi nhất Việt Nam bây giờ.

 

Mô tả ảnh.

Y Thái - nài voi trẻ tuổi nhất buôn Jun và trẻ nhất Việt Nam. - Ảnh: Kiên Trung

Câu chuyện của Y Thái bắt đầu theo những bước đi gập ghềnh trên tấm lưng to bè và vững chãi của voi Na Khun – thớt voi đã bước sang tuổi gần 60.

 

Y Thái được ông nội và cậu dạy cách nài voi từ khi em lên 6 tuổi. Na Khun cũng là chú tượng được lựa chọn để Thái học các kỹ thuật nài voi.

 

Để điều khiển được voi, người quản tượng phải là người quản lý, chăm sóc luôn chú voi đó, hiểu được đặc tính của voi cũng như các thói quen của nó, từ đó mới có thể hướng dẫn voi thực hiện các thao tác theo ý muốn của mình.

 

Mô tả ảnh.

Chàng trai M’nông 16 tuổi Y Thái. - Ảnh: Kiên Trung

Công việc đầu tiên khi Y Thái làm quen là tiếp xúc với Na Khun để voi quen hơi người. Ngoài việc cho voi ăn, Y Thái còn phải tắm cho voi, chải lông, dắt voi đi dạo, hay cột voi ngoài bìa rừng để nó đỡ nhớ rừng, và có khoảng không gian riêng. 

Vào khoảng năm 1996, khi ấy ông nội còn sống, lúc đó Na Khun còn là một chú voi trai trẻ ngoài 40 tuổi. Để Na Khun quen hơi, Thái phải mất mấy tháng trời ròng rã gần gũi với Na Khun. Khi Na Khun đã quen hơi người, ông ngoại Ma Tình mới cho Thái trèo lên lưng voi, và tập những bài tập sơ đẳng nhất mà một nài voi phải có.

 

Các bài tập mà tất cả các nài voi phải trải qua, đấy là học thuộc lòng các khẩu lệnh để ra lệnh cho voi: đi, dừng lại, quỳ xuống, lội nước, đi nhanh đi chậm, quẹo phải quẹo trái, bơi dưới nước... Vị trí quan trọng dành cho các nài voi, đấy là ở vị trí cổ, gần tai voi nhất. Người thợ nài voi không có ghế bành, mà phải ngồi trực tiếp trên mình voi, gần vị trí tai voi, hai chân vừa thả, vừa quặp, vừa thúc vào mạng sườn voi và hai dái tai voi.

 

Công cụ hỗ trợ các nài voi là những chiếc gậy dài có móc một đầu sắt bẻ cong (tựa như chiếc câu liêm). Đầu sắt nhọn này dùng để thúc vào lỗ tai voi, điều khiển voi theo ý muốn của quản tượng. Ngoài chiếc gậy sắt này, mỗi nài voi còn có một chiếc roi da ngắn chừng một thước, để quất vào mình voi mỗi khi... voi không nghe lời.

 

Những thớt voi khổng lồ ở Tây Nguyên, trước khi là voi nhà, đều là voi rừng được các gru (thợ săn voi) bắt về khi còn nhỏ. Na Khun bị chính ông ngoại Ma Tình và cậu ruột Đàn Năng Long bắt về trong một cuộc săn voi, lúc Na Khun mới 3 năm tuổi. Mấy chục năm sống với người, những chú voi rừng đã thuần tính, rất hiền lành, nhưng cũng có những cung bậc cảm xúc hệt như một con người, và cũng rất dễ nổi nóng...

 

Na Khun là một chú voi ít nói. Trong tổng số 7 chú voi phục vụ khách du lịch ở buôn Jun, buôn Liên, Na Khun là chú voi lớn tuổi nhất bây giờ. Ngoài Na Khun, còn có voi Đô năm nay 68 tuổi; Khăm Bun; A văn; Tuk; Bát Lăn...

 

Thái tâm sự, Na Khun là một chú voi sống rất tình cảm. Na Khun có thể biết được cậu chủ Y Thái đang vui hay đang buồn, và còn nhiều lần đứng ra “bênh” Y Thái. Một lần, cậu Long mắng Y Thái, Na Khun biết được, kiên quyết không cho cậu Long trèo lên lưng của Na Khun, và nó “nổi cáu” bằng cách vục vòi hút hết một xô nước, sau đó phun phì phì vào cậu Long. Phải đến khi Y Thái nói, Na Khun mới chịu không "quậy" nữa...

Na Khun rất hay làm nũng với Y Thái, và rất ngoan ngoãn nghe lời cậu chủ nhỏ. Na Khun cũng thường hay chìa chiếc vòi dài của mình ra trước mặt khách, đợi khách du lịch thưởng kẹo mới chịu chun vòi trở lại.

 

Công việc chính trong một ngày của Y Thái và Na Khun là chở khách du lịch đi vòng quanh buôn Jun chừng chưa đầy chục cây số.

Mô tả ảnh.

Du lịch trên lưng những thớt voi khổng lồ ở buôn Jun khiến nhiều du khách thích thú. - Ảnh: Kiên Trung

“Một chuyến như thế mất chừng hơn một giờ đồng hồ. Một con voi chở được hai khách ngồi trên chiếc ghế bành bằng gỗ đặt trên lưng voi. Một chuyến đi dạo quanh buôn trên lưng voi, khách trả cho Na Khun khoảng 150 đến 180 ngàn đồng!” – Y Thái tâm sự.

 

Y Thái là một nài voi bận bịu nhất trong số 7 nài voi của buôn Jun. Học hết cấp 2, em ở nhà để kế tục nghề nài voi của ông bà để lại. Mọi người trong buôn Jun khen Y Thái là một nài voi khéo léo, vì không bao giờ để Na Khun “ngẫu hứng” chạy nhong nhong hay đứng ì lại không đi, làm khách bực mình. 

 

Khuôn mặt hiền khô, giọng nói rủ rỉ có phần bẽn lẽn, nhưng đôi mắt đen rạng rỡ như biết cười của Y Thái khiến nhiều khách du lịch nhớ mặt, và cũng khiến nhiều người muốn Y Thái chở đi dạo vòng quanh buôn. Bây giờ, Y Thái đã có một chiếc điện thoại di động để liên lạc đón khách du lịch. Ngày bận rộn nhất, Y Thái và Na Khun phải đi tới cả chục chuyến, hay trung bình vài ba chuyến một ngày quanh buôn...

 

Đau đáu với voi rừng
 

Mười sáu tuổi, Y Thái đã ra dáng là một thanh niên M’nông chững chạc. Mẹ Y Thái là người Chăm, bố Y Thái người M’nông. Y Thái mang trong mình hai dòng máu của hai dân tộc, em kế thừa vẻ mạnh mẽ của người đàn ông M’nông cường tráng và đôi mắt buồn của mẹ.

 

Buôn Jun có hồ Lắc – một chiếc hồ tự nhiên rộng nhất Việt Nam với diện tích 650ha; có dinh thự của vua Bảo Đại gắn với truyền thuyết về cánh đồng voi lớn nhất Việt Nam của ông vua ăn chơi bậc nhất hơn thế kỷ trước, với vùng voi Lắc đông đúc voi nhất của đại ngàn Tây Nguyên nhiều năm trước.
Buôn Jun của Y Thái trong những năm gần đây đã bắt đầu có bóng dáng của những ngôi nhà xây thay cho những chiếc nhà sàn gỗ. Từ trung tâm thị trấn huyện Lắc vào tới buôn Jun chỉ mất chừng vài ba cây số. 

Đấy là những cơ sở thuận lợi để buôn Jun làm du lịch. Thế nhưng, cách làm du lịch của những người M’nông trong buôn Jun như cậu Long của Y Thái, vẫn chỉ là một cách làm rất giản dị: tập hợp các thớt voi để thành lập đội voi, chở khách du lịch đi tham quan một vòng quanh buôn Jun...

 

Khách du lịch phần lớn háo hức với cảm giác được ngồi trên chiếc lưng khổng lồ và vững chãi của các chú voi, háo hức với cảm giác được vượt hồ trên mình voi, hay lắc lư, đu đưa người theo những bước chân gập ghềnh, thô vụng của những con vật hiền lành khổng lồ...

 

Mô tả ảnh.

Chặng hành trình trên lưng voi vượt qua hồ Lắc - một hồ tự nhiên rộng nhất Việt Nam với diện tích 650ha của huyện Lăk (tỉnh Đắc Lắc). - Ảnh: Kiên Trung

Thái kể, đối với người M’nông, người Ê đê, người Lào, người Chăm ở Tây Nguyên, mỗi một chú voi là một thành viên trong gia đình, chứ không giống như những vật nuôi bình thường khác.

 

Trước, voi chủ yếu làm công việc kéo gỗ, kéo củi về cho người dựng nhà, làm đường... Một công việc khác không kém phần quan trọng, đấy là tham gia các cuộc săn voi trong đại ngàn với các gru của buôn.

 

Những năm gần đây, khi nhà nước ngăn cấm săn voi, ngăn cấm chặt cây gỗ trong rừng, các chú voi nhà gần như “mất việc”, chỉ làm công việc thồ hàng hóa cho con người. Mấy năm nay, từ khi cậu ruột của Thái, Đàn Năng Long, nghĩ ra loại hình du lịch chở khách thăm buôn làng trên lưng voi, các chú voi mới bắt đầu... có việc.

 

Mô tả ảnh.

Những nài voi lặng lẽ... - Ảnh: Kiên Trung

“Đối với người dân Tây Nguyên, voi là con vật rất thiêng liêng, và không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Người M’nông không bao giờ ăn thịt voi, mà còn thờ voi, tổ chức đám tang khi voi chết, hay tổ chức đám cưới cho những cặp voi yêu nhau. Trong tâm thức của người Tây Nguyên, các chú voi là những thành viên lớn tuổi trong nhà...”.


Số lượng voi rừng của Tây Nguyên bây giờ, người ta có thể thống kê khá chính xác. Điều đó cũng đồng nghĩa, theo thời gian, loài động vật khổng lồ ấy đang dần dần rời bỏ con người để bước chân cư ngụ vào trong... sách đỏ. Điều ấy càng đúng và chính xác đối với voi nhà (voi rừng được thuần hóa) bởi số lượng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay!

  • Kiên Trung

 

Bài 2: Cuộc săn voi cuối cùng giữa đại ngàn

 

Vài năm trước, một đoàn làm phim người Pháp đã đến buôn Jun gặp Đàn Năng Long bày tỏ mong ước thực hiện một bộ phim tài liệu về một cuộc săn voi rừng của các gru (dũng sỹ săn voi) của Tây Nguyên. Đấy cũng là cuộc săn voi cuối cùng giữa đại ngàn của các gru dũng mãnh...

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,