– Trong buổi họp báo công bố 10 thành tựu y tế nổi bật năm 2009 của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết trong thời gian tới sẽ bỏ chế độ tăng lương theo thâm niên để khuyến khích và thu hút nhân tài.
Đây là một trong những nội dung của đề án 42 do Bộ Y tế xây dựng và đã được Bộ Chính trị thông qua. Đề án 42 là đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế.
“Trang thiết bị y tế thiếu có thể mua hoặc kêu gọi, tiền thiếu có thể vay mượn. Nhưng thiếu thầy thuốc giỏi thì ngành y tế sẽ tụt hậu”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh.
Hiện nay, hệ thống y tế công lập Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ “chảy máu chất xám” khi các cán bộ y tế tay nghề cao đã chuyển sang lĩnh vực y tế tư nhân vì chế độ đãi ngộ chưa hợp lý. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng thừa nhận rằng mức độ chênh lệch về lương của một thầy thuốc giỏi so với một thầy thuốc tay nghề trung bình (đáng bậc học trò) chỉ vài trăm ngàn là điều bất hợp lý.
BHYT và ATVSTP: Đấu tranh quyết liệt 20 năm nữa mới đỡ
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận với những bất cập như hiện nay, 2 lĩnh vực Bảo hiểm y tế và An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phải kiên trì đấu tranh và đấu tranh quyết liệt trong gian khổ thì khoảng 10, 15 hoặc thậm chí 20 năm nữa tình hình mới được cải thiện.
Đây cũng là hai trong những nội dung “nóng bỏng” nhất của ngành y tế năm 2009.
An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nội dung "nóng" nhất năm 2009 với nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng (Trong ảnh là trái cây làm mứt tại TP HCM lúc nhúc dòi bọ vừa bị phát hiện ngày 28/12. Ảnh: Thanh Huyền)
Theo Bộ trưởng Triệu, ngành y tế Việt Nam năm 2009 còn phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ khác.
Cụ thể: Diễn biến các dịch bệnh phức tạp (Cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt xuất huyết); việc giải quyết chất thải y tế còn nhiều bất cập; nhân lực y tế còn khó khăn, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, thanh tra và y tế cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện chưa được cải thiện đáng kể, còn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là tuyến trung ương và tuyến tỉnh; tỷ lệ sinh đã giảm nhưng mất cân bằng giới vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm.
Riêng về vấn đề ATVSTP, Bộ trưởng Triệu cho biết: “Tỷ lệ bếp ăn tập thể đạt tiêu chuẩn là 52,6%, tuy nhiên phần lớn chưa được cấp phép đủ điều kiện vệ sinh. Việc nuôi trồng rau quả, gia súc, gia cầm, thủy sản chưa kiểm soát được. Vấn đề kiểm soát các cơ sở chế biến thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các vấn đề khó khăn khác là kiểm soát thực phẩm qua biên giới, buôn bán tự do thực phẩm trên thị trường và vai trò quản lý của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, quan tâm đúng mức”.
ATVSTP cũng là một trong những nguyên nhân làm biến đổi cơ cấu bệnh tật của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo: “Cơ cấu bệnh tật ở nước ta thay đổi mạnh thể hiện ở chỗ: Các bệnh không nhiễm trùng chiếm tới 61% (gồm ung thư, tim mạch, huyết áp, gút, …); 27% là những bệnh nhiễm trùng và 12% là các tai nạn thương tích”.
Năm 2010: Tập trung với ứng phó biến đổi khí hậu
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Việt Nam năm 2010 là tập trung ứng phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu, các loại bệnh mới, tình hình dịch bệnh sẽ phức tạp hơn.
Ngoài ra, trong năm 2010, ngành y tế Việt Nam có thêm 9 nhiệm vụ khác, cụ thể là: Tập trung phòng ngừa đại dịch cúm A/H1N1 và H5N1, tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chống quá tải, giảm nằm ghép; đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ bản với 621 bệnh viện huyện và 525 bệnh viện tỉnh được nâng cấp; tăng cường công tác ATVSTP; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tổ chức triển khai tốt luật BHYT từ 01/01/2010; bảo đảm thuốc thiết yếu cho nhu cầu sử dụng của nhân dân, tiếp tục bình ổn giá thuốc (năm 2009, dược phẩm đứng thứ 7 trong nhóm sản phẩm tăng giá trên thị trường).
Bên cạnh đó là nhiệm vụ kiểm tra quản lý nhà nước về kế hoạch tài chính và thanh tra y tế, hợp tác quốc tế và công tác đầu tư phát triển hệ thống y tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết năm 2010, công tác y tế dự phòng sẽ được đẩy mạnh hơn hẳn, xác định phòng bệnh là gốc. Ngân sách chi cho Y tế dự phòng hàng năm chiếm 10% tổng ngân sách chi cho các hoạt động y tế. Tuy nhiên, dự kiến năm 2010, con số này sẽ được nâng lên mức 30%.
10 thành tựu năm 2009 của ngành y tế Việt Nam (Do Bộ Y tế lựa chọn) 1. Quốc hội khóa 12 thông qua luật BHYT. 2. Quốc hội khóa 12 thông qua luật Khám chữa bệnh. 3. Bộ Chính trị thông qua các đề án về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế; công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. 4. Triển khai đề án 1816 về cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. 5. Xây dựng đề án đầu tư nâng cấp bệnh viện huyện, liên huyện, chuyên khoa các tỉnh miền núi bằng trái phiếu Chính phủ. 6. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình có nhiều chuyển biến. 7. Công tác phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. 8. Thành lập mới 3 trường ĐH, 5 trường CĐ về y và 1 viện kiểm nghiệm ATVSTP. 9. Công tác khoa học đào tạo 10. Công tác Dược: Đảm bảo bình ổn giá trên thị trường.
- Cẩm Quyên