– Dịch cúm gia cầm tái bùng phát vào thời điểm cuối năm, trùng với thời điểm cúm A/H1N1 đang lan rộng gây ra nhiều lo ngại về khả năng tái tổ hợp giữa 2 chủng vi rut.
Dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện ở Cà Mau, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước Tết Nguyên đán.
Trong công văn số 259/TY-DT gửi ngày 3/12/2009, Cục Thú y nhận định: “Ngày 26/10/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản số 2481/BNN-TY về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa tích cực triển khai thực hiện nội dung văn bản nêu trên dẫn đến bệnh lở mồm long móng trên gia súc ngày càng phức tạp, bệnh cúm gia cầm bắt đầu phát ra”.
Thêm một ổ cúm gia cầm H5N1 tại Cà Mau
Theo báo cáo ngày 4/12 của Cục Thú y, Cà Mau là địa phương mới nhất ghi nhận có ổ dịch cúm gia cầm H5N1.
Từ ngày 25/11/2009, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên 1 đàn vịt tại xã Tân Lộc Bắc thuộc huyện Thới Bình làm 184 con mắc bệnh trong tổng đàn 350 con. Toàn bộ số vịt trên đã được tiêu hủy vào ngày 1/12/2009. Hiện tại, địa phương đang tiến hành các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo quy định.
Như vậy, Cà Mau là địa phương thứ 2 trong cả nước ghi nhận có ổ cúm gia cầm kể từ đầu mùa đông năm nay. Trước đó, vào tháng 10/2009, Điện Biên đã phát hiện bệnh cúm gia cầm tại 7 hộ gia đình, đã có trên 2.000 con gia cầm tại tỉnh này bị tiêu hủy.
"Nhiều địa phương chưa tích cực triển khai thực hiện nội dung được yêu cầu dẫn đến bệnh lở mồm long móng trên gia súc ngày càng phức tạp, bệnh cúm gia cầm bắt đầu phát ra" (Ảnh minh họa: VNN) |
Điều đáng lo ngại là cách đây chưa đầy 1 tuần, đã có một bệnh nhân là thanh niên khỏe mạnh tại Điện Biên tử vong do ăn tiết canh vịt. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này cho thấy bệnh nhân dương tính với vi rút cúm A/H5N1.
Dịch cúm gia cầm tái bùng phát vào thời điểm cuối năm, trùng với thời điểm cúm A/H1N1 đang lan rộng gây ra nhiều lo ngại về khả năng tái tổ hợp giữa 2 chủng vi rut. Nếu 2 chủng vi rut của 2 loại cúm này tái tổ hợp tạo thành một chủng vi rút mới thì vi rut mới này sẽ có độc lực cao hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn.
Ngoài dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên gia súc cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Báo cáo của Cục Thú y cho thấy Nam Định là địa phương mới nhất ghi nhận có gia súc mắc bệnh lở mồm long móng.
Từ ngày 22/11/2009, dịch Lở mồm long móng đã xảy ra tại xã Yên Khang thuộc huyện Ý Yên. Tổng số gia súc mắc bệnh là 15 con bò. Hiện tại, địa phương đang tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Hiện nay, cả nước còn 16 tỉnh là: Quảng Nam, Đăk Lăk, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Sơn La, Lạng Sơn và Nam Định có dịch Lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
Nguy cơ lớn bùng phát dịch là rất lớn
Cục Thú y cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Dần, thời tiết thay đổi, nhu cầu thực phẩm tăng cao, tình hình chăn nuôi vận chuyển gia súc gia cầm sẽ gia tăng đột biến. Do đó, nguy cơ bùng phát các ổ bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm là rất lớn”.
Cục Thú y yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát và phát hiện sớm các đàn gia súc gia cầm mắc bệnh, cần tiêu hủy toàn bộ số vật nuôi mắc bệnh. Song song với đó là thực hiện nghiêm việc tiêm phòng, đặc biệt chú trọng các khu vực nguy cơ cao, ổ dịch cũ, … Cần kiểm sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc gia cầm qua biên giới và vận chuyển nội địa.
Đối với dịch lở mồm long móng và bệnh tai xanh trên lợn, ngoài các yêu cầu như trên cần thực hiện tốt vệ sinh tiêu độc, khử trùng định kỳ.
Theo thống kê của Cục Thú y, tính từ tháng 1/2009 đến hết ngày 3/12/2009, cả nước có 224 xã thuộc 84 huyện của 26 tỉnh thành có dịch lở mồm long móng trên gia súc với 7.519 con mắc. Dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 68 xã phường thị trấn của 34 huyện thị thuộc 17 tỉnh thành với 127.725 con mắc và tiêu huỷ. Dịch tai xanh xảy ra ở 69 xã thuộc 256 huyện của 14 tỉnh thành với 7.030 con lợn mắc.
- Cẩm Quyên