– Ngay cả khi bị toà tuyên án tử hình, tên Phạm Đình Dương, kẻ đâm chết Thiếu tá công an Phan Công Việt vẫn tỏ ra thản nhiên đến lạnh lùng!
Kẻ giết người tỉnh bơ thuật lại hành vi gây án
Sáng 1/12, hàng nghìn người dân Đà Nẵng đã tập trung tại quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương để chứng kiến phiên xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với Phạm Đình Dương (sinh năm 1965, đăng ký hộ khẩu tại tổ 34, phường Thanh Bình, quận Hải Châu nhưng không có nơi cư trú nhất định). Dương bị VKSND TP Đà Nẵng truy tố về các tội “giết người” (theo điểm a, d, n khoản 1 Điều 93) và “cố ý gây thương tích” (theo khoản 1 Điều 104 BLHS).
Phiên toà lưu động xét xử kẻ giết người Phạm Đình Dương sáng 1/12. Ảnh: HC
Ít ai ngờ tên sát thủ này lại có thể lạnh lùng, bình thản đến thế khi nhận án tử. Từng 3 lần vào tù ra tội vào các năm 1985, 1988 và 1994 với tổng cộng 6 năm tù vì các tội trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích, tên Dương tỏ ra rất thông thuộc trình tự của một phiên toà lẫn cách xưng hô với HĐXX của TAND TP Đà Nẵng do thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà làm chủ toạ.
Các câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch và… đầy kinh nghiệm, chứng tỏ đối tượng cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý để nhận mức án nặng nề, song vẫn khôn khéo tìm kiếm một sự nương nhẹ nào đó từ HĐXX.
Dương bình thản kể lại việc vào ngày 20/11/2004, y đến quán hớt tóc Thanh Duyên (81 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng) để đòi tiền cho thuê xe thì được chị Nguyễn Thị Mai can ngăn. Thế là y rút dao giấu trong người đâm thẳng vào bụng chị Mai (gây thương tích 51%). Sau đó, y bỏ trốn vào TP.HCM. Đến ngày 16/9/2009, y trở về Đà Nẵng để dò la tình hình xử lý vụ việc này.
Khi trở về nhà cũ thì hắn mới hay nhà đã bị bán, mẹ cũng đã chết. Ngoài cha và một người anh ruột đã chết trước đó, người anh còn lại của Dương nghe nói cũng đã đi nước ngoài!
Hàng nghìn người dân đã đến quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương để dự khán phiên toà. Ảnh: HC
Tứ cố vô thân, Dương sống lang thang ở Bến xe Đà Nẵng và gặp lại Trần Quang Khải (sinh năm 1981, trú tổ 40, phường Chính Gián, Đà Nẵng) vốn là người quen cũ ở bãi vàng. Đây cũng là đối tượng đang bị Công an Đà Nẵng truy bắt theo một chuyên án trộm cắp.
Khoảng 13g30 ngày 21/9/2009, Khải chở Dương đi trên xe máy Yamaha Exiter màu đỏ đen (vốn là của anh Bùi Đăng Hải, trú 108 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng; bị mất trộm ngày 22/8/2009 tại phường Hoà Thuận Tây). Khi đến đường 5,5m thuộc tổ 56B (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) thì Khải bị tổ trinh sát do Thiếu tá Phan Công Việt phụ trách phát hiện.
Dương kể tỉnh rụi: “Lúc dừng xe trên đường, tôi thấy có một thanh niên đi tới, trông bộ dạng tôi đã nghi nghi nên nổ máy bỏ chạy. Người thanh niên vẫn sấn tới, xưng là cảnh sát hình sự và yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Vì đang bị truy bắt sau vụ đâm chị Mai nên tôi bỏ chạy. Người thanh niên đuổi theo nắm được áo tôi. Tôi vùng ra không được nên quay lại rút dao đâm vào ngực người đó 2, 3 nhát gì đó. Sau đó có một người khác xông vào, tôi đâm tiếp mấy nhát vào hông nhưng vẫn bị gạt chân ngã xuống, rồi có mấy người nữa xúm lại ôm tôi!”.
Kết quả giám định cho thấy, hai nhát dao chí mạng đâm trực diện vào vùng ngực trái, thấu tim đã khiến Thiếu tá Phan Công Việt tử vong tại bệnh viện vì bị choáng tim, choáng mất máu không hồi phục được. Anh mất đi để lại người vợ trẻ, đứa con đầu lòng mới 2 tuổi cùng cha mẹ già yếu không nơi nương tựa. Còn 3 nhát dao đâm vào vùng sườn phải Trung sĩ Ngô Thanh Đông khiến anh bị thương tích 8%. Riêng đối tượng Trần Quang Khải chạy thoát.
Không còn có thể cải tạo, giáo dục
Bị cáo Dương khai, con dao dùng để gây án là loại dao xếp, bấm lưỡi do y thấy đẹp nên mua ở TP.HCM để “khi nào nhậu thì lấy ra cắt trái cây”. Rồi y phân trần: “Vì tôi ở xa nhà nên cần có con dao trong người để phòng thân”. Và cuối cùng là thừa nhận: “Lúc nào trong người cũng thủ sẵn dao!”.
Tuy nhiên, y cũng cố biện bạch là lúc gây án, y chỉ cố làm sao để chạy thoát khỏi công an chứ không nghĩ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, y thừa nhận mình giết nhiều người, giết người đang thi hành công vụ nhưng lại không chấp nhận những hành vi đó có tính chất côn đồ!
Trực tiếp có mặt tại hiện trường, đồng thời là người bị hại, Trung sĩ Ngô Thanh Đông phản bác: “Thái độ, hành vi của bị cáo Dương là hết sức côn đồ, hung hãn. Sau khi đâm anh Việt xong, bị cáo quay sang tôi, thấy chỗ nào sơ hở trên thân thể tôi là đâm vào. Tôi chỉ còn cách để bị cáo đâm vào người thì tôi mới bắt được tay dao và khống chế đối tượng!”.
Sau khi bị tuyên án tử hình, tên Dương vẫn tỏ ra hết sức lạnh lùng, bình thản! Ảnh: HC
Sau khi nghe phần tranh luận của các bên, chủ toạ phiên toà Lê Thị Ngọc Hà đi đến kết luận: Tuy thành khẩn khai báo nhưng bị cáo Dương vẫn bộc lộ bản chất côn đồ, hung hãn, xem thường pháp luật, xem thường tính mạng của người khác, phạm tội giết người có tình tiết tột khung. Đối tượng không còn khả năng có thể cải tạo mà cần phải loại khỏi đời sống xã hội để răn đe và phòng ngừa chung.
Do vậy, HĐXX quyết định tuyên Phạm Đình Dương phải chịu án tử hình đối với tội “giết người”, 9 năm tù đối với tội “cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt là tử hình. Thế nhưng, ngay cả khi bị tuyên mức án khủng khiếp đó, bị cáo Dương vẫn tỏ ra lạnh tanh, mặt gần như không biến sắc, không tỏ ra chút gì là ăn năn, hối hận.
Dẫu sao, trong lời cuối cùng trước toà, bị cáo này cũng đã nói được một câu: “Biết là đã quá muộn nhưng tôi cũng xin lỗi thân nhân những người quá cố do hậu quả mà tôi gây ra!”.
-
Hải Châu