221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1254000
VN chủ động tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 trước, WHO hỗ trợ sau
0
Article
null
VN chủ động tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 trước, WHO hỗ trợ sau
,

 – Một trong 5 nội dung Bộ Y tế Việt Nam đề nghị đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là WHO sẽ cử chuyên gia có kinh nghiệm vào hỗ trợ Việt Nam trong trường hợp xảy ra sự cố khi tiêm chủng vắc-xin cúm A/H1N1. 

Tuy nhiên, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Y tế) cho biết, WHO đã hồi âm rằng Việt Nam đã có hệ thống cảnh báo và phản ứng sau tiêm chủng tốt, đề nghị Việt Nam hoàn toàn chủ động kiểm soát chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cúm A/H1N1, nếu có sự cố nghiêm trọng WHO sẽ cử chuyên gia vào hỗ trợ sau.
 

Ngoài ra, các thông tin quan trọng khác Bộ Y tế Việt Nam đề nghị WHO làm rõ trước khi Việt Nam nhận được vắc-xin viện trợ đều được WHO trả lời đầy đủ. 

Thứ nhất, Việt Nam đề nghị WHO cung cấp các loại vắc xin nằm trong danh mục được WHO cho phép sử dụng và chưa có báo cáo về phản ứng sau tiêm chủng. WHO cho biết không có loại vắc-xin nào không gây phản ứng phụ sau tiêm chủng. Thông thường vắc-xin cúm mùa gây phản ứng nhẹ (sốt, đau đầu, khoảng 10% các trường hợp tiêm, tỷ lệ gây dị ứng là 0,1%). 

Riêng với loại vắc-xin viện trợ cho Việt Nam của hãng GSK có bổ sung tá dược, một loại chất bổ trợ làm tăng khả năng đáp ứng cá nhân, đồng thời làm tăng phản ứng sưng, đau (ở mức chấp nhận được, nếu vượt quá phạm vi cho phép như ở Canada sẽ không được sử dụng). 

Mô tả ảnh.
Việt Nam phải chủ động hoàn toàn trong việc ứng phó với các tai biến khi tiêm vắc-xin cúm A/H1N1, trong trường hợp vắc-xin gây biến chứng nghiêm trọng thì Tổ chức Y tế thế giới sẽ  hỗ trợ sau (Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Cẩm Quyên)

Thứ hai, Việt Nam đề nghị WHO cung cấp số liệu các quốc gia trên thế giới đang sử dụng loại vắc-xin của GSK. WHO cho biết hiện Canada đã có 23,4 triệu liều được sử dụng. Vắc-xin này hiện đang được vận chuyển đến 9 quốc gia trên toàn thế giới. 

Thứ ba, đã có bao nhiêu quốc gia ký thỏa thuận chấp nhận các điều kiện khi tiếp nhận vắc-xin viện trợ (trong đó có điều kiện: WHO và nhà sản xuất không chịu trách nhiệm về tai biến khi tiêm vắc-xin). WHO cho biết: Tính đến ngày 20/12, đã có 20 trên tổng số 80 quốc gia đăng ký nhận vắc-xin viện trợ đã ký vào thỏa thuận chấp nhận. Việt Nam hiện chưa nằm trong số 20 nước này. 

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cúm A/H1N1 chỉ còn đợi Thủ tướng phê duyệt nữa là hoàn tất. Còn khâu cấp phép, đăng ký lưu hành do Cục Quản lý Dược đảm nhận”.
 

Để cấp phép, Cục quản lý Dược tiếp tục phải đợi các kết quả thử nghiệm lâm sàng từ Vụ Khoa học – Đào tạo, do đó quy trình sẽ không nhanh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, mọi thủ tục sẽ được đảm bảo chính xác nhưng ngắn gọn nhất để vắc-xin có thể về Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể. 

Dự kiến, 1,2 triệu liều vắc-xin cúm A/H1N1 được tài trợ sẽ ưu tiên cho khoảng 800 đến 900 ngàn phụ nữ có thai, khoảng 280 ngàn cán bộ y tế. Tuy nhiên, ông Nga cho biết sẽ tiêm thí điểm ở một số địa phương trước khi tiến hành tiêm đại trà trên diện rộng để đảm bảo an toàn. 

Thêm 2 bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1 

Chiều 23/12, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong do cúm A/H1N1, nâng tổng số bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1 lên 52 người. 

Tính đến hết ngày 23/12, cả nước đã có 23 tỉnh, thành phố ghi nhận có bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong, phân bố đồng đều ở cả 4 khu vực, trong đó miền Nam đông nhất với 42,3% bệnh nhân, tiếp đến là miền Bắc: 26,9%, miền Trung và Tây Nguyên chiếm 15,4%. 

Dịch cúm A/H1N1 ngày càng trở nên đáng lo ngại khi trong tuần qua, dịch cúm gia cầm H5N1 tiếp tục trở lại tại tỉnh Cao Bằng với 55 con vịt và gà mắc bệnh rồi chết. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chưa ghi nhận có biến đổi gen trong virus cúm A/H1N1 nhưng nguy cơ tái tổ hợp đang đe dọa rất gần. 

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,