- Tết Nguyên đán Canh Dần đã cận kề nhưng cả cúm gia cầm H5N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả đang cùng trở lại, làm dấy lên nguy cơ dịch có thể bùng phát mạnh vào đúng dịp Tết.
Lần này, dịch tiêu chảy cấp tiếp tục trở lại với An Giang. Cách đây không lâu, địa phương này đã ghi nhận 3 ca mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), từ ngày 19/01 đến ngày 28/01/2010, toàn tỉnh An Giang đã có 45 trường hợp tiêu chảy cấp phải nhập viện.
Kết quả xét nghiệm ban đầu xác định có 7 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Điều tra dịch tễ cho thấy, cả 7 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả đều sinh sống ở tỉnh Tà Keo và tỉnh Cần Đan, Campuchia, sau khi nhiễm bệnh đã qua Việt Nam (tỉnh An Giang) điều trị.
Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã chỉ đạo ngành y tế địa phương tiến hành điều tra, giám sát và xử lý triệt để các ổ dịch đầu tiên, tuyên truyền cho người dân các biện pháp chủ động để phòng, chống dịch.
Bệnh nhân tiêu chảy cấp đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Quốc gia năm 2008. (Ảnh minh họa: VNN) |
Trong khi đó, dịch cúm gia cầm H5N1 đang bùng phát tại Hà Tĩnh. Theo báo cáo từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì từ ngày 20/1 đến ngày 25/1, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm gồm: Phường Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh), xã Cầm Thạch, Cẩm Nam (huyện Cẩm Xuyên) và xã Thạch Đoài (huyện Thạch Hà). Như vậy, hiện tại tỉnh Hà Tĩnh đã phát ra 6 ổ dịch tại 3 huyện. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 8.212 con (2.380 con gà, 5.456 con vịt và 376 con ngan).
Ngành y tế địa phương đã phối hợp cùng với cơ quan Thú y tiến hành giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A(H5N1) ở người để cách ly, xử lý triệt để ổ dịch.
Trong mấy ngày qua, tại các khu vực có dịch cúm gia cầm, nhiều người sau khi tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, xuất hiện các triệu chứng về đường hô hấp đến khám tại các cơ sở y tế. Trung tâm YTDP Hà Tĩnh đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm là các trường hợp có hội chứng cúm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Kết quả xét nghiệm cả 7 mẫu đều âm tính với vi rút cúm A(H5N1).
Trung tâm y tế dự phòng địa phương đã lập danh sách những người tham gia tiêu huỷ gia cầm và những hộ gia đình có gia cầm bị bệnh để tiến hành theo dõi sức khỏe hàng ngày, đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân trong vùng dịch các biện pháp phòng bệnh.
Hạn chế tụ tập ăn uống đông người để phòng dịch
Bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả và bệnh cúm A(H5N1) ở người là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền nhanh, tỷ lệ tử vong cao; để chủ động phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Canh Dần, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như:
1. Không nên tổ chức ăn uống đông người khi không thật sự cần thiết; Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, đặc biệt là phòng tránh bệnh tả.
2. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.
3. Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
4. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. |
- Cẩm Quyên