- Người dân chúng tôi ủng hộ hoàn toàn chủ trương kiên quyết bảo vệ và khôi phục lại diện mạo ao, hồ của Hà Nội và sẵn sàng đóng góp sức mình cho việc này. Hãy cho người dân chúng tôi biết, chúng tôi có thể góp sức vào việc này như thế nào?
>> Toàn cảnh hồ Hà Nội đang biến mất
Trước thông tin Hà Nội đã ra tay cứu ao, hồ đang bị san lấp trái phép, không chỉ người dân Thủ đô mà rất nhiều độc giả VietNamNet trên cả nước đã bày tỏ niềm vui mừng trước thái độ dũng cảm, đàng hoàng, minh bạch của thành uỷ và UBND TP.Hà Nội. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan của thông tin, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến của độc giả về chủ trương đúng đắn này của Hà Nội:
Ngày 20/1, Hà Nội chính thức mở cuộc kêu gọi các nguồn lực trong toàn xã hội cải tạo hồ, ao (Ảnh: H.H). |
Chúng tôi tin Hà Nội đã nói là làm
Độc giả Trần Quang Đạo (địa chỉ: anhdao_ne@....) rất tâm đắc với chủ trương bảo vệ ao, hồ mặt nước của Bí thư Phạm Quang Nghị: Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi thấy người đứng đầu Hà Nội dứt khoát và kiên định tuyên bố trên báo VietNamNet: "Lâu nay Thành phố vẫn chỉ đạo không được lấp ao, hồ và giao chính quyền địa phương chống tái lấn chiếm. Tinh thần chung là phải triệt để bảo vệ hồ, tôn tạo. Phải có lộ trình, ngay một lúc chưa thể làm hết được nhưng trước mắt ưu tiên các hồ tại nội thành, quận, huyện liền kề và trong các khu đô thị mới".
Các hồ nước ở Hà Nội là quà tặng vô giá của tự nhiên ban tặng cho Hà Nội, là những viên ngọc sáng quý hiếm làm nên đặc thù của một thủ đô ngàn năm văn hiến, là sự khác biệt độc đáo giữa thủ đô Hà Nội với các thủ đô trên thế giới. Quy hoạch đô thị nên lấy các hồ nước này làm cơ sở để, làm điểm nhấn định hình khuôn mặt tương lai của Thủ đô như Hồ gươm, Hồ Tây đã là điểm nhấn từ bao đời nay.
Độc giả Lê Vinh (Hà Nội) bày tỏ: Dù muộn, nhưng cũng mừng là Hà Nội đã chính thức vào cuộc để ngăn chặn tình trạng các hồ bị lấn chiếm, bức tử tràn lan. Theo tôi, Hà Nội cần phải mạnh tay, kiên quyết với tình trạng này, chứ nếu không sẽ chẳng mấy chốc ao hồ Hà Nội sẽ còn lại diện tích bé tý tẹo không xứng tầm với 1 thủ đô vốn có nhiều hồ nước trước đây.
Từ Nha Trang (Khánh Hoà), độc giả Vinh Hoà nhận xét: Một thành phố có ao hồ và cây xanh là cực kỳ quan trọng. Nó là lá phổi, nơi nghỉ dưỡng, giảm bụi, tiếng ồn, ... và thoát lũ của thành phố. Tôi thật sự buồn thấy Thủ đô Hà Nội cây xanh bị chặt, ao hồ bị lấp hoặc lấn chiếm dần diện tích. Nhiều nước người ta còn làm ao hồ nhân tạo, suối nhân tạo giữa thành phố, trong khi đó ở ta thì làm ngược lại. Tôi nghĩ Hà Nội đâu có thiếu đất ở? Sao người ta cứ chen chúc nhau ở khu vực trung tâm? Lãnh đạo Hà Nội cần nhanh chóng và kiên quyết cứu ao hồ của mình, nếu để chậm, tôi e sẽ đến ngày hối hận, xã hội hoá công việc này tôi cho là giải pháp tối ưu .
Từ Thanh Hoá, độc giả Lương Xuân Hà nhận xét: Thời gian vừa qua tôi thường xem các bản tin trên VietnamNet về những phóng sự về những nồ nước của Hà Nội bị san lấp và cá nhân tôi rất buồn về điều đó. Là một người rất yêu Hà Nội nên tôi rất đau lòng về những hồ tự nhiên Hà Nội đang dần bị thu hẹp lại và biến mất. Hà Nội là trái tim của Việt Nam và là TP được hình thành hàng nghìn năm nay. Nét tiêu biểu của Hà Nội là hồ nước và phố cổ. Hôm nay tôi đã đọc báo và biết được người đứng đâu Thu đô Hà Nội đã có các biện pháp và kế hoạch tìm lấy lại nguyên vẹn diện tính của các hồ trên địa bàn thu đô. Trả lại những gì thuộc về Hà Nội "lãng mạng_cổ kính_yên bình_ấm áp, những mặt hồ nước lung linh". Hãy để Hà Nội đẹp mãi trong lòng 80 triệu người đân Việt Nam.
Độc giả Phan Thanh Lan (địa chỉ ptlan158@....) không chỉ vui mừng trước quyết định đẹp lòng dân Thủ đô mà còn bày tỏ thái độ ủng hộ rất thiết thực: Tôi là một người dân sống cạnh khu Đầm Hồng. Hàng ngày chứng kiến cảnh san lấp, bức tử Đầm Hồng mà đau xót, nay thấy những vị đứng đầu Hà Nội lên tiếng kiên quyết bảo vệ ao, hồ; kiên quyết trả lại cho các hồ nước phần diện tích đã bị lấn chiếm trái phép. Những người dân chúng tôi tin chắc rằng Hà Nội đã nói là làm và đã làm là làm dứt điểm.
Người dân chúng tôi ủng hộ hoàn toàn chủ trương kiên quyết bảo vệ và khôi phục lại diện mạo ao, hồ của Hà Nội và sẵn sàng đóng góp sức mình cho việc này. Hãy cho người dân chúng tôi biết, chúng tôi có thể góp sức vào việc này như thế nào?
Việc lấn đầm hồ đã xuất hiện từ lâu
Ngay khi VietNamNet đăng tải chuyên đề về hiện tượng lấn chiếm, bức tử nhiều hồ trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều độc giả từ khắp nơi đã gửi thư về toà soạn bày tỏ những ý kiến bức xúc trước cảnh “lá phổi” của Thủ đô đang ngày một thu hẹp trước sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.
"Mỗi khi đi qua khu vực Đầm Hồng thấy rất nhiều xe thồ đổ phế thải để lấp hồ nhưng không thấy các nhà chức trách nào quản lý. Trong đó có cả dân địa phương lấn chiếm đất để dựng lều làm nhà ở và để gửi ô tô, chủ vật liệu xây dựng còn thuê cả máy ủi san lấp hồ để để vật liệu xây dựng. Tôi nghĩ UBND quận, công an quận Thanh Xuân sớm vào cuộc giải toả các nhà tạm bợ lấn chiếm vô phép để trả lại gọi là lá phổi của thành phố" - một độc giả ở địa chỉ mail: manh@... bức xúc.
Cũng là người dân cư trú tại khu vực này, một độc giả ở phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có địa chỉ mail ctvbaogdtd@....cũng không giấu nổi sự bất bình, phẫn nộ: “Là người dân Khương Trung, tôi thấy sự việc này diễn ra nhiều năm nay trong sự thờ ơ của công an phường Khương Trung, UBND phường Khương Trung và trong sự bất bình, phẫn nộ của bà con nhân dân sống tại phường. Một số đối tượng có máu mặt lợi dụng "quan hệ ở địa phương" tập trung tay chân lưu manh, côn đồ, đổ vật liệu lấn chiếm đầm rồi xây nhà tạm đem bán thu lời. Việc làm này chính quyền Khương Trung không thể nói là không biết. Chẳng lẽ "con voi mà chui được qua lỗ kim". Thật buồn!”.
“Tôi sống gần khu vực phường Khương Đình này cả chục năm nay, việc này diễn ra hàng ngày mà chẳng ai quan tâm. Mạnh ai người đó thuê chở vật liệu xây dựng ra đổ ở đầm này. Cái này chính quyền các phường biết cả mà làm ngơ?!” - cũng là bức xúc của độc giả Nguyễn Việt Hoàng, vanh197908@...
Bên cạnh đó, rất nhiều các độc giả khác cũng nhân tiện chuyện lấn chiếm Đầm Hồng mà VietNamNet đã đưa để nói lên nỗi bức xúc của mình khi chứng kiến những ao, hồ quanh khu vực đã và đang bị san lấp, để lấn chiếm.
“Tôi thiết nghĩ người VN mình chỉ biết nhìn lợi trước mắt, không nghĩ đến hậu quả về sau. Đây mới chỉ là lấp ao hồ gây ô nhiễm đến bộ phận nhỏ người dân. Nếu mọi người sang bên phố Phú Viên gần chùa Bồ Đề - quận Long Biên thì hiện tại họ đang làm những việc kinh hoàng hơn nhiều, đó là đi lấp sông Hồng. Hằng đêm từ 19h30 có hàng loạt chiếc xe tải 20 tấn chở bùn ra bờ sông Hồng để đổ. Con đường bêtông chỉ cho phép xe 5 tấn lưu thông thì giờ đây phải oằn mình cho những chiếc xe quá trọng tải gấp 4-5lần. Cát bụi bay mù mịt???” - bạn đọc Nguyễn Hoàng Anh (Bồ Đề, Long Biên) ở địa chỉ mail m4h218@... đã viết.
“Tôi thấy ở Hà Nội có rất nhiều ao hồ bị xẻ thịt chứ không riêng gì Đầm Hồng, Bạn cứ đi qua phố Vũ Thạnh cạnh phố Hào Nam, sẽ thấy công nghệ lấn chiếm hồ ở Hà Nội như thế nào. Cái hồ Hào Nam rộng như vậy mà đã bị chiếm gần hết rồi, vừa rồi, còn một khu đất hồ mặt phố Vũ Thạnh, chỉ sau một đêm hồ đã san phẳng thành thành chỗ rửa xe và trông gửi ô tô. Nhưng điều kỳ lạ là không thấy chính quyền và công an hay thanh tra đất đai đâu cả” - bạn đọc Thanh Xuân (Hào Nam, Hà Nội) cho biết.
Chính quyền phải cứng rắn!
Vô cùng bức xúc trước những thông tin đã “rõ như ban ngày” về hiện tượng xâm lấn, lấn chiếm đầm hồ được đăng tải trên VietNamNet đối với nhiều người dân của Hà Nội, nhưng lại là xa lạ với chính quyền địa phương, bạn đọc Đoàn Thị Trương Viên (Khương Đình, Hà Nội) ở địa chỉ mail: hoangtrongthu2008@....viết: “Thật là chuyện... khủng long chui lỗ kim. Ai cũng biết, cũng thấy, mà quận, phường không thấy. Thành phố nên vào cuộc nhanh, nếu không chẳng mấy ngày nữa hồ Đầm Hồng thành khu xóm liều!..”.
Cùng chung bức xúc với bạn đọc Đoàn Thị Trương Viên, bạn đọc Giang Vũ (Hà Nội) có địa chỉ mail: baka3k@....cũng bày tỏ: “Tôi không hiểu cơ quan chức năng ở đâu trong thời điểm đó? Chúng ta - những người cách nơi đó hàng Km, hàng chục Km còn biết hồ nào đang bị lấp, mà họ nói ko biết? Chỉ có thể là do không thật sự quan tâm mà thôi”.
“Thật không thể tin nổi là một việc làm sai trái như vậy lại đang diễn ra giữa Thủ đô. Tôi mong rằng báo VietNamNet tiếp tục đấu tranh để trả lại cảnh quan cho Đầm Hồng và rất mong UBND TP.Hà Nội có ý kiến nghiêm khắc để chấm dứt cảnh lấn chiếm ngang nhiên như vậy, coi thường kỷ cương phép nước của một số cá nhân” - bạn đọc Trần Phúc Thanh, (Hoàng Mai, Hà Nội) tran.thanhphuc@....đã viết gửi VietNamNet.
“Thành phố phải có những biện pháp cứng rắn ngay, xử lý trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương (phường, quận) bởi sự việc tồn tại đã lâu mà không có biện pháp ngăn chặn. Họ nói nhiều đến trách nhiệm khi đăng đàn các hội nghị, tuy nhiên việc làm lại không như vậy. Có như thế mới có thể lấy lại lòng tin của nhân dân” - Phan Nam (Hà Nội) ở địa chỉ mail: buinam@....- một độc giả của VietNamNet cũng đã viết.
Đồng thời, phần đông các ý kiến của độc giả bên cạnh sự bức xúc, phẫn nộ thì cũng có chung ý kiến như độc giả Đinh Văn Thuý (Biên Hoà, Đồng Nai) ở địa chỉ mail: thuy_2050@, là: “Cần rà soát lại diện tích bị lấp và nên có biện pháp cứng rắn trong xử lý và việc cấp giấy sử dụng đất. Những diện tích đất phát sinh không có hồ sơ gốc phải được xử lý nghiêm và triệt để thì chắc chắn tệ nạn này sẽ được hạn chế”.
"Chúng tôi hy vọng một sự hồi sinh của hồ Hà Nội!"
Ở một góc cạnh trầm lắng hơn và đầy day dứt, một độc giả của VietNamNet tại TP.HCM có địa chỉ mail: vtpthao@...đã không giấu nổi nỗi buồn, đau về một Hà Nội yêu tha thiết trong ký ức, nay đang phải gồng mình để chống lại những lòng tham của con người, trong khi đó chính quyền lại quá ”vô tâm”.
Bạn đọc này viết: “Qua phóng sự về sự bức tử hồ ở Hà Nội, tôi thấy đau lòng. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những kỷ niệm và tự hào về Hà Nội với hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, Hồ Tây...,mang đầy vẻ thanh bình. Việc lấp diện tích mặt nước thật dễ với bất cứ ai không yêu Hà Nội, không phải người Hà Nội. Tôi tha thiết kêu gọi những người có trách nhiệm hãy lưu tâm đến việc giữ gìn vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến, giữ gìn nét văn hoá của người Hà Nội để con cháu sau này không phải nghe về Hà Nội qua sự hoài niệm của số ít người”.
Hồ Phùng Khoang đang bị lấp, và nhiều dự án đã mọc lên ngay sau đó - Ảnh: Phú Nguyễn. |
Độc giả Khắc Như Ý đang sinh sống tại TP.HCM nhưng lại là một người con Hà Nội khi xem phóng sự bức tử ao hồ trên VietNamNet đã thổn thức gửi thư về tòa soạn với những bức xúc xen lẫn sự tiếc nuối:
"Tôi là một người con sinh ra và lớn lên ở Mễ Trì Thượng hiện nay tôi đang học tập và công tác tại thành phố Hồ Chí Minh... Tuổi thơ của tôi gắn liền với hình ảnh của Ao Khoang (đã được phản ánh trong phóng sự "Bức tử hồ bán 20 triệu/m2"), nói là ao nhưng thực ra đó là một khu hồ rộng, là hồ thoát nước đồng thời là hồ nuôi cá của hai thôn Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ...
Hiện nay Ao Khoang nằm gần kề với Trung tâm hội nghị quốc gia là một nơi có vị trí khá đẹp, thế nhưng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh như hiện nay cộng với lòng tham của người dân thì những hình ảnh về Ao Khoang trước kia không còn nữa và thay vào đó là những hình ảnh như những phản ánh của báo VietNamNet trong phóng sự "Bức tử hồ bán 20 triệu/m2".
Tôi thấy vấn đề đã được "mổ xẻ" đúng, nhưng có lẽ nó còn thiếu bởi mỗi lần về quê tôi lại được chứng kiến cảnh Ao Khoang bị "bức tử" với tốc độ chóng mặt , thay vào đó không chỉ là những ngôi nhà cấp bốn xây tạm trên ao của những hộ dân nghèo mà bên cạnh đó còn có cả những căn nhà cao tầng của những "đại gia" được xây dựng ngay đó.
Chính vì vậy, việc phản ánh của VietNamNet là rất đúng, nhưng có lẽ còn cần đi sâu hơn nữa vào vấn đề và việc chính quyền thành phố Hà Nội nên khẩn trương thực hiện những biện pháp mạnh tay để có thể cứu vãn được những khu hồ của Hà Nội nói chung và Ao Khoang nói riêng. Để sau này, tôi và nhiều người không phải kể cho con cháu mình nghe về những địa danh ấy như những "ký ức xa xưa" và mong rằng một ngày nào đó khi về quê, tôi còn có thể nhìn thấy những hình ảnh tuổi thơ sống lại!!!!
Xin cảm ơn báo điện tử VietNamNet đã có một phóng sự hay và cho người dân Mễ Trì chúng tôi một “hi vọng” về sự hồi sinh của Ao Khoang".
Và… phải chăng: “Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng Thủ đô thân yêu của chúng ta, một thành phố từng được mệnh danh là "Thành phố của cây xanh và hồ nước" giờ đây đã trở thành "Hà Lội” như độc giả Mai Công Hùng, (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) ở địa chỉ mail: hunghvnh@... đã viết.
-
Vũ Lụa (tổng hợp)