Cả 3 bị cáo đều kháng cáo
Thẩm phán Tòa hình sự (TAND tỉnh Hà Giang), ông Cao Xuân Hùng cho VietNamNet biết, ngày 20/1/2010, TAND tỉnh Hà Giang sẽ xử phúc thẩm vụ án “mua dâm nhiều lần trẻ vị thành niên” và “môi giới mại dâm” gây chấn động dư luận từ hồi đầu tháng 9/2009.
Rất nhiều người dân đã chờ đợi bên ngoài TAND huyệnh Vị Xuyên để mong được theo dõi phiêm sơ thẩm. - Ảnh: K.T |
Ngay sau khi TAND huyện Vị Xuyên mở phiên tòa sơ thẩm vụ án nói trên, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo theo luật định.
Ông Hùng cho hay, sẽ có 6 luật sư thuộc 4 Đoàn luật sư: Đoàn luật sư Hà Giang; Đoàn luật sư Bắc Giang; Đoàn Luật sư Tuyên Quang và Đoàn Luật sư Hà Nội tham dự phiên tòa phúc thẩm để bào chữa cho các bị cáo Sầm Đức Xương, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thúy.
Cũng theo ông Hùng, phiên tòa phúc thẩm ngày mai vẫn được xử kín, lý do là để “đảm bảo thuần phong mỹ tục và danh dự của các bị cáo, nạn nhân trong vụ án vẫn còn chưa đến tuổi thành niên”.
Tòa sơ thẩm vi phạm luật tố tụng?
Phiên tòa xét xử vụ án “mua dâm nhiều lần trẻ vị thành niên” của bị cáo Sầm Đức Xương và “Môi giới mại dâm” của hai bị cáo Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy do TAND huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) xét xử vào ngày 6/11/2009, sau khi cơ quan điều tra công an tỉnh Hà Giang hoàn thành hồ sơ vụ việc, và VKSND huyện Vị Xuyên khởi tố vụ án.
Đây là phiên tòa xử kín, không cho phép bất cứ người dân nào vào tham dự (trừ những người có giấy triệu tập), với lý do: ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và “các nạn nhân đều ở tuổi vị thành niên nên sợ ảnh hưởng tới danh dự và tương lai của các cháu”.
Với lý do viện dẫn trên, phiên tòa diễn ra âm thầm và khá lặng lẽ, không có nhiều tranh cãi, với sự có mặt của HĐXX, 3 bị cáo, 7 nạn nhân, 2 người có quyền lợi liên quan, người giám hộ và lực lượng giữ an ninh trật tự khá đông bên trong và ngoài phòng xét xử.
Nhiều người dân bức xúc về việc, phiên tòa sơ thẩm nói trên xử kín là không cần thiết. Họ muốn được tham dự phiên tòa để chứng kiến vụ việc mà hai tháng qua, đã khiến người dân huyện Vị Xuyên và người dân cả nước quan tâm, phẫn nộ.
Vợ của bị cáo Sầm Đức Xương, bà Nguyễn Thị Toán, cũng hết sức ngỡ ngàng khi mình không được tham dự phiên tòa, bởi chỉ có duy nhất bị cáo Sầm Đức Xương đứng trước vành móng ngựa mà không có bất kỳ người thân hay luật sư bào chữa.
Bà Toán cho biết: ngày 03/11/2009, trước 03 ngày khi phiên tòa được xử, bị cáo Sầm Đức Xương đã có đơn đề nghị mời luật sư bào chữa gửi Ban Giám thị trại giam (Công an tỉnh Hà Giang), Tòa án Nhân dân huyện Vị Xuyên. Đơn đề nghị này có chữ ký của Trưởng trại giam Mai Trung Tính. Bà Toán khẳng định: Đơn đề nghị này đã được Ban giám thị Trại giam chấp nhận, có lưu vào hồ sơ lưu nhận văn bản. Thế nhưng, không biết vì lý do gì, chồng của bà vẫn không được thực hiện quyền mời luật sư của mình trước pháp luật.
Bà Toán cho biết, bà được TAND huyện Vị Xuyên giải thích bằng miệng, là đơn đề nghị mời luật sư của bị cáo Sầm Đức Xương gửi quá cận ngày, do đó không chấp nhận.
Bị cáo Sầm Đức Xương và Nguyễn Thị Thúy được dẫn độ ra xe về thụ án ngày 6/11/2009 (Ảnh: Kiên Trung). |
Tại tòa, bị cáo Sầm Đức Xương đã yêu cầu dừng phiên tòa với lý do đợi luật sư bào chữa (cần người bảo vệ quyền lợi vì có một mình cá nhân Sầm Đức Xương, trong khi đó có nhiều nạn nhân khác trước tòa), đồng thời yêu cầu tòa thay đổi Kiểm sát viên là ông Nguyễn Văn Huy (bị cáo Xương khai trước tòa có quan hệ họ hàng với kiểm sát viên này). Song, yêu cầu trên cũng bị tòa bác bỏ không rõ lý do. Điều này đã được những người chứng kiến phiên tòa khẳng định.
Thế nhưng, HĐXX cũng đã bác quyền lợi này của bị cáo Sầm Đức Xương.
Với hai bị cáo Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy, trước khi phiên tòa xét xử, người giám hộ của bị cáo Thúy (bà Nguyễn Thị Thơm) và mẹ của bị cáo Nguyễn Thị Hằng (bà Nguyễn Thị Huệ) mặc dù đã có đơn từ chối luật sư bào chữa, nhưng theo khoản 2, điều 57, trường hợp bị cáo ở tuổi vị thành niên - cho dù bị cáo từ chối luật sư bào chữa, tòa án vẫn phải chỉ định 1 luật sư bào chữa (cơ quan điều tra, VKS hoặc tòa án phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công VPLS cử người bào chữa hoặc đề nghị UBMTTQ, tổ chức thành viên của MTTQ cử người bào chữa).
Những quy định pháp luật kể trên cũng không được Tòa án huyện Vị Xuyên xét đến.
Đối với 7 bị hại đều chưa ở tuổi vị thành niên, tòa cũng không cử luật sư bào chữa cho những nạn nhân này.
Bản án sơ thẩm không đủ căn cứ pháp luật?
Theo quy định của Bộ Luật tố tụng, những sai phạm nói trên của TAND huyện Vị Xuyên liệu có đủ thuyết phục để bản án có hiệu lực?
Tại phiên xét xử sơ thẩm, phiên tòa xét xử không có sự tham dự của bất cứ luật sư nào với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và người bị hại, dù là luật sư chỉ định theo quy định của pháp luật đối với bị cáo chưa đủ tuổi vị thành niên.
Cũng tại bản án sơ thẩm do Thẩm phán Đoàn Anh Luyện - chủ tọa phiên tòa, ông Luyện đã tuyên bố trước sự chứng kiến của những người có mặt, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh ngày 1/1/1992 theo giấy khai sinh gốc) đã đủ năng lực hành vi để chịu trách nhiệm dân sự trước tòa đối với tội “môi giới mại dâm” của mình. Thế nhưng, tính đến thời điểm mở tòa (ngày 6/11/2009), bị cáo Thúy mới 17 tuổi 10 tháng 5 ngày, chưa đủ tuổi thành niên.
Trong vụ án “Mua dâm nhiều lần trẻ vị thành niên” và “Môi giới mại dâm chưa đủ tuổi vị thành niên”, bị cáo Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy được đưa tới tòa với tư cách là bị cáo. Thế nhưng, trước khi là bị cáo, Thúy và Hằng cũng là nạn nhân của bị cáo Sầm Đức Xương. Điều này đã được nhắc đến trong hồ sơ điều tra vụ án của cơ quan điều tra (Công an huyện Vị Xuyên) và cáo trạng của VKSND huyện Vị Xuyên. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử, quyền lợi của hai nạn nhân này cũng được HĐXX “bỏ qua”!?
Đối với người bị hại là cháu N.T.T.K - người đầu tiên viết đơn tố cáo khiến vụ việc vỡ lở, hồ sơ điều tra của Công an Vị Xuyên cho biết: cháu K không phải là nạn nhân của Sầm Đức Xương. Người xâm hại tới cháu K có tên là Dũng. Trên cơ sở đó, HĐXX tách chi tiết này ra mà không đưa vào xét xử trong phiên tòa. Điều này khiến gia đình cháu K bức xúc vì cháu K cũng là nạn nhân của hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng nhưng không được tham dự phiên tòa.
Có quá nhiều câu hỏi đặt ra bên ngoài phòng xử. Cơ quan điều tra liệu có mở rộng vụ án? Và những người nắm giữ pháp luật, họ có thể giải thích thế nào trước công luận và người dân, để những bức xúc và lo lắng của những người bị hại không còn là bóng mây đen che phủ trong thời gian dài và trong phiên tòa đầy “bí ẩn” như vậy?!
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin diễn biến của vụ án này…
-
Kiên Trung