- Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc án tù chung thân và phải bồi thường 143,19 tỷ đồng.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ
Sáng 6/1, phiên toà xét xử sơ thẩm vụ bị cáo Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Bội, Đà Nẵng) lừa đảo chiếm đoạt tài sản 145,5 tỷ đồng chứng kiến một diễn biến khá bất ngờ khi cả 7/7 luật sư (LS) tham gia tố tụng tại toà đều đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Đà Nẵng trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.
Các luật sư tranh luận tại phiên toà Ảnh: HC
Nhóm LS bào chữa cho bị cáo Ngọc gồm các LS Đỗ Pháp, Trần Minh Thuận và Võ Xuân Nhân cho rằng, vụ án này có quá nhiều uẩn khúc, phức tạp, mơ hồ và vô lý. Trong khi đó, cáo trạng của VKS Đà Nẵng còn thiếu sâu sát, thiếu chính xác, bị hổng chứng cứ pháp lý ở rất nhiều chỗ. Do chưa làm sáng tỏ các quan hệ dân sự, kinh tế, hình sự có liên quan nên đã dẫn tới hình sự hoá vụ việc một cách lộ liễu.
Theo các LS này, việc xác định tội danh đối với bị cáo Ngọc là thiếu căn cứ pháp lý nên đã tạo cơ hội cho nhiều người vốn không phải là bị hại chân chính trong vụ này nhưng cũng lợi dụng cơ hội để trút hết trách nhiệm về sự thua lỗ trên thị trường bất động sản, chứng khoán cho bị cáo Ngọc. Do vậy, các LS đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại toàn bộ vụ án để làm sáng tỏ những điểm mơ hồ đang gây bất lợi cho bị cáo.
Ngược lại, nhóm LS bảo vệ quyền lợi cho các bị hại gồm Phạm Hồng Hải, Nguyễn Hữu Do, Nguyễn Quý Chuyên và Huỳnh Văn Dương cho rằng, VKS Đà Nẵng truy tố bị cáo Ngọc là có cơ sở. Bị cáo này nhiều lần “đổi trắng thay đen”, chuyển từ “giấy xác nhận nợ” thành “thanh lý hợp đồng mua bán” để chiếm đoạt tài sản. Khi ra toà lại chuyển từ “hợp đồng mua bán” thành “hợp đồng cho vay nặng lãi” nhằm thoát tội. Nhưng có hợp đồng cho vay nào tính lãi suất đến con số lẻ 5,9452%, 3,432151% như trong các hợp đồng giữa bị cáo Ngọc và những người bị hại?
LS Phạm Hồng Hải nêu ra 8 tình tiết để khẳng định bị váo Ngọc gian dối. Đáng chú ý là việc Ngọc luôn chủ động mời chào những người bị hại vay vốn, góp vốn mua ôtô, mua đất… nhưng thực chất là không có ôtô, đất đai… mà chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Bị cáo này không từ thủ đoạn xảo quyệt nào, thậm chí có người quen nhiều năm, chỉ làm nghề bán kính đeo mắt, có đứa con bị tật nguyền mà Ngọc cũng biến thành con mồi với lời dụ dỗ “cho góp vốn làm ăn để lấy tiền nuôi con”!
LS Nguyễn Quý Chuyên đặt vấn đề: Ông Nguyễn Hữu Phùng, chồng bị cáo Ngọc, khai tại cơ quan điều tra là có 11 khối bất động sản, nhưng tại toà bị cáo Ngọc lại khai có 22 khối bất động sản. Vậy số tài sản chênh lệch đó đang ở đâu? Có 4 ngân hàng giao dịch với vợ chồng bị cáo Ngọc nhưng không được triệu tập đến toà với tư cách là một bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Liệu sau khi phát mãi số tài sản mà bị cáo Ngọc thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng này thì phần còn lại là bao nhiêu?
Đặc biệt các LS này đều cho rằng, ông Phùng vừa là chồng, vừa là Phó GĐ Công ty Ngọc Bội nên không thể không biết việc làm ăn của Ngọc. Trên thực tế, ông Phùng nhiều lần đi với Ngọc tới nhà các bị hại vay mượn tiền và trực tiếp ký vào nhiều giấy vay mượn. Nếu không xem xét trách nhiệm hình sự của ông Phùng thì sẽ khó xác định rõ số tài sản Ngọc lừa đảo đang ở đâu để khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Do vậy, các LS này cũng nhất trí đề nghị Hội đồng xét xử trả lại hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bị hại và không bỏ sót người, lọt tội.
Án chung thân đã tuyên, nhưng…
16g30 chiều 6/1, qua xem xét các chứng cứ điều tra thu thập được cũng như quá trình xét hỏi, tranh luận công khai tại toà, HĐXX nhận định, việc VKS Đà Nẵng truy tố bị cáo Ngọc là có căn cứ. Mặc dù từ cuối năm 2007, Công ty Ngọc Bội làm ăn thua lỗ và mất khả năng thanh toán nhưng Ngọc vẫn lợi dụng quen biết với nhiều người, tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối để vay mượn tiền, tài sản với lãi suất cao rồi chiếm đoạt.
Hội đồng xét xử tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc Ảnh: HC
Từ đầu tháng 5/2008, Ngọc bắt đầu bán một số tài sản. Đến ngày 20/5/2008, Ngọc đã bán hết đoàn xe của Công ty Ngọc Bội và một số tài sản khác như nhà, đất, kể cả ngôi nhà đang ở; qua ngày 21/5/2008 thì bỏ đi Mỹ. Số tài sản mà bị cáo này đã lừa đảo chiếm đoạt là rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều tổ chức, cá nhân và làm mất trật tự trị an. Do vậy, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc mức án tù chung thân, đồng thời buộc bồi thường cho các bị hại 143,19 tỷ đồng.
Điều đáng nói là số tài sản mà HĐXX kê biên và tạm giữ được của bị cáo Ngọc để đảm bảo thi hành án chỉ là 2 lô đất ở vùng ven thuộc phường Hoà Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), 1 xe ôtô tải và 698 triệu đồng do ông Phùng nộp để khắc phục hậu quả cho Ngọc. Số tài sản này rõ ràng là quá ít ỏi so với con số hơn 143 tỷ mà bị cáo Ngọc phải bồi thường. Nhưng bị cáo đã vào tù thì lấy đâu ra mà bồi thường?
Do vậy, với hầu hết những người bị hại, điều họ mong muốn không chỉ là mức án tù bao nhiêu năm dành cho bị cáo Ngọc, mà cái chính là làm sao “khai quật” cho ra số tài sản bị cáo này đã lừa đảo, chiếm đoạt đang được tẩu tán, cất giấu ở đâu để khắc phục hậu quả cho người bị hại, trong đó có người bị tổn thất tới hơn 50 tỷ, có người vì tin bị cáo Ngọc mà nay gia đình không còn chỗ để ở, nhiều người khác lâm cảnh nợ nần, đổ vỡ...
KSV Ngô Phú Quảng, đại diện VKS Đà Nẵng cho rằng, cơ quan điều tra đã làm hết sức mình nhưng không thể tìm ra số tiền đó đã tẩu tán đi đâu. Ông kể: “Để xác minh có thực là sau khi nhận tiền ở ngân hàng sáng 21/5/2008, Ngọc đem đưa cho bà Hoàng Thị Kim Châu hay không, cơ quan điều tra đã tìm ra tài xế Cao Quảng Lân là người đã lái xe cho Ngọc sáng hôm đó. Người này xác nhận sáng 21/5/2008 đã chở Ngọc đi rất nhiều nơi ở Đà Nẵng, sau đó ra sân bay chứ không đến công ty của bà Châu. Như vậy là không có việc Ngọc nhận tiền từ ngân hàng rồi đem đưa cho bà Châu như đã khai”.
LS Phạm Hồng Hải đặt câu hỏi: “Số tiền Ngọc nhận từ ngân hàng sáng 21/5/2008 là 7 tỷ đồng, nhưng khi đi Mỹ thì bị cáo chỉ được đem theo 4.000USD. Vậy số tiền còn lại đi đâu?”. KSV Ngô Phú Quảng không trả lời thẳng câu hỏi này mà cho rằng, tài sản nhà đất của Ngọc do hình thành từ vốn vay và đều đã thế chấp ngân hàng. Trước khi đi Mỹ, Ngọc đã bán hết để giải chấp cho ngân hàng dù chưa tới hạn phải trả. Có cái sau khi bán chỉ thu lại đủ vốn cho ngân hàng, có cái thậm chí không đủ vốn.
Về trường hợp của ông Nguyễn Hữu Phùng, chồng bị cáo Ngọc, HĐXX không xem xét trách nhiệm do không bị VKS truy tố. Tuy nhiên, KSV Ngô Phú Quảng cho hay: “Sau phiên toà này, nếu có tài liệu nào khác liên quan đến ông Phùng, chẳng hạn giấy vay mượn tiền có chữ ký của ông Phùng do ông Nguyễn Hữu Vinh cung cấp cho LS để trình HĐXX, thì các bị hại làm đơn tố cáo đến công an. Các cơ quan tố tụng sẽ xem xét, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ khởi tố!”.
-
Hải Châu