– “Ở đây gần khu vực mồ mả, nước giếng lại nhiễm phèn nặng nhưng vì đa số dân nghèo, không có tiền mua nước sạch nên vẫn phải chịu cảnh sống chung với nước bẩn” – ông Đoàn Đức Thái, một người dân tổ 5, khu vực 2, phường An Hòa, TP Huế phản ánh.
Câu chuyện mòn mỏi chờ nước sạch của những người dân giữa TP Huế nói trên đã kéo dài 25 năm qua và vẫn chưa có hồi kết.
Nước giếng bẩn cũng… hụt
Vừa vào đến đầu tổ chúng tôi đã nghe tiếng “kèn kẹt” phát ra từ những chiếc bơm tay mà người dân đang cố lấy nước để sinh hoạt. Nhà nhà ở đây đều có một “bộ tài sản” thuộc “hàng độc” là giếng khoan, bể lắng. Những thứ tưởng như chỉ có ở vùng sâu vùng xa thì ngay chính giữa TP Huế những người dân thị thành này vẫn nâng niu.
Dẫn tôi ra hông nhà, Anh Nguyễn Phương chỉ tay vào cái giếng bơm đã gãy tay cầm : “Chúng tôi đã chờ nước máy lâu quá rồi, lúc nào cũng nghe nói là sắp có, vậy mà... chờ cho đến hỏng giếng vẫn chưa thấy nước sạch về ”.
Anh Phương cho bết thêm do nước nhiễm phèn nặng nên phải dọn dẹp, lau chùi thường xuyên ba bốn ngày một lần. Để minh chứng cho lời mình nói anh cầm tấm nilon đã vàng ố trong bể lọc đưa lên : “ Hai đứa con tôi mới thay cát, dọn bể hôm trước đó”.
Nước giếng nhiều lúc bơm lên cũng không có một giọt. Ảnh: M.Long |
Cách đó không xa chúng tôi đến nhà ông Đoàn Đức Thái đúng lúc ông đang dọn dẹp bể lọc. “ Nước vàng đục thế này thì giặt giũ còn hỏng quần áo huống chi là người uống vào không bị bệnh này thì cũng bị bệnh khác. Mấy đứa trẻ ở đây bị tiêu chảy lên miên”- ông Thái bức xúc.
Theo người dân phản ánh, khu vực này chôn cất mồ mả nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước, độ PH trong nước cao hơn nhiều so với mức bình thường. Cũng theo người dân nơi đây nếu khoan sâu chưa tới 10m nước bị phèn rất nặng còn sâu trên 10m thì nước bị nhiễm mặn. Do vậy nguồn nước rất hiếm, không thể dùng bơm điện để hút mà phải dùng bơm tay thủ công để tích nước: “ Vào mùa hạ nguồn nước cạn thì bơm cả ngày mới được một bể nhỏ, giếng hụt nước liên tục”- Anh Trần Thanh Toán, hiện sống tại tổ 5, phu phố 2, nói.
Để phục vụ cho nhu cầu của mình, nhiều nhà phải bỏ tiền mua từng can nước sạch với giá 3.000 đồng/ can. Số tiền không quá lớn nhưng phải đi lại rất bất tiện, nhất là về mùa mưa lũ. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua nước sạch bởi đa số đều là người lao động nghèo, thu nhập thấp.
Tắt hy vọng
Sở dĩ nước sạch vẫn chưa đến được với người dân ở đây là do vướng phải đường sắt . Bà Trần Thị Lê, Phó Chủ tịch phường An Hòa, TP Huế cho biết, năm 2006 công ty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế có đưa thiết bị đến lắp đặt để cấp nước cho các hộ dân nhưng do không thỏa thuận được với công ty đường sắt nên chưa thể tiến hành. Từ đó đến nay dù bà con, UBND phường đã nhiều lần kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP Huế, HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
Người dân chỉ còn biết cách lọc nước bẩn để dùng. Ảnh: M.Long |
Năm 2007 ông Thái cùng nhiều người đại diện cho các hộ dân đã sang tận công ty cấp thoát nước để đề nghị giúp đỡ nhưng chỉ được hứa rằng sắp có dự án nước sạch mới sẽ lắp đặt đường ống nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Vì nhu cầu bức thiết nên sau đó đại các hộ dân còn vào tận Đà Nẵng để làm thủ tục xin cơ quan quản lí đường sắt cho đường ống dẫn nước băng qua nhưng chi phí quá lớn nên người dân đành chấp nhận dùng nước giếng bơm dù nước bị nhiễm phèn nặng.
Câu hỏi đến bao giờ những hộ dân thuộc tổ 5 phu phố 2, mới có nước sạch để dùng hiện vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi và mơ về một ngày được tắm giặt dưới nguồn nước trong sạch.
-
Mai Long