221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1257981
Thiệt hại từ kẹt xe lên tới 14.000 tỷ đồng/năm
1
Article
null
TP.HCM:
Thiệt hại từ kẹt xe lên tới 14.000 tỷ đồng/năm
,

- Ông Lê Toàn, PGĐ Sở GTVT TP.HCM cho biết tình trạng kẹt xe đang ngày càng trầm trọng về số vụ và thời gian ùn tắc kéo dài. Trong thời gian tới bức tranh giao thông này sẽ còn ảm đạm hơn. Điều này cho thấy dù TP.HCM nỗ lực áp dụng đủ biện pháp cấp bách, tạm thời… nhưng nạn kẹt xe đang nằm “ngoài tầm kiểm soát” của thành phố.

Trong cuộc họp tổng kết khối giao thông, Sở GTVT TP.HCM chiều 14/1, ông Lê Toàn nói tình trạng kẹt xe đang diễn biến phức tạp, ngày càng xấu đi khi số vụ ùn tắc lên tới 74 trong năm 2009 (so với 48 vụ năm 2008) kéo dài trên 30 phút. “Tình hình giao thông ngày một khó khăn hơn khi các vụ ùn ứ cục bộ, kẹt xe dưới 30 phút hầu như xảy ra trên mọi tuyến đường ở TP.HCM” - ông Toàn nêu thực trạng.

Ngoài lực lượng CSGT điều tiết tại các điểm nóng dễ xảy ra ùn tắc, TP.HCM huy động đủ mọi lực lượng dân phòng, đội TNXP… Các ban ngành, địa phương cũng huy động đội ngũ thanh niên tình nguyện, cán bộ hưu trí tham gia giải tỏa kẹt xe. Chưa hết, tại các ngã tư hay khu vực xảy ra kẹt xe thường xuyên người dân thành phố còn thấy sự có mặt của những “hiệp sỹ” xe ôm, người đi đường tự nguyện tham gia giải vây kẹt xe…

Thế nhưng với mức phát triển chóng mặt của lượng phương tiện cá nhân trong năm 2009 trên 11% khiến tình hình ùn tắc không giảm mà ngày càng nghiêm trọng. Thống kê số liệu mới nhất do Sở GTVT cung cấp, mỗi ngày thành phố có thêm 1.129 xe gắn máy và 117 xe ô tô đăng ký mới. Hiện tổng phương tiện giao thông của thành phố hơn 4,4 triệu chiếc (4 triệu xe gắn máy và trên 400.000 xe ô tô). Số xe gắn máy và ô tô này nếu đem so với diện tích mặt đường và dân số của TP.HCM thì tốc độ tăng của phương tiện cá nhân hiện đang không thể kiểm soát.

Nạn kẹt xe bùng phát “vượt tầm kiểm soát” của TP.HCM ngoài nguyên nhân do lượng phương tiện tăng, diện tích mặt đường dành cho giao thông hẹp còn vì hàng loạt “lô cốt” của các dự án đang triển khai…

Năm 2010, bức tranh giao thông ở TP.HCM tiếp tục... ảm đạm khi tình hình ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Thái Phương

Các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn kẹt xe là các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp… Một số khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc là ngã ba Cát Lái, cầu Sài Gòn, Quốc lộ 1A, ngã tư Hàng Xanh, giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót, trục đường Lê Văn Sỹ, đường Nguyễn Kiệm, trục Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám…

Các thông tin Sở GTVT đưa ra về tình hình giao thông hiện nay khiến người dân không khỏi lo lắng trước bức tranh ảm đạm về giao thông thành phố năm 2010.

Theo các chuyên gia giao thông, bài toán kẹt xe ở TP.HCM hiện nay chỉ có hy vọng khi các hệ thống tàu điện ngầm (metro), xe điện mặt đất, đường trên cao… hoàn thành. Và theo quy hoạch của TP.HCM đến năm 2020 thì các dự án trên mới bắt đầu được đưa vào sử dụng (khoảng năm 2016 TP.HCM mới có tuyến metro đầu tiên).

Trong khi đó, các công trình giao thông đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng thêm cầu, mở rộng các tuyến đường… lại dựa vào sự đầu tư theo hình thức BOT, BT của các đơn vị trong điều kiện ngân sách thành phố eo hẹp.

Chẳng hạn, năm 2009 Sở GTVT thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 2.263 tỷ, vốn duy tu 1.685 tỷ, vốn sự nghiệp 67 tỷ. Nếu cộng cả nguồn vốn ODA vay từ các nước đầu tư vào các dự án trọng điểm của thành phố thì tổng vốn của Sở GTVT khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Và nếu tổng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hình thức BOT, BT thì khoảng 13.000 tỷ đồng.

Số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Sở GTVT năm 2009 chỉ xấp xỉ bằng tổng thiệt hại từ nạn kẹt xe gây ra là 14.000 tỷ đồng (được các chuyên gia giao thông tính toán cách đây 2 năm). Khi hạ tầng giao thông của thành phố chưa hoàn thiện, các dự án giải quyết nạn ùn tắc còn chậm nếu thành phố không có các giải pháp hiệu quả chống ùn tắc thì người dân vẫn phải chấp nhận “sống chung với kẹt xe”.

  • Thái Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,