- Đường sắt Hà Nội vẫn còn khoảng 14.000 vé tàu thống nhất, hàng ngàn vé tàu địa phương dịp cao điểm sau Tết canh Dần (từ 17- 28/2) chưa bán hết. Từ chiều 19/1, 20% lượng vé này sẽ được bán qua tin nhắn SMS.
Tàu địa phương cũng bán vé qua SMS
“Từ 14h ngày 19/1, kho vé tàu thống nhất đã được mở để hành khách đặt vé qua tin nhắn SMS. Ngày mai, chúng tôi sẽ mở nốt kho vé của các chuyến tàu địa phương là Hà Nội đi Sa Pa và Hà Nội – Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng GĐ Tổng Công ty vận tài hành khách đường sắt Hà Nội cho biết tại buổi họp báo về bán vé tàu qua tin nhắn SMS của đường sắt Hà Nội, ngày 19/1.
Theo phương án bán vé tàu Tết Canh Dần của Công VTHKĐS HN, sẽ có trên 6000 vé tàu thống nhất chiều từ Hà Nội đi được bán qua hình thức tin nhắn SMS.
Khác với cảnh chen chúc mua vé tàu như mọi năm hay như chiều Sài Gòn ra trước Tết, đến thời điểm này vé tàu từ Hà Nội đi dịp sau Tết vẫn còn ế! Ảnh: VNN
Dù thừa nhận hình thức bán vé tàu qua SMS chưa hẳn đã hoàn hảo và không phải phù hợp với mọi đối tượng hành khách, song theo ông Bính, ngành đường sắt vẫn quyết tâm mở thêm hình thức này để người dân, nhất là tỉnh xa có thêm một hình thức mua vé thích hợp. Cú pháp đặt vé tàu: Vétàu(dấu cách) mãtàu (dấu cách) ngàytàuđi (dấu cách) gađi (dấu cách) gađến (dấu cách) loại hỗ (dấu cách) sốlượngvé rồi gửi đến số 8205. Ví dụ: muốn mua ba vé tàu nằm SP3 từ Hà Nội đi Lào Cai ngày 18/2/2010 thì nhắn: Vetau sp3 18.02.2010 hanoi laocai nam 3 rồi gửi tới số 8205. Sau khi nhắn tin đặt vé thành công, tổng đài sẽ phản hồi trong đó có mã đặt vé.Trong vòng 30 phút sau đó, người đặt vé phải xác nhận 1 tin nhắn: ok (dấu cách) mã đặt vé gửi về số 8605 (tin nhắn xác nhận đặt vé gửi về số 8605 là 10.000đ/tin nhắn, còn tin nhắn đặt chỗ gửi 8205 là 2000đ/tin nhắn)
“Dù mua qua tin nhắn thì vẫn phải ra ga lấy vé, nhưng với người dân tỉnh lẻ như Hòa Bình, Thái Bình chỉ phải một lần duy nhất, trước khi lên tàu là lấy vé luôn. Còn nếu không có hình thức này, họ phải chạy lên ga hoặc đại lý rồi về. Mà chạy lên một lần chưa hẳn đã có vé”, ông Bính phân tích.
Ông Bính cũng khuyên hành khách, nếu nhà nơi ở cách ga dưới 7km thì đừng nên mua vé qua tin nhắn vì đã có bán vé qua điện thoại, mang đến tận nhà không mất phí.
Người dân vẫn có nguy cơ mất tiền oan
Tuy nhiên, điều người có ý định mua vé qua tin nhắn SMS quan tâm nhất là khi tổng đài 8205 bị nghẽn mạng, người nhắn tin có mất tiền oan như với trường hợp của Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn cách đây 2 tháng thì ông Bính vẫn chưa làm người dân yên tâm.
Ông Bính nói: Nếu nhắn sai cú pháp thì hành khách phải mất tiền. Nhưng còn khi nhắn đúng mà mạng lại nghẽn thì chưa biết khách có bị mất tiền hay không, vì công ty vẫn đang đàm phán với 3 nhà mạng Viettel, Vina và Mobile.
Dẫu vậy, Giám đốc Công ty SORECOM – đơn vị cung cấp đầu số- ông Trần Anh lại trấn an rằng: khó có hiện tượng nghẽn mạng như đầu Sài Gòn vì đã tăng tần suất “quét” của máy chủ. Thêm vào đó, nếu có nghẽn, các tin nhắn đều được lưu trên máy chủ, sẽ được xử lý và phản hồi dần dần cho khách.
Ông Anh cũng cho biết thêm, sau 30 phút, khách đã đặt vé không xác nhận mã đặt chỗ thì mã đó sẽ bị hủy. Và sau 48h, khách không thanh toán tiền thì vé đó sẽ được trả về kho nên hiện tượng “vé ảo” chỉ có thể diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp hành khách có nhiều sự lựa chọn với từng loại vé, chọn được giờ đi, chuyến tàu thích hợp. Vé tàu Tết vẫn… ế Dù đã đồng thời triển khai các hình thức bán vé: trực tiếp tại ga, đại lý, qua điện thoại, tin nhắn, nhưng bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng Ga Hà Nội cho biết, đến ngày 19/1, kho vé dịp cao điểm sau Tết, chiều từ Hà Nội đi vẫn còn dư 14.000 vé.
“Khác với mọi năm, vào dịp này đã bắt đầu sốt vé sau Tết, thì năm nay vé vẫn… ế. Có thể do người dân đi rải rác dài ngày nên họ chưa cần mua ngay”, bà Hà suy luận.
-
Chí Hiếu