221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1260428
Bài 2: Bà lão mù và 5 năm “nhịn” Tết
1
Article
null
"Đưa Tết về với người nghèo":
Bài 2: Bà lão mù và 5 năm “nhịn” Tết
,

- Hàng xóm bảo, vì phải tiết kiệm như thế và không có nguồn thu nào khác nên đã 5 năm nay, bà lão mù không có Tết. Năm nay cũng thế, khi các gia đình xung quanh đang rộn ràng chuẩn bị Tết, thì bà Hứa vẫn âm thầm gom góp để trả nợ. Với bà, Tết đôi khi chỉ cần là một bữa cơm thật no bụng...

>> Bài 1: Người chẳng bao giờ biết... Tết

7 triệu đồng và 5 năm không Tết

6 tuổi, đôi mắt của cô bé người Nùng có tên Đặng Thị Hứa (thôn Pò Tài, xã Tri Viễn, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) đã không còn được thấy ánh sáng mặt trời. Cha mẹ thương con, nhưng đành bất lực vì nhà nghèo, lại xa đường, không có ngựa để đưa con gái đi chữa bệnh. Hơn nữa, khi ấy, Trùng Khánh có lẽ vẫn chưa có bệnh viện, và hẳn nếu có, cũng không chữa được bệnh để lấy cái sáng cho mắt của cô.

Vậy là, 62 năm trên cõi đời, bà lão mù đã phải âm thầm sống trong bóng tối ngót nửa thế kỷ. Mẹ qua đời, người cha ở lại tần tảo nuôi con gái. Thế nhưng, 18 năm trước, ông cũng lại khuất núi, để lại cô con gái mù lúc này đã là một phụ nữ tuổi 40 trơ trọi giữa cõi đời...

Mô tả ảnh.
Bà cụ 62 tuổi mù loà độc thân Đặng Thị Hứa (xã Tri Viễn, huyện Trùng Khánh) - Ảnh: Kiên Trung
Tài sản duy nhất mà cha mẹ để lại cho bà Hứa, đấy là vài ngàn mét đất ruộng. Để có cái ăn, bà Hứa đã cho người ta cấy rẽ, mỗi năm trả bà 5 gánh lúa.

Tri Viễn là xã “nội địa” của Trùng Khánh, và cách trung tâm huyện lỵ ngót 20km. Thời điểm phóng viên VietNamNet có mặt, con đường dẫn lên khu du lịch thác Bản Giốc đã đổ nhựa, và cũng dễ dàng cho việc giao thông đi lại. Cái đường đi đến đâu, sự đổi thay kinh tế-văn hóa-xã hội đi tới đó.

Thế nhưng, Tri Viễn vẫn là xã nghèo, và những hoàn cảnh như gia đình bà cụ 60 mù lòa sống trơ trọi một mình, không nơi nương tựa… vẫn còn nhiều.

Ngôi nhà của bà Hứa ở ngay khúc cua, dưới chân dốc, chếch một góc với trạm y tế xã. Khi tôi đến, ngôi nhà khóa cửa im ỉm. Mưa tầm tã dội trên mái nhà, dội trên khoảnh vườn toàn cây tạp, và tong tong nhỏ đầy chiếc nồi hứng nước giọt gianh. Một bà lão hàng xóm tốt bụng bảo: “Chắc nó vừa đi chơi bên hàng xóm!”, rồi xăm xăm đội mưa đi tìm…

Hàng xóm đã đi tìm được bà Hứa về. Dưới cơn mưa, bà lão mù dò dẫm từng bước. Cây gậy đi trước, lùa bên này, xoay bên kia tìm đường. Điều khiến tôi ngạc nhiên, đấy là cây gậy như có mắt, dắt bà cụ băng qua được cái rãnh nước bên đường, rồi đưa bà qua cái dốc, dừng lại trước cửa và loay hoay lấy chìa mở ổ khóa.

LTS: Vào dịp năm cùng tháng tận, khi nhà nhà đang hối hả đón Tết thì họ vẫn lặng lẽ như chưa biết Tết đang đến rất gần. Cuộc sống cơm áo gạo tiền ngày thường đã khiến họ quay quắt. Số phận đã không cho họ được may mắn. Mùa xuân và 3 ngày Tết đôi khi là nỗi sợ hãi đối với họ - những mảnh đời, những hộ gia đình nghèo đang ở "rất gần" quanh chúng ta. Tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo" của VietNamNet hy vọng sẽ cùng tấm lòng hảo tâm của quý độc giả, góp thêm cho họ một nồi bánh chưng, một cành đào, một tấm áo mới...

Câu chuyện của bà lão mù người Nùng không liền mạch dưới tiếng mưa lạnh. Để trò chuyện được với cụ, tôi phải nhờ anh Tiến làm phiên dịch, vì bà lão không nói được tiếng Kinh. Bà Hứa có một người anh trai vào Nam đã lâu, nhưng không tin tức gì với cô em gái mấy chục năm nay. Tài sản cha mẹ để lại cho bà là mấy ngàn mét đất xấu, mỗi năm người cấy rẽ trả cho bà đúng 5 gánh thóc. Và đó là nguồn sống duy nhất của bà.

Nhiều người bảo bán ruộng, nhưng bà Hứa chân thật bảo: “Phải giữ lại để có cái ăn lâu ngày chứ. Bán đi, tiêu hết lấy gì ăn tiếp…”.

Ngôi nhà rộng chừng chục mét vuông, ẩm thấp thêm vì bị nước mưa bắn vào ngay phía cửa. Chiếc màn vắt ngang. Góc nhà là một chạn bát, có thêm chiếc hòm đựng thóc lẫn cả áo xống… Ngôi nhà của bà cụ mù lòa trống hua hoắc, không có tài sản gì giá trị.

Bà cụ chậm rãi: năm 2006, vì nhà cũ dột nát quá, bà đánh liều đi vay mượn được 7 triệu đồng, thuê người dựng được căn nhà này. Người ta cũng "liều lĩnh" mà cho bà mượn, vì cái cách thức mà bà trả nợ cũng rất lạ đời: bà lão tiết kiệm tiền trợ cấp cho người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật mỗi tháng 120.000 đồng. Như thế, để trả hết món nợ 7 triệu ấy, bà lão phải dành dụm và kiên trì khoảng 5 năm trời.

Ki cóp trả nợ thế, bà lấy gì mà sống?”. “Phải ăn mắm, ăn muối qua ngày thôi…” - giọng bà trầm xuống.

Anh Tiến phân trần: “Bà cụ vay mượn làm nhà từ năm 2006, mãi đến năm 2007 mới có chương trình xây nhà Đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột. Có lẽ, vì bà cụ đã có nhà rồi nên người ta “bỏ qua”, không xét đến nữa!”...

Hàng xóm bảo, vì phải tiết kiệm như thế và không có nguồn thu nào khác nên đã 5 năm nay, bà lão mù không có Tết. Năm nay cũng thế, khi các gia đình xung quanh đang rộn ràng chuẩn bị Tết, thì bà Hứa vẫn âm thầm gom góp để trả nợ. Với bà, Tết đôi khi chỉ cần là một bữa cơm thật no bụng...

Chị dâu nuôi 4 anh em bại liệt

Khi chúng tôi đến thôn Bài Xiêng, xã Phong Châu (huyện Trùng Khánh), người phụ nữ đang dắt trâu thả đồng tận tình chỉ đường: “Cứ đi theo con đường này, hết đoạn bê-tông, đến đoạn đường đất, rồi ngoặt hai, ba lần nữa thì tới…”. Đấy là chị đang nói về gia đình bốn anh em Nông Văn Thành ở thôn Bài Xiêng. Nhà Thành có bốn anh em trai bị liệt từ nhỏ, và đều do một tay người chị dâu đảm đang nuôi dưỡng.

Thế nhưng, nỗi khổ cực của gia đình Nông Văn Thành còn hơn những điều mà chị nói. Ngôi nhà Đại đoàn kết được huyện xây cho Thành nằm trên đầu dốc, từ 2007. Thành là thứ 3 trong bốn anh em: Nông Văn Lành, Nông Văn Báo, Nông Văn Thành và Nông Văn Trung. Bốn anh em đều bị liệt từ bé, hai cái chân cứ teo tóp theo năm tháng...

Năm 1986, Nông Văn Báo là người may mắn nhất lấy được vợ - bà Nông Thị Bạch. Nông Văn Lành đã mất cách đây gần 20 năm. 6 năm trước, ông Nông Văn Báo bị chó cắn, vết thương nhiễm trùng cũng đã chết. Hai anh em tàn tật sống nhờ vào đôi vai của người chị dâu tần tảo, tốt bụng. Năm ngoái, Nông Văn Trung cũng mất nốt, chỉ còn lại một mình Nông Văn Thành tiếp tục sống dựa vào chị dâu.

Mô tả ảnh.
Ngôi nhà Đại đoàn kết của người đàn ông bại liệt nằm mãi trên sườn đồi (Ảnh: Kiên Trung).

Ngôi nhà Đại đoàn kết của người đàn ông bại liệt nằm sát nhà chị dâu. Hàng ngày, đến bữa Thành ăn cùng với hai mẹ con chị dâu, còn mọi cái sinh hoạt, nghỉ ngơi thì ở trong ngôi nhà tình nghĩa huyện xây tặng.

Nhà Thành đứng trên sườn đồi, quay ra khu ruộng của xóm. Cheo leo trên cao, cánh cửa lại mở đúng hướng gió lạnh, khiến ngôi nhà càng thêm tê tái. “Anh đi lại đã khó khăn, sao không làm nhà dưới thấp mà lại làm mãi trên sườn đồi thế này?” – “Hết đất rồi, phải xây ở đây thôi…” - Thành nói.

Thành có một cái xe lăn, cũng là do Phòng LĐ-TB-XH Trùng Khánh tặng. Nhưng vì cái dốc lên nhà cao quá, lại trơn truột, thành thử chiếc xe không sử dụng được, biến thành cái ghế ngồi. “May mà vừa rồi tôi xin được đôi nạng gỗ, nếu không thì suốt ngày ngồi lì một chỗ, không di chuyển được…”.

Được một lát, chị Bạch về. Chị vừa đi thả trâu, đôi ủng lấm đất lên gần đầu gối. Người đàn bà Nùng trung tuổi, đôi mắt buồn, những nếp nhăn khô ải đã sớm xuất hiện trên gương mặt phúc hậu.

Chị Bạch lấy ông Báo “bại liệt” được hơn hai chục năm, đã có ba mặt con. Đứa con gái lớn sinh năm 1988, vừa đi xuất khẩu lao động bên Malaysia theo chương trình XKLĐ dành cho người nghèo. Đứa con gái thứ 2 sinh năm 1990, đang học một trường cao đẳng. Đứa con gái út đang học lớp 7, ở nhà với mẹ.

Trước, gia đình chị cũng được công nhận là hộ nghèo, được hưởng trợ cấp. Nhưng từ khi con gái chị đi XKLĐ, xã bảo, gia đình chị đã có nguồn thu - nên... bị loại khỏi danh sách hộ nghèo. “Cháu nó đi được gần một năm, nhưng viết thư về kể bên ấy cũng không có việc, không có thu nhập. Nó nói thương mẹ, thương em lắm, nhưng không có tiền gửi về…” - chị mở lòng.

Mô tả ảnh.
Anh Nông Văn Thành, thôn Bài Xiêng, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh trong ngôi nhà tình nghĩa được huyện xây tặng. (Ảnh: Kiên Trung)

Cơn gió đông lạnh lùa vào qua cái cửa trống. Mấy cọng rơm trên gác nhà rơi xuống chiếc chiếu cói rách tơi tả. Ở xã Phong Châu, xã tri Viễn, xã Đàm Thủy, và có lẽ cũng là cả huyện Trùng Khánh, người dân quý rơm rạ, giữ gìn rơm rạ như tài sản trong nhà. Họ không dám dùng rơm rạ để đun nấu, mà giữ nó làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông, hay trải ra làm đệm.

Nông Văn Thành cũng thế. Đụn rơm bó gọn gàng để tươm tất trên gác nhà, có lẽ là tài sản quý giá nhất trong ngôi nhà heo hút lạnh…

Khi lên đây, trong tay chúng tôi có bản báo cáo tổng kết năm về kinh tế - chính trị - xã hội của huyện Trùng Khánh năm 2009. Báo cáo này thống kê: tỉ lệ nhân dân được xem truyền hình là 96%; công tác bảo trợ xã hội đã triển khai tổ chức cứu đói giáp hạt cho 480 hộ với 1.466 khẩu; tổ chức cứu đói giáp Tết cho 1.090 nhân khẩu.

Như thế, không chỉ những trường hợp chúng tôi vừa kể trên, cái đói, cái nghèo vẫn còn là nỗi lo của Trùng Khánh dài dài...

Tiễn chân chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, ông Hoàng Đức Nguyên tâm sự rất thật: “Trùng Khánh còn nhiều hộ nghèo, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn lắm! Trọng tâm phát triển kinh tế của Trùng Khánh vẫn lấy nông nghiệp làm đầu, là nguồn thu chính. Tuy nhiên, trong những khó khăn chồng chất ấy, huyện vẫn chú trọng chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, già yếu không nơi nương tựa… Nhưng, để xóa được cái đói, cái nghèo không phải vấn đề một sớm một chiều, và cũng mong muốn xã hội cùng quan tâm, giúp đỡ Trùng Khánh…”.

Ngay sau khi VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", rất nhiều độc giả đã gửi thư phản hồi và bày tỏ mong muốn được chung tay hỗ trợ những hộ nông dân nghèo được nêu trong tuyến bài này.

Đơn vị tài trợ thực hiện chuyên đề này - Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã quyết định sẽ chuyển đến các hộ dân trong tuyến bài một số tiền để không khí Tết thực sự hiện hữu trong mỗi gia đình nghèo, không chỉ là tấm áo mới, nồi bánh chưng mà còn là niềm vui, sự ấm áp.

Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ các nhân vật trong tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", có thể gửi theo các cách sau:

1 - Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

2 - Bạn đọc giúp đỡ theo địa chỉ trực tiếp của toà soạn xin liên hệ:
Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 65 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.

  • Kiên Trung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,