- Những đứa trẻ ngây thơ trong sáng đang tuổi ăn, tuổi lớn vốn cần sự yêu thương đùm bọc của người thân, nhưng chỉ sau một cơn giận dữ của thiên nhiên bỗng chốc trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ... Càng cận Tết, nỗi đau này càng nhức nhối hơn với người thân của các em...
>> Bài 1: Người chẳng bao giờ biết... Tết
>> Bài 2: Bà lão mù và 5 năm “nhịn” Tết
Những ngày giáp Tết Canh Dần, PV VietNamNet đã trở lại Khên Lền (xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn), nơi vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra vào ngày 4/7/2009 để gặp lại những đứa trẻ bất hạnh khi Tết đến xuân về vắng bóng người thân.
Đã hơn 6 tháng qua, nhưng nỗi đau của vụ sạt lở núi vẫn còn hiện hữu nơi này. 9 nạn nhân bị vùi trong đất đá vẫn không được tìm thấy. Để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số ấy, 3 nấm mồ đã được xây dựng ngay dưới chân núi.
Sau vụ sạt lở núi ở Khên Lền, 12 hộ dân sát dưới chân núi đã được chuyển về khu tái định cư Phiêng Luông. |
Cả một vùng núi rừng Khên Lền vốn yên bình, hiền hòa, nhưng chỉ sau thảm họa thiên tai khắc nghiệt giờ ảm đạm, tang thương. Ông Hoàng Lường Phùng - Chủ tịch UBND xã Công Bằng cho hay: Sau thảm họa đó, theo yêu cầu của UBND huyện Pắc Nặm, để đảm bảo an toàn, tránh bất trắc xảy ra, 12 hộ dân sống ở khu vực nguy hiểm sát chân núi Khên Lền đã được chuyển về vùng tái định cư mới tại thôn Phiêng Luông, đời sống kinh tế hết sức khó khăn.
"Năm hết Tết đến rồi, vậy mà..."
Trong căn nhà được các tổ chức từ thiện xây cho còn chưa hết mùi vôi tại thôn Phiêng Luông, cụ Trần Thị Máy (85 tuổi) - người thoát chết trong vụ sạt lở đất ở Khên Lền giờ đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Thấy chúng tôi đến nhà, phải cố gắng lắm cụ Máy mới rê được cánh tay trái bị gãy trong vụ sạt lở núi tựa vào tường để cố đứng dậy.
Cụ Máy bảo, Tết đến rồi mà cụ chưa mua nổi cho hai đứa cháu bộ quần áo mặc Tết. |
“Khổ lắm các anh à! Sau cái lần thoát chết do sạt lở núi ở bệnh viện về, cứ bữa nào trái gió trở trời là người tôi lại đau nhức. Nhưng đau cũng không dám kêu vì chỉ còn tôi với hai đứa cháu nhỏ” - cụ Máy nói như than.
LTS: Vào dịp năm cùng tháng tận, khi nhà nhà đang hối hả đón Tết thì họ vẫn lặng lẽ như chưa biết Tết đang đến rất gần. Cuộc sống cơm áo gạo tiền ngày thường đã khiến họ quay quắt. Số phận đã không cho họ được may mắn. Mùa xuân và 3 ngày Tết đôi khi là nỗi sợ hãi đối với họ - những mảnh đời, những hộ gia đình nghèo đang ở "rất gần" quanh chúng ta. Tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo" của VietNamNet hy vọng sẽ cùng tấm lòng hảo tâm của quý độc giả, góp thêm cho họ một nồi bánh chưng, một cành đào, một tấm áo mới... |
Trước đây, cụ Máy ở với vợ chồng anh Triệu Văn Nhì và chị Triệu Thị Liều, nhưng sau cơn thảm họa của thiên nhiên khắc nghiệt, cụ Máy bị đánh bật ra khỏi khối đất đá khổng lồ và may mắn thoát chết, còn vợ chồng anh Nhì đã bị vùi sâu trong lớp đất đá.
Cụ già 85 đã phải thay mặt vợ chồng anh Nhì nuôi hai đứa cháu là Triệu Thị Tần và Triệu Thị Nái đang tuổi ăn, tuổi học.
Khi nghe chúng tôi hỏi về cảnh già phải nuôi hai đứa cháu nhỏ, cụ Máy vừa khóc vừa nói: “Tôi ở cái tuổi gần đất xa trời rồi thì còn làm chi được để nuôi hai đứa nhỏ đang tuổi ăn học. Năm hết Tết đến rồi, muốn mua cho hai đứa bộ quần áo mới mà cũng không mua được. Ông trời không cho tôi chết thay vợ chồng thằng Nhì để cho các cháu tôi không phải khổ. Không biết tôi chết rồi thì bọn trẻ sống với ai …”!?
Sau khi chuyển từ bản Khên Lền về thôn Phiêng Luông sinh sống, bé Tần học lớp 8 được chuyển lên trường nội trú Ba Bể để học, mỗi tháng chỉ về nhà một lần.
Còn bé Nái học lớp 4 ngay trường tiểu học xã Công Bằng chỉ cách nhà không đến nửa cây số nên ở nhà với cụ Máy.
Nái bảo chị Tần của Nái học rất giỏi nên hay được cô giáo khen. Cứ mỗi lần chị Tần được về nhà nghỉ, Nái lại được chị dạy làm toán. Chị Tần còn khuyên Nái phải gắng học giỏi để sau này trở thành cô giáo, giúp đỡ cụ già yếu.
Thương cảnh hai cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, cụ Máy chỉ biết khóc. |
“Chị em cháu thương cụ lắm
nhưng không giúp được chi cả, chỉ biết cố gắng học giỏi thôi. Nhiều đêm nằm ngủ cụ khóc suốt vì Tết năm nay không có bố mẹ và em trai cháu... Năm ngoái Tết đến chị em cháu còn được bố mẹ đưa đi chợ mua quần áo mới, mua bánh kẹo… nhưng năm nay thì không có ai mua cho chị em cháu…” - Nái nói như muốn khóc.
"Cháu mơ... bố mẹ cháu vẫn còn sống"
Cùng chung cảnh mất cả cha lẫn mẹ sau vụ sạt lở núi ở Khên Lền như chị em Tần và Nái, hai chị em Bàn Thị Pết và Bàn Thị Khe phải sống nhờ người chú ruột Bàn Văn Khé.
Dù đã giáp Tết nhưng trong nhà anh Khé không có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế được các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Pết bảo: Năm ngoái Tết đến chị em Pết được mẹ đưa đi chợ mua quần áo, sắm đồ Tết, còn năm nay thì chắc không được ai đưa đi mua. Chú Khé rất thương chị em Pết nhưng nhà chú nghèo nên chị em Pết không thể đòi hỏi. |
Ánh mắt đượm buồn nhìn hai đứa cháu, anh Khé bảo: Sau khi bố mẹ mất, anh phải thay anh trai nuôi 2 cháu ăn học. Dù rất thương nhưng vì nhà nghèo khó nên anh cũng không thể lo chu tất được cho các cháu.
“Tết đến, tôi cũng muốn đưa bọn trẻ đi mua quần áo, sắm đồ Tết, nhưng rồi cái khó nó bó cái khôn nên… tôi đành chịu” - anh Khé nghẹn ngào.
Ngồi ở góc giường, Pết không nói gì, chỉ biết nhìn chúng tôi nói chuyện. Nét mặt ngây thơ ngày nào của Pết giờ đã được thay thế bằng những nỗi lo toan thường ngày nên lúc nào cũng buồn rười rượi. Những ngày nhàn rỗi không phải đi học, Pết theo chú đi làm nương, làm rẫy, còn ngày thường sau giờ đi học về, Pết lại tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm…
Pết bảo: Năm ngoái Tết đến chị em Pết được mẹ đưa đi chợ mua quần áo, sắm đồ Tết, còn năm nay thì chắc không được ai đưa đi mua. Chú Khé rất thương chị em Pết nhưng nhà chú nghèo nên hai chị em không dám đòi hỏi.
Giáp Tết nhưng nhiều hộ dân nghèo ở Pắc Nặm vẫn đang phải ra sức làm nhà để ở tại khu tái định cư Phiêng Luông. |
Chưa biết lo nghĩ như chị Pết, bé Khe năm nay học lớp 4 vẫn ngây thơ khi nghĩ rằng bố mẹ vẫn còn sống. Khe nói: “Tối qua cháu mơ thấy bố mẹ cháu vẫn còn sống, bố mẹ cháu bảo Tết này bố mẹ về đưa chị em cháu đi sắm Tết. Mẹ còn bảo mẹ sẽ mua cho cháu cái áo màu trắng…” .
Những đứa trẻ vốn ngây thơ trong sáng đang ở tuổi ăn, tuổi lớn và cần có sự yêu thương đùm bọc, nhưng chỉ sau một cơn giận dữ của thiên tai bỗng chốc thành mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nhờ vào những người thân vốn rất nghèo khó.
Chia tay những đứa trẻ nghèo mất người thân trong vụ sạt lở núi ở Khên Lền, chúng tôi chỉ biết hy vọng một ngày gần nhất sẽ có dịp trở lại, đem theo sự giúp đỡ của những người hảo tâm để các em phần nào được chia sẻ, được yêu thương... để có một cái Tết ấm như bao đứa trẻ bình thường khác.
Ngay sau khi VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", rất nhiều độc giả đã gửi thư phản hồi và bày tỏ mong muốn được chung tay hỗ trợ những hộ nông dân nghèo được nêu trong tuyến bài này. 1 - Chuyển khoản: |
-
Vũ Điệp – Lê Anh Dũng