221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1261325
Bài 5: Tết này chúng con thiếu bóng mẹ...
1
Article
null
"Đưa Tết về với người nghèo":
Bài 5: Tết này chúng con thiếu bóng mẹ...
,

– Nói đến Tết, mấy chị em Thảo lại buồn rười rượi vì năm nay vắng mẹ, cha thì đang bệnh nặng. Một mình chăm, nuôi ba em nhỏ khi tuổi vừa tròn 14, cô bé Phạm Thị Thanh Thảo, học lớp 8 trường THCS Bình Minh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tưởng có lúc không thể vượt qua, khi “cứu cánh” là người mẹ vĩnh viễn ra đi trong cơn bão số 9, ba bệnh nặng; căn nhà nương thân đã sụp đổ từ khi nào...

Bi kịch từ cái chết của bà mẹ 37 tuổi..

Những ngày cuối năm, con đường dẫn vào xã Bình Minh - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 9 (cuối tháng 9/2009) vừa qua, đầy ổ voi, ổ gà, bụi đất đỏ bám đầy vào chân người đi.

Qua trung tâm xã, men theo con đường nhỏ dẫn vào cuối xóm, chúng tôi đến được gia đình bé Thảo. Do nhà bị sập trong cơn bão số 9, nên Thảo cùng các em phải nương nhờ nhà bà nội. Thảo là chị lớn, sau em là Phạm Thanh Nguyên 12 tuổi, Phạm Thanh Uyên 6 tuổi, nhỏ nhất là Phạm Thanh Toàn chỉ hơn 2 tuổi.

Từ ngày mẹ mất, đôi mắt Thảo lúc nào cũng đượm buồn

Thắp nén hương lên bàn thờ cô con dâu bất hạnh, bà nội Thảo lau vội những giọt nước mắt, kể lại cho chúng tôi nghe nỗi đau khôn tả của gia đình…Bốn đứa trẻ ngồi xung quanh, đôi mắt đượm buồn, đau đáu nhìn vào người khác..

...Đêm hôm ấy khi bão đổ vào, bố Thảo không có nhà do đi chữa bệnh tận Đắc Lắc. Một mình mẹ Thảo vừa trông lo con nhỏ, vừa trông coi nhà cửa, vườn tược. Gió mạnh thổi tung những mái tôn trên nhà, bên dưới nước lũ ngày một dâng cao. Tay ôm đứa nhỏ nhất, tay kia dắt 3 chị em, mẹ Thảo dẫn lũ trẻ qua trú ẩn nhà bà nội liền kề. Sau khi đưa các con lên gác, mẹ Thảo tất tả quay về nhà khiêng những bao lúa lên cao.

Thay mẹ chăm sóc các em

Bất ngờ…”Ầm, ầm” ngôi nhà đổ sập xuống, sau một hồi siêu vẹo như chiếc lá. Bên nhà bà nội, Thảo cùng các em đợi mẹ hoài không thấy, khóc lả cả người, nhưng không thể nào đi tìm mẹ được bởi nước lũ mỗi lúc một dâng cao.

Phải đến chiều ngày hôm sau, khi nước lũ đã rút bớt, bà con hàng xóm mới lội bùn đến nhà Thảo. Mọi người chứng kiến sự thật kinh hoàng: mẹ Thảo chết trong tư thế xúc lúa, một tay cầm thúng, tay kia còn đang giữ chặt đầu bao.

Mẹ của bốn đứa trẻ đã ngâm mình trong nước lũ lạnh ngắt cả đêm qua. Cuộc đời của người đàn bà tảo tần ấy dừng lại chỉ mới ở tuổi 37 để lại 4 đứa con nhỏ và người chồng bệnh nặng.

Tương lai vô định của những đứa trẻ

Mẹ mất, ba bị bệnh nặng nằm liệt giường, là chị lớn nên Thảo phải thay mẹ chăm sóc ba bị bệnh, lại vừa chăm nom các em. Mọi gánh nặng dường như đổ dồn lên đôi vai gầy của em.

Nơi dùng để nấu cơm là nền của ngôi nhà cũ

Hôm chúng tôi đến, trên trán của cu Toàn còn nguyên vết thương rỉ máu do mải nghịch nên em bị té từ trên nhà xuống sân. Bé Nguyên ôm em để chị Thảo đắp nghệ lên vết thương cho nhanh liền sẹo. Những việc tưởng chừng như rất đơn giản này lại trở nên khó khăn với các em dường nào. Cu Toàn bị đau, giãy người lên không cho các chị đắp nghệ vào. Vừa thổi củi nấu cơm trưa, Thảo lại vừa dặn Nguyên và Uyên trông chừng nhau để em không bị té nữa. Không có mẹ nên bốn đứa nhỏ tự trông nom, chăm sóc nhau…

Những ngày mẹ mới mất, Thảo không dám khóc vì nhớ mẹ trước mặt các em, sợ các em khóc theo. Đến tận bây giờ, nếu ai vô tình hỏi “Mẹ đâu rồi?”, cậu em út Thanh Toàn giương cặp mắt ngơ ngác nhìn ra ngoài ngõ rồi chập chững trả lời: “Mẹ đi cắt cỏ chưa về”. Những lúc như vậy, nước mắt cô bé 14 tuổi lại trào ra…

Ngôi nhà mà bốn chị em đang ở là nhà thờ do họ hàng xây nên. Buổi tối mấy chị em cùng bà nội trải chiếu ra nằm dưới nền. Thảo kể: “Em dậy trễ nhất là 5h sáng, nấu cơm, quét nhà, cho heo, gà ăn. Xong việc nhà, em dọn cơm ra ăn rồi thay đồ cho các em đi học…”. Nếu chỉ nghe qua lời kể ấy, không ai biết rằng năm nay Thảo chỉ mới là học sinh lớp 8, một mình đảm đang việc nhà ở cái tuổi chỉ biết ăn biết học ấy.

Những đứa trẻ bên trong căn nhà đổ sập sau bão. Tương lai các em đang hết sức bấp bênh...

Nhờ sự "huấn luyện" của chị Thảo, đến nay bé Nguyên đã có thể giặt quần áo cho mình và cho em, cu Toàn tự xúc cơm ăn được, không làm nũng đòi mẹ nữa. Không chỉ lo việc nhà, Thảo còn phải cố gắng học thật giỏi để làm gương cho các em. Trước mỗi buổi đi học, Thảo lo soạn sách vở rồi bỏ từng cuốn vào cặp cho em… những việc mà ngày còn sống mẹ Thảo vẫn thường làm.

Thật khó tin cuộc sống của những đứa trẻ này, hiện chỉ dựa vào đám hoa màu trong vườn nhà và số tiền nhận hỗ trợ sau bão (khoảng vài triệu đồng) được bà nội trang trải cho chi tiêu và việc học của bốn chị em.

Khi khắp nơi đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết thì bà nội của Thảo không dám nhắc đến Tết. Bà sợ điều đó sẽ làm mấy đứa trẻ nhớ mẹ. Bà thở dài: “Không biết rồi tương lai của chúng sẽ ra sao?”. Nỗi lo của bà là sự thực. Vì bà mỗi ngày một già, trong khi người cha bệnh tật của đám trẻ không thể làm được các công việc đồng áng nữa.

“Ước nguyện của cô bé 14 tuổi là gì”? Thảo buồn bã quay đi tránh câu hỏi của chúng tôi. Nhìn về căn nhà sụp đổ của gia đình, cố nén những dòng nước mắt đang chực chảy ra em nói chỉ mong sao ba hết bệnh, các em luôn được cắp sách đến trường như các bạn, như vậy là đủ lắm rồi... Bởi Thảo hiểu rằng, ước mơ tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy nhưng với Thảo và các em thật khó trở thành hiện thực.

- Ngay sau khi VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", rất nhiều độc giả đã gửi thư phản hồi và bày tỏ mong muốn được chung tay hỗ trợ những hộ nông dân nghèo được nêu trong tuyến bài này.

Đơn vị tài trợ thực hiện chuyên đề này - Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã quyết định sẽ chuyển đến các hộ dân trong tuyến bài một số tiền để không khí Tết thực sự hiện hữu trong mỗi gia đình nghèo, không chỉ là tấm áo mới, nồi bánh chưng mà còn là niềm vui, sự ấm áp.

- Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ các nhân vật trong tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", có thể gửi theo các cách sau:

1 - Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

2 - Bạn đọc giúp đỡ theo địa chỉ trực tiếp của toà soạn xin liên hệ:
Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 65 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.

  • Bảo Hòa

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,