- Khi được hỏi về sự chuẩn bị đón Tết của gia đình, chị Oanh ngập ngừng, im lặng hồi lâu và tâm sự trong ánh mắt còn ươn ướt: “Thực sự, tôi chưa dám nghĩ đến Tết nữa, cố gắng làm sao cho các cháu có được ngày hai bữa là thấy được an ủi lắm rồi...”.
"Có được ngày hai bữa là thấy được an ủi lắm rồi!"
Kể từ khi chồng mất, trách nhiệm của người trụ cột gia đình đè nặng lên đôi vai chị Nguyễn Thị Oanh (thôn 5, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội). Tết càng đến gần, nỗi lo lắng, trăn trở trong lòng người mẹ nghèo khổ ấy lại càng lớn và day dứt không nguôi.
Anh Bạch Công Tý - chồng chị Oanh lên rừng đốn gỗ nhưng không may bị cây đổ trúng người, dù đã được những người cùng đi làm nhanh chóng đưa đến bệnh viện nhưng do mất quá nhiều máu và bị tổn thương não nghiêm trọng nên đã không qua khỏi.
Chị Oanh và các con |
Theo lời kể của người dân trong xóm, chị Oanh suy sụp tới mức ốm liệt giường suốt một tuần liền, và không thể đưa tang chồng. Nỗi đau về thể xác và tinh thần không gì có thể bù đắp nổi. Hai cháu Bạch Công Hoàng (15 tuổi) và Bạch Công Tâm (8 tuổi) khi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Nhưng khi lớn lên thì chân tay cứ teo tóp dần, và được các bác sĩ kết luận là bị bệnh teo cơ, không thể đi lại được. Chị Oanh còn phải chăm sóc cả đứa út Bạch Công Minh chưa đầy 12 tháng tuổi.
Cả nhà chỉ trông chờ vào chút tiền ít ỏi mà chồng chị đi làm thuê kiếm được. Quãng đường hơn 6km từ nhà tới trường vẫn thường do anh Tý đưa các cháu đi học. Giờ đây, anh không còn nữa, chị phải đảm đương cả trách nhiệm là một người cha và một người mẹ với ba đứa con còn nhỏ dại, bệnh tật, chẳng thể giúp đỡ chị trong bất kì công việc gì. Sự khó khăn về kinh tế và neo đơn khiến chị Oanh buộc phải đưa ra quyết định mà chị cũng tự thấy xấu hổ với lòng mình, là đành để các con nghỉ học giữa chừng.
Thân hình gày gò, yếu ớt của hai đứa con ngày càng nhỏ bé đi rất nhiều so với tuổi của chúng, khiến lòng người mẹ càng quặn thắt. Chị nói trong ánh mắt đọng đầy những nước chỉ trực để trào ra: “Có những hôm thấy mẹ mải hái chè, hai anh em cố lê người ra để nhặt giúp mẹ mớ rau. Tôi nhìn chúng mà xót xa lắm, thà mình cố làm thêm còn hơn”.
Ngôi nhà thiếu vắng người chồng, người cha nên không có một chút không khí Tết nào... |
Bé Công Minh chưa được một tuổi cũng là nỗi lo lắng thường trực của chị, bởi chị sợ rằng căn bệnh quái ác kia lại có thể di truyền sang Minh giống như các anh của nó.
Ủy ban nhân dân xã Ba Trại đã xếp gia đình chị Oanh thuộc hộ nghèo, khó khăn của xã. Ngoài ra, từ tháng 12/2009, hai cháu Hoàng và Tâm còn được nhận thêm nguồn trợ cấp dành cho người khuyết tật với số tiền 250 nghìn/người/tháng. Nhưng với hoàn cảnh của gia đình chị lúc này thì vẫn chẳng thấm tháp vào đâu.
Kể từ khi chồng mất, hàng ngày chị Oanh vẫn gùi đứa nhỏ sau lưng, hái lá chè đi bán, những mong có thể kiếm thêm được một chút tiền để các con không bị đói. Chị Oanh nói, mong muốn lớn nhất của chị bây giờ là làm sao cho hai con được đi học trở lại, được hòa nhập, vui chơi với bạn bè. Chị nghẹn ngào nhắc lại lời chồng chị từng nói khi còn sống: “Chỉ cần các con được đến trường cho biết cái chữ, con số thì vợ chồng mình vất vả bao nhiêu cũng được”.
Khi được hỏi về sự chuẩn bị đón Tết của gia đình, chị Oanh ngập ngừng, im lặng hồi lâu và tâm sự trong ánh mắt còn ươn ướt: “Thực sự, tôi chưa dám nghĩ đến nữa, cố gắng làm sao cho các cháu có được ngày hai bữa là thấy được an ủi lắm rồi. Tết nhất cũng chưa có tính toán gì hết cả”.
Những ngày cuối năm, người người nhà nhà nhộn nhịp, tất bật với công việc thu dọn và sắm sửa mọi thứ. Còn với gia đình chị Oanh, vẫn là không khí ảm đạm, hiu hắt trong căn nhà nhỏ bé, tuềnh toàng giữa vùng rừng núi Ba Trại. Giờ đây, đón Tết với họ là điều quá xa xỉ. Lòng người mẹ của ba đứa con nhỏ dại ấy day dứt lắm một nỗi niềm trăn trở, Tết này các con của chị đã không có gì, lại còn không có… cha.
Người đàn ông và số phận 5 người mù
Trong những ngày cận Tết, chúng tôi đã đến thôn Tân Lộc, xã Tam Tiến huyện Núi Thành, Quảng Nam và thật xót xa cho một gia đình 6 người nhưng có tới 5 người bị mù, không còn khả năng lao động. Một mình người chồng sáng mắt phải đảm đương mọi việc trong nhà, chăm lo cho vợ và các con, đó là hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Duy Hùng (tên thường gọi là Bảy Bon - SN 1953).
Hai đứa con mù của ông Hùng vẫn hàng ngày mò mẫm ra sông cào hến để kiếm sống qua ngày |
Như bao người khác ở làng quê lam lũ này, ông Hùng lớn lên và lấy vợ, sinh con. Cuộc sống lam lũ khó nghèo của đôi vợ chồng trẻ cứ thế trôi qua. Một lần bà Lộc bị đau răng, không có tiền đến bệnh viện, bà ở nhà tự ý lấy thuốc thuốc diệt kiến, diệt ruồi để nhét vào răng cho đỡ nhức.
Sau đó, cứ mỗi lần đau là bà lấy thuốc đó nhét vào răng cho đỡ đau. Hậu quả là đôi mắt bà dần dần mờ đi, lúc đầu còn thấy mờ mờ, nhưng từ khi sinh được đứa con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Nga (năm nay 36 tuổi), là đôi mắt bà mù hẳn cho đến bây giờ.
"Tưởng chỉ mình bà ấy bị mù mắt, nhưng khi Nga lớn lên đến 16 tuổi thì cũng bị như mẹ, thấy vậy tui đưa con Nga và bà ấy đi khám đủ bệnh viện, từ Đà Nẵng rồi vào tận TP.HCM, nhưng đều không chữa được, vì không biết do đâu gây ra bệnh mù mắt..." - ông Hùng kể
Nhưng khi bà sinh tiếp con thứ hai, đó là anh Nguyễn Ngọc Lan (năm nay 33 tuổi), cũng giống như chị đầu, lúc mới sinh ra Lan cũng sáng mắt đi học đàng hoàng. Nhưng khi học đến lớp 6 thì mắt của Lan cũng dần mờ như chị, từ đó nghỉ học cho đến bây giờ.
Rồi hai đứa em của Ngọc và Lan, là Nguyễn Công Thành (SN 1989) và Nguyễn Công Thật (SN 1993), sinh ra sau đó, và cũng bị bệnh mù mắt.
Bà Mai Thị Lộc mò mẫm trong bóng tối để nuôi heo. Nhưng cuộc sống vẫn không đủ ăn |
Ông Hùng đưa cả nhà đi chạy chữa khắp nơi, đến khi của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi, đành dắt díu 4 đứa con và bà vợ bị mù về quê. Coi như hết phương cứu chữa. Đó là vào năm 1997.
Đưa con và vợ về quê tá túc nhờ bà con hàng xóm, ông bắt đầu cuộc mưu sinh bằng đủ thứ nghề để nuôi 5 người mù. Hai đứa lớn ngồi nhà cũng chán, nên đòi ba cho đi theo cào hến, mò ốc dọc sông để kiếm cái ăn cho cả nhà.
"Tui đâu biết chi Tết nhất!"
Gia đình có 6 người, nhưng có đến 5 người bị mù. Mọi công việc trong nhà vì thế trở nên hết sức khó khăn. Người vợ chỉ biết chăn nuôi heo và đi lại trong nhà theo quán tính. Còn các con thì mò mẫm ra sông cào hến, cào sìa, bắt ốc...để kiếm cơm qua ngày.
Còn Thành thì phụ cha chăn trâu, chỉ ngồi lên lưng trâu, trâu đi đâu thì Thành đi theo đó. Có lúc, trâu vào ăn lúa của người khác và bị họ vây đánh, trâu bỏ chạy tứ mạng, làm cho Thành rớt xuống không biết đường về nhà. Nhiều lúc, ông Hùng đi tìm con cả ngày.
“Chừ tui còn chút sức để lo cho 5 người mù trong nhà. Nhưng không biết khi không còn đủ sức, biết làm răng để lo cho mấy đứa và vợ...” - ông Hùng kể trong nước mắt.
Đại gia đình người mù của ông Hùng hơn 30 năm nay không biết Tết vì cuộc mưu sinh nhọc nhằn |
Trong căn nhà tạm những ngày cận Tết, người đàn ông sáng mắt vẫn ngày đêm ngụp lặn dưới sông Trường Giang để cào hến lo cái ăn cho 5 người mù. Dường như gia đình ông không ai biết cái Tết đang cận kề.
“Lo cái ăn hàng ngày chưa xong, biết lấy cái chi mà Tết nhất. Đã hơn 30 năm ni, vợ chồng con cái của gia đình tui đâu biết chi Tết nhất. Khổ lắm chú ạ...” - ông Hùng nói.
Bên kia bờ sông Trường Giang, là cảnh người mua bán tấp nập trong phiên chợ Tết... Dưới lòng sông, ông Hùng đang ngụp lặn để cào hến, kiếm cơm cho cả nhà.
- Ngay sau khi VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", rất nhiều độc giả đã gửi thư phản hồi và bày tỏ mong muốn được chung tay hỗ trợ những hộ nông dân nghèo được nêu trong tuyến bài này. Đơn vị tài trợ thực hiện chuyên đề này - Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã quyết định sẽ chuyển đến các hộ dân trong tuyến bài một số tiền để không khí Tết thực sự hiện hữu trong mỗi gia đình nghèo, không chỉ là tấm áo mới, nồi bánh chưng mà còn là niềm vui, sự ấm áp. - Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ các nhân vật trong tuyến bài "Đưa Tết về với người nghèo", có thể gửi theo các cách sau:
1 - Chuyển khoản: |
-
Vũ Trung - Nguyên Khang - Vân Anh – Vũ Ngân